Giấc mơ thuộc thế giới mộng ảo không có thực tưởng như không liên quan đến con người trong hiện thực nhưng trên thực tế là sự thể hiện nội tâm con người ở phương diện vô thức. Trong cuộc sống, ý thức bị chi phối, ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố: giáo dục, đạo đức, quan điểm, lí trí... Nhiều khi những điều chúng ta nghĩ không phải là những gì chúng ta nói ra hay điều chúng ta muốn không phải là những gì chúng ta làm. Những cảm xúc ban ngày bị đè nén ấy sẽ được giải phóng trong giấc mơ. Giấc mơ phát sinh từ những vùng sâu kín của bãn ngã, có vai trò giống như chiếc gương soi tỏ nội tâm con người, cho phép thể hiện bản ngã một cách chân thực, không bị kiểm soát. Giấc mơ – miền ẩn ức có mặt trong nhiều tác phẩm văn học sau năm 1975, tạo nên dòng ý thức phát lộ nội tâm cá nhân mà tiêu biểu là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Nguyễn Nhật Ánh không đi sâu vào những phương diện ẩn ức hay những kĩ thuật phức tạp vốn xa lạ với đối tượng cảm thụ là thiếu nhi nhưng không phải vì thế mà tác phẩm của anh không có những giấc mơ. Chương trong Hạ đỏ sau kì thi còm nhom, “khớp xương lồi ra trên vai”. Mong muốn thân hình mập lên khiến anh chàng có một giấc mơ hài hước: “tôi hóa thành một chàng trai khôi ngô lực lưỡng. Tôi co tay lại, bắp thịt nổi cuồn cuộn. tôi duỗi tay ra, bức tường trước mặt tôi thủng một lỗ to tướng. Tôi chuẩn bị ghi tên thi lực sĩ đẹp” [; 7]. Như vậy, giấc mơ làm hiện hình nỗi khao khát mà bình thường chúng ta không biểu lộ ra bên ngoài. Giấc mơ mang màu sắc hóm hỉnh như trên chủ yêu nhằm mục đích tạo sự hài hước trong giọng điệu, không liên quan nhiều đến việc thể hiện hồi ức. Chúng tôi quan tâm tới những giấc mơ như sự hiển lộ của tâm thức ẩn kín, gợi nhắc nhân vật về quá khứ đã qua trong các tác phẩm như: Đi qua hoa cúc, còn chút gì để nhớ, Lá nằm trong lá .
“Thế giới của kỉ niệm cũng giống như một giấc mơ” [Lê phong Tuyết; 50]. Nhân vật trong giấc mơ vượt ra khỏi thời gian để quay trở về quá khứ, nhìn thấy những gương mặt xưa cũ hay về lại những nơi chốn thời thơ ấu. Trước khi vào truyện, nhân vật tôi trong Lá nằm trong lá miêu tả giấc mơ: “Đôi khi tôi nằm mơ, những giấc mơ mùa hè với rất nhiều gió thổi qua cành dương liễu chạy dọc hàng rào ngôi trường thời trung học” [; 7]. Giấc mơ đưa “tôi” trở về năm lớp 9 – “một năm đáng nhớ, với rất nhiều mối tình nảy nở ở cái tuổi chuẩn bị đặt chân vào cấp ba” [; 7]. Giấc mơ tái hiện kỉ niệm vui đùa cùng bạn bè “bọn con trai bì bõm vật nhau và hò hét ầm ĩ, bọn con gái ngồi túm tụm dưới những rặng tre ngà, thủ thỉ trò chuyện và nhằn hạt dưa mang theo trong cặp sách” [; 8]. Và trong thước phim quay chậm của hồi ức, mẹ hiện ra, “giận dữ gom hết quần áo của tôi và ba thằng bạn...”. Người mẹ “còn trở lại giấc mơ niên thiếu của tôi nhiều lần nữa. Như những gì tôi sắp kể ra đây” [; 9]. Giấc mơ kéo dãn không gian, co lại thời gian, thể hiện hồi ức về
tuổi học trò nghịch ngợm, hồn nhiên và chớm có rung động đầu đời. Với ý nghĩa đó, cả tập truyện Lá nằm trong lá giống như một giấc mơ dài về thời niên thiếu.
