Trong quá trình sản xuất cá tra nguyên liệu các doanh nghiệp/hộ nuôi đã trải qua nhiều khó khăn như: giá cả đầu ra không ổn định, giá cả thức ăn cho cá gia tăng, chất lượng con giống thấp, dịch bệnh trên cá, cũng như thiếu vốn cho sản xuất.
- Giá cả sản phẩm cá tra nguyên liệu nội địa biến động mạnh: trong 2 tháng đầu năm 2012, giá cả cá tra nguyên liệu tăng mạnh và dao động ở mức cao, giá đỉnh điểm lên tới 26.500 đồng/kg trong nửa cuối tháng 02/2012. Nguyên nhân giá cá tra tăng nhanh trong khoảng thời gian này là do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, thiếu nguyên liệu chế biến, giá cả cá tra phi lê xuất khẩu gia tăng trên hầu hết các thị trường. Tuy nhiên, từ tháng 03-10/2012 giá cả cá tra nguyên liệu có chiều hướng giảm mạnh do có nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra lâm vào tình trạng suy thoái. Bên cạnh đó, hầu hết người nuôi lâm vào tình trạng chịu sức ép lớn từ lãi suất vay để nuôi cá, đã dẫn đến tình trạng bán cá ồ ạt với mức giá thấp. Trong khoảng thời gian này, nói chung kể cả doanh nghiệp và người nuôi khó tiếp cận được với nguồn vốn vay hỗ trợ – lãi suất thấp – trong khi thị trường xuất khẩu sang các nước EU vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Điều này đã làm cho giá cả cá tra nguyên liệu giảm sút nghiêm trọng. Cụ thể vào thời điểm cuối tháng 06 và đầu tháng 07/2012 mức giá dao động từ 19-20 ngàn đồng/kg – mức thấp nhất kể từ tháng 11/2010. Đến tháng 11/2012, giá cả cá tra nguyên liệu có xu hướng tăng trở lại, có những lúc lên đến 23.500 – 24.000 đồng/kg do có thông tin nguồn cung nguyên liệu đạt chuẩn khan hiếm. Tuy nhiên, sang đến đầu tháng 12/2012 do ảnh hưởng của chính sách siết chặt hoạt động cho vay ngoại tệ với lãi suất thấp của Ngân hàng Nhà nước, cộng với việc các ngân hàng ráo riết thu hồi công nợ cuối năm đã khiến cho giá cả cá tra nguyên liệu sụt giảm, đến cuối tháng 12/2012 giá cả dao động ở mức 19.500 – 20.500 đồng/kg. Tính chung năm 2012, giá cả cá tra đạt bình quân 22.600 đồng/kg, giảm 9,4% so với năm 2011 [38]. Tóm lại, giá cả cá tra nguyên liệu nội địa dao động mạnh trong năm 2012, thực trạng này đã ảnh hưởng tiêu cực đến các hộ nuôi, đồng thời cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra do sự bất ổn định của nguồn nguyên liệu đầu vào nội địa.
- Giá cả thức ăn chăn nuôi gia tăng: do ảnh hưởng của tình trạng hạn hán tại các quốc gia cung cấp chính các loại ngũ cốc sử dụng để chế biến thức ăn chăn nuôi đã làm cho giá cả ngũ cốc của thế giới tăng liên tục, đặc biệt vào tháng 08/2012 giá cả ngũ cốc tăng đến mức đỉnh cao nhất trong lịch sử nhiều năm trở lại đây. Cụ thể giá đậu tương tăng đến trên 600 USD/tấn và giá khô đậu tương tăng lên gần 600 USD/tấn [7]; giá bột xương thịt Ý nhập khẩu đã tăng đến mức
37
gần 450 USD/tấn [38]. Điều này đã làm gia tăng giá cả nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập về Việt Nam, và do vậy đã góp phần làm gia tăng chi phí sản xuất cá tra nguyên liệu nội địa. Dựa vào kết quả nghiên cứu của Phạm Thị Thu Hồng (2012) [7], chi phí thức ăn trên 1 kg cá nguyên liệu năm 2012 đã tăng 3,5% so với năm 2011 (từ 17.280 đồng lên đến 17.880 đồng) và đã tăng đến 70% so với năm 2007. Do chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng từ 77-81% trong giá thành sản phẩm nên chỉ cần một sự tăng nhẹ trong giá cả cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận đạt được của người nuôi. Do vậy, có thể nói thực trạng sản xuất cá tra nguyên liệu nội địa đang gặp khó khăn lớn về giá thành sản phẩm do giá cả thức ăn chăn nuôi gia tăng. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm cá tra của Việt Nam so với các nước xuất khẩu khác.
- Chất lượng con giống thấp: chi phí con giống chiếm từ 7-8% trong giá thành sản phẩm. Mặc dù chiếm tỷ trọng không cao lắm trong giá thành sản phẩm nhưng nếu người nuôi không tiếp cận được với nguồn cá giống tốt sẽ dẫn đến tỷ lệ sống của cá thấp và kéo dài thời gian nuôi, cuối cùng dẫn đến giá thành sản phẩm gia tăng. Thực tế trong sản xuất đã cho thấy: để đạt được trọng lượng cá nuôi từ 0,9 – 1,2 kg/con với con giống tốt người nuôi chỉ mất thời gian nuôi từ 6- 7 tháng, nhưng với chất lượng con giống thấp, người nuôi phải mất từ 8-9 tháng [7]. Hiện tại, đa phần các hộ nuôi nhỏ lẻ không tiếp cận được nguồn con giống tốt, do vậy đã làm ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của họ.
- Dịch bệnh trên cá gia tăng: trong những năm gần đây người nuôi có xu hướng tối đa hoá lợi nhuận thông qua việc gia tăng năng suất bằng con đường tăng mật độ nuôi cao (50-70 con/m2), tận dụng tối đa quỹ đất để nuôi cá, không quan tâm đến việc dành quỹ đất để xây dựng ao lắng. Điều này đã dẫn đến tình trạng nguồn nước có xu hướng bị ô nhiễm ngày càng nhiều hơn, do vậy đã xuất hiện nhiều loại bệnh trên cá nuôi như: bệnh gan thận mủ, vàng da, trắng gan trắng mang, bệnh gạo v.v… đã làm cho tỷ lệ hao hụt tăng đến 20-30%. Kết quả đã làm lợi nhuận sụt giảm đáng kể.
- Thiếu vốn sản xuất: phần lớn các hộ nuôi nhỏ lẻ, cũng như những doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đều thiếu vốn trong sản xuất kinh doanh. Do vậy, hầu hết họ đều phải vay từ các tổ chức tín dụng với mức lãi suất vay từ 12-15%/năm. Mặc dù Chính phủ đã thông qua gói hỗ trợ vốn 900 ngàn tỉ với lãi suất thấp, nhưng không có nhiều người nuôi và doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này do gặp khó khăn trong việc lập hồ sơ vay vốn [38]. Trong khi đó chi phí lãi vay chiếm bình quân khoảng 8% trong giá thành sản phẩm, điều này làm gia tăng chi phí tài chính cho người nuôi, và do vậy làm gia tăng giá thành sản xuất.
38