Điện Bàn được xem là vùng đất địa linh nhân kiệt. Là quê hương của nhiều danh nhân, chí sĩ, nhà khoa học nổi tiếng như Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Phan Khôi, Giáo sư Hoàng Tụy... Nơi đây còn được xem là một trong những chiếc nôi hình thành chữ quốc ngữ. Toàn huyện hiện nay có 4 di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia, 31 di tích văn hóa, lịch sử cấp tỉnh... Điện Bàn cũng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, trên 15 ngàn liệt sĩ đã hy sinh, 5 ngàn thương binh và 1.600 Mẹ Việt Nam anh hùng được nhà nước phong tặng và truy tặng.
Về giáo dục-đào tạo, toàn huyện có 71 trường, 44.000 học sinh các cấp; 1 trường
cao đẳng kinh tế kỹ thuật, 1 trường Trung cấp nghề Bắc Quảng Nam, 01 trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật và 01 trung tâm hướng nghiệp dạy nghề của huyện. Hàng năm đào tạo khoảng 3.000-3.500 lao động chuyên môn kỹ thuật thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau.
Về y tế, trên địa bàn huyện có 1 Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam, 1 bệnh
viện tư nhân Vĩnh Đức và 20 trạm y tế xã. Tổng số giường bệnh là 599 giường, 409 cán bộ y bác sĩ ( trong đó có 102 bác sĩ).
Thời gian qua, trên lĩnh vực văn hoá - xã hội đã đạt được kết quả quan trọng, đời sống văn hoá được tập trung xây dựng khá đồng bộ và có chiều sâu. Các chương trình xoá đói giảm nghèo, cho vay giải quyết việc làm...được chú trọng. Công tác xã hội hoá trong giáo dục, y tế bước đầu đạt kết quả tốt. Duy trì và giữ vững thành quả phổ cập bậc tiểu học và THCS đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục bậc trung học đang được đẩy mạnh thực hiện. Chương trình xoá nhà tạm mang lại nhiều kết quả khả quan, đến năm 2009 cơ bản hoàn thành chương trình xoá nhà tạm cho hộ nghèo diện chính sách xã hội. Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo người có công được duy trì và nâng cao. Tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 8,03%.