Chương trong Còn chút gì để nhớ luôn đau đáu về mối tình đầu dang dỏe với Quỳnh. Tình yêu không cháy bỏng nhưng dai dẳng, âm ỉ thường ngày “bị đè nén dưới xô bồ công việc, dưới sự cưỡng bách của ý chí nhưng cũng như con thú... chỉ chờ sự lơi lỏng là vùng thoát ra và kêu những tiếng kêu nhói buốt” [; 193]. Nỗi nhớ ban ngày có thể xua tan bởi công việc nhưng “trong những giấc mơ, tôi hoàn toàn bất lực”. Cô bé hiện đến và cũng y như ngày xưa, kêu tôi chở đi học trên những con đường quen thuộc, rồi lại nhõng nhẽo bắt tôi trèo lên hái hoa trên cây sứ năm nào..” [; 193]. Giấc mơ đánh thức kí ức, tái hiện gương mặt quen, đồng thời hiện rõ nội tâm nhân vật.
Đi qua hoa cúc là quãng thời gian bốn năm ròng Trường sống với ông ngoại ở quê. Trường kết bạn với anh em Chửng và ba thằng tiểu quỷ ấy “không ngừng lang thang phá phách hàng xóm cũng như làm lắm trò ngốc nghếch khác” [; 28]. Đó cũng là quãng đời cậu bé “bắt đầu có những phút giây mơ mộng của riêng mình” [; 28] trước chị Ngà: “từ trước đến nay tôi chưa từng thấy ai có đôi mắt đẹp đẽ đến nồng nàn như vậy. tôi đọc trong đó sự rạng rỡ không che giấu. Tôi cũng đọc trong đó nỗi rộn ràng khó tả của trái tim tôi” [; 73]. Tất cả như giấc mơ về thời niên thiếu hòa quyện giữa tình bạn và tình yêu đầu. Tôi đã từng thú nhận: “Phải đợi đến cuối năm lớp chín, khi tôi đã bước qua tuổi mười sáu, hình bóng của anh em thằng Chửng mới bắt đầu phai nhạt dần trong những giấc mơ tôi” [; 28]. Với chị Ngà – kỉ niệm về mối tình đầu không hồi đáp để lại những day dứt, bâng khuâng, tôi nhận ra; “Thật ra chị chẳng hề có lỗi gì với tôi. Chị chỉ có lỗi với những giấc mơ đẹp đẽ và ngọt ngào của tôi thôi” [; 208]. Qua lời kể của nhân vật tôi, kỉ niệm trùng với giấc mơ như một vòng tròn đồng tâm. Nhà văn không miêu tả quá sâu những giấc mơ mà chỉ gợi thoáng. Lựa chọn mức độ giấc mơ liên quan đến đối tượng tiếp nhận là thiếu nhi. Độc giả ở lứa tuổi học trò không quan tâm nhiều đến những kĩ thuật kể hay thủ pháp quá phức tạp, các em cần những tác phẩm gần gũi với tâm hồn hơn.
Tiểu kết:
Nguyễn Nhật Ánh đã lựa chọn linh hoạt những điểm nhìn để tạo ra một lăng kính đặc biệt muôn màu. Đó là điểm nhìn trẻ thơ trong trẻo, điểm nhìn của người lớn mang tính sâu sắc, triết lí và toàn năng khi dẫn dắt câu chuyện và sự dung hòa giữa hai điểm nhìn để soi chiếu dòng hồi ức đa sắc về thế giới tuổi thơ và tuổi mới lớn. Với ý nghĩa như những tấm vé đưa độc giả trở về sân ga tuổi thơ, Nguyễn Nhật Ánh tạo nên cặp phạm trù song hành không gian hoài niệm và thời gian quá khứ, tâm tưởng. Cặp không – thời gian này khơi mở những kí ức, đưa nhân vật ngược dòng quá khứ trở về với “miền xanh thẳm” để tìm lại những giá trị tốt đẹp, hồn nhiên đáng quý của thời thơ ấu một đi không trở lại. Bên cạnh đó, cốt truyện không chặt chẽ và thủ pháp giấc mơ cũng là những phương diện nghệ thuật thể hiện hồi ức trong tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh.
