Tổng hợp tất cả những phân tích từ các phần trước đó, những giải pháp sau đây được đề xuất:
Như đã được phân tích trong mục 4.3 và 4.4, cả doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và người nuôi cá tra đều không đạt được hiệu quả thị trường về mặt giá cả, do người mua nước ngoài là người quyết định giá hoàn toàn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chưa có sự liên kết thật sự chặt chẽ giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với nhau trong khâu tiêu thụ sản phẩm, cũng như tiếp cận thị trường, mặc dù đã có Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP). Chính vì vậy, giải pháp đầu tiên được đề xuất ở đây là cần
tăng cường và củng cố mạnh mẽ hơn mối liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, thông qua các hoạt động hỗ trợ của VASEP trong việc dự báo thị trường và xúc tiến thương mại. Bởi vì có được sự liên kết này, sẽ tạo điều kiện cho thị trường hoàn hảo hơn (nhiều người mua và nhiều người bán, tránh trường hợp có quá nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bán sản phẩm cho một số ít người mua nước ngoài). Điều này sẽ làm tăng quyền lực thị trường của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong việc ngã giá với người mua nước ngoài. Từ sau vụ kiện “chống bán phá giá” vào năm 2003, mặc dù đã có nhiều thay đổi tích cực về chất lượng sản phẩm, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu ổn định về mặt giá cả sản phẩm xuất khẩu, trong khi cá tra xuất khẩu của Việt Nam được đánh giá là “một mình, một chợ”, do vậy cần có sự liên kết chặt chẽ hơn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần có kế hoạch phân chia
86
thị trường xuất khẩu, thông qua việc mỗi doanh nghiệp sẽ xác định cho mình một hoặc vài thị trường mục tiêu, sau khi tiếp nhận được những thông tin thị trường từ VASEP. Thực hiện được kế hoạch này sẽ góp phần làm giảm tính bất ổn định giá cả trên từng nhóm thị trường, và do vậy sẽ làm ổn định giá cả chung trên thị trường thế giới cho sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài việc tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với nhau, để đảm bảo có được sản phẩm có chất lượng ổn định, cũng như để có nguồn cung nguyên liệu cá tra cho các doanh nghiệp chế biến, cần thực hiện việc liên kết ngang giữa các hộ nuôi với nhau, để họ có thể chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực với nhau trong sản xuất, cũng như trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Qua khảo sát 262 hộ nuôi cho thấy chỉ có khoảng 1/4 số hộ nuôi có tham gia các tổ chức hợp tác trong sản xuất, dưới hình thức câu lạc bộ, nhóm hợp tác hoặc HTX. Số còn lại hoàn toàn nuôi theo hình thức gia đình riêng lẻ. Thực tế cho thấy, điều này làm hạn chế khả năng liên kết giữa người nuôi với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của người mua. Như kết quả phân tích ở mục 4.4 cho thấy, mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các hộ nuôi, nhưng vẫn không mang lại dấu hiệu tích cực về giá cả thị trường. Một trong những nguyên nhân chính là do mất cân đối liên tục trong quan hệ cung cầu hàng hóa cá tra nguyên liệu, do các hộ nuôi chưa có sự liên kết với nhau trong kế hoạch sản xuất, mà nguyên nhân chính là do phần lớn họ sản xuất theo kiểu riêng lẻ. Trong khi đó, để hạn chế sự mất cân đối cung cầu – nguyên nhân dẫn đến sự bất ổn giá cả cho người nuôi, phạm vi liên kết ngang giữa các hộ nuôi không chỉ dừng lại ở phạm vi một tổ chức kinh tế hợp tác, mà còn mở rộng sự liên kết giữa các tỉnh có nuôi cá tra với nhau – liên kết vùng. Chính vì vậy, cần có sự hỗ trợ của Hiệp hội Cá tra và Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn các tỉnh trong việc thành lập các tổ chức kinh tế hợp tác và xây dựng kế hoạch sản xuất chung cho vùng, trên cơ sở nhu cầu nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến, thông qua thông tin từ VASEP.
Để có được sự cải thiện tích cực về giá cả cá tra nguyên liệu, cũng như giá cả cá tra phi lê xuất khẩu, ngoài hai giải pháp vừa nêu ở trên, cần có sự liên kết dọc giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và các tổ chức kinh tế hợp tác nuôi cá tra nguyên liệu. Mặc dù, từ sau năm 2010 đã có mối liên kết này tại một số địa phương thông qua việc ký hợp đồng sản xuất giữa doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế hợp tác. Tuy nhiên, những loại hợp tác này tỏ ra thiếu tính bền vững, do chưa có sự sẵn lòng chia sẻ rủi ro, cũng như lợi ích giữa hai bên – nguyên tắc cốt lõi cho sự thành công. Chính vì vậy, để tăng tính bền vững cho mối liên kết này có thể áp dụng hai hình thức liên kết: liên kết theo kiểu các tổ chức kinh tế hợp tác nuôi gia công cho các doanh nghiệp. Hình thức liên kết này được áp dụng cho các tổ chức kinh tế hợp tác có hành vi chấp nhận rủi ro thấp. Hình thức thứ hai có thể áp dụng cho những tổ chức kinh tế hợp tác có hành vi chấp nhận rủi ro cao, đó là hình thức các tổ chức kinh tế hợp tác liên kết với doanh nghiệp với tư cách là cổ
87
đông, và do vậy doanh nghiệp và người nuôi sẽ cùng chia sẻ rủi ro và lợi ích dựa trên kết quả kinh doanh và mức độ góp vốn của các bên.
Tóm lại, để phát triển ngành hàng cá tra ở ĐBSCL cần thực hiện 3 giải pháp chính sau:
(1) tăng cường và củng cố mạnh mẽ hơn mối liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu;
(2) xây dựng liên kết ngang giữa các người nuôi với nhau dưới hình thức các tổ chức kinh tế hợp tác trên phạm vi trong từng địa phương và giữa các địa phương trong vùng với nhau;
(3) thực hiện liên kết dọc giữa doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế hợp tác với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dưới hình thức nuôi gia công và hoặc là cổ phần.
88
Chương 5. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