KẾT LUẬN
Sự thức tỉnh mạnh mẽ của cái tôi cá nhân cùng tinh thần nhìn thẳng vào sự thật khiến mạch chảy văn học chuyển từ cái nhìn thế sự sang đời tư. Đó cũng là cơ sở, tiền đề để văn học thiếu nhi sau năm 1975 nở rộ với nhiều tác phẩm lấy hồi ức làm chất liệu. Hồi ức ở đây thường mang màu sắc tự truyện, được chắt lọc lại để phù hợp với những vấn đề của cuộc sống hiện đại hôm nay. Qua dòng chảy hoài niệm, người kể có “độ lùi” thời gian chiêm nghiệm chiêm nghiệm, nghĩ suy về mọi vấn đề trong quá khứ, đặt ra vấn đề nhận thức thực tại, con người bằng nhãn quan mới mẻ, đa chiều. Theo đó, hồi ức về đề tài cách mạng vẫn tiếp tục cảm hứng ngợi ca chiến công anh hùng nhưng cũng không né tránh mất mát, đau thương, thậm chí cả những góc khuất nghiệt ngã. Hồi ức là phương thức để các nhà văn nhận thức lại những giá trị theo quan niệm truyền thống cũ và trình diện cái tôi cá thể trong sự phức tạp, đa dạng của nó.
Nằm trong mạch chảy văn học thiếu nhi Việt Nam sau năm 1975, hồi ức là loại chất liệu được Nguyễn Nhật Ánh rất ưa chuộng. Nhà văn viết cho trẻ thơ như lần giở kí ức của chính mình. Thông qua màn sương kỉ niệm, anh đã tạo dựng một thế giới tuổi thơ vi diệu, đắm say trong những trò chơi hồn nhiên, thơ dại. Thế giới tuổi thơ còn tràn đầy khát khao đẹp đẽ và tình yêu thương được nhìn qua trái tim bao dung, lòng nhiệt thành con trẻ. Viết cho tuổi mới lớn, truyện nguyễn Nhật Ánh không chỉ có sự hồn nhiên, ngây thơ mà còn chất chứa nhiều xúc cảm mới mẻ, mơ hồ, mong manh của trái tim lần đầu rung động trước người khác giới. Cùng với sự tái hiện quá khứ đã qua, hồi ức còn là cuộc hành trình đi tìm bản thể, chiêm nghiệm cái tôi và suy tư về cuộc đời.
Nguyễn Nhật Ánh đặt sự vật, con người trong điểm nhìn trẻ thơ để phát lộ thế giới trong trẻo riêng trong cách nhìn của các em. Ngược lại, điểm nhìn người lớn đã đem đến cho sáng tác của nhà văn sự sâu sắc, triết lí, cũng như kìm nén để những ngây dại thơ bé không đi quá đà. Sự dung hòa hai điểm nhìn đã mở rộng biên độ tác phẩm để đối tượng độc giả không chỉ thu hẹp
trong trẻ thơ mà cả người lớn cũng yêu thích. Lấy hồi ức làm chất liệu, không gian hoài niệm và thời gian quá khứ, tâm tưởng trở thành một cặp song hành. Không gian làng quê – thiên đường đã mất cùng với thành thị hiện đại, xô bồ mở ra theo trường hoạt động của nhân vật. Nó tương ứng với không gian quá khứ theo trật tự tuyến tính và những khoảng ngưng của thời gian. Không – thời gian gắn kết quá khứ, hiện tại, thực và tâm tưởng, khơi mở những kí ức, tái hiện nhưng gương mặt người, những kỉ niệm chôn sâu trong tâm trí. Bên cạnh đó, cốt truyện không chặt chẽ, nghiêng về tâm trạng với các mảnh lắp ghép và thủ pháp giấc mơ cũng hấp dẫn người đọc vào hành trình trở về sân ga tuổi nhỏ.
“Có thể nói mỗi cuốn sách Nguyễn Nhật Ánh như mỗi chuyến tàu trở về tuổi thơ, ở đó có nhiều toa, mỗi toa là mỗi bất ngờ, mỗi thú vị mỗi háo hức mỗi mê say, khi làm ta bật cười, khi làm ta rưng rưng hoặc lặng đi suy ngẫm”... Hồi ức Nguyễn Nhật Ánh kết tinh trở thành phần di sản đẹp đẽ hướng con người ta tới cái Chân – Thiện – Mỹ của cuộc đời.