Nhật Ánh
Kí ức là một loại chất liệu nghệ thuật được Nguyễn Nhật Ánh rất ưa chuộng. Truyện của anh luôn là “những phản quang của kỉ niệm”. Theo tác giả, tác phẩm “được hình thành từ ba nguồn: kí ức, sự quan sát và óc tưởng tượng. Tuy nhiên, với một nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi, sự huy động kí ức được xem là chủ yếu” [40; 8]. Chất liệu sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống nhưng là hiện thực đã đi vào kí ức, trở thành những trải nghiệm khó quên trong cuộc đời tác giả: “Tôi biến hóa những kỉ niệm vào trang viết. Mỗi người trong cuộc đời đều có những vui buồn sướng khổ. Sống tận cùng đến tất cả những cảm xúc của mình là chất liệu cho nhà văn” [27]. Anh viết về thiếu nhi như lật giở kí ức của chính mình. Với ý nghĩa đó, hồi ức tuổi thơ và tuổi mới lớn có vai trò như cánh cửa mở ra thế giới truyện Nguyễn Nhật Ánh.
Chất liệu hồi ức trong tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh là những hình ảnh, sự việc có cơ sở từ cuộc đời tác giả nhưng được bao phủ bởi sự hư cấu, được chắt lọc qua lăng kính cá nhân để phù hợp với ý đồ sáng tạo nghệ thuật. Nhà văn sử dụng hồi ức ở các mức độ khác nhau. Có khi hồi ức được “pha loãng”, mờ nhòe với trí tưởng tượng, chỉ còn là những tiểu tiết nhỏ trong tác phẩm; có khi hồi ức lại dày đặc thể hiện qua không gian, nhân vật...
Ở mức độ thứ nhất, nhiều sáng tác của nhà văn đất Quảng có cốt truyện hoàn toàn hư cấu, nhân vật đa phần là sản phẩm của tưởng tượng như: Thằng quỷ nhỏ, Nữ sinh, Bồ câu không đưa thư, Buổi chiều Windows, Phòng trọ ba người, Chú bé rắc rối, Bàn có năm chỗ ngồi, Thiên thần nhỏ của tôi, Bong
bóng lên trời... Dù mang tính hư cấu nhưng chúng không phải không chứa đựng kỉ niệm của tác giả. Quỳnh trong Thằng quỷ nhỏ phảng phất bóng hình nhà văn trong những ngày tháng vất vả phải đi đẩy xe để kiếm sống. Khu vườn với chiếc giếng phủ rêu trong Thiên thần nhỏ của tôi như bước ra từ tuổi thơ người viết. Rồi Buổi chiều Windows chứa đựng kỉ niệm của nhà văn về ngày đầu làm quen với máy tính... “Ở đây, không thiếu những tình tiết, những mẩu đối thọai được "bóc ra" từ cuộc đời thực. Nếu không có những điểm xuyết quan trọng này, sức tưởng tượng của người viết dù có phong phú đến đâu, những trang sách cũng dễ dàng rơi vào chỗ gượng ép, giả tạo và những độc giả hồn nhiên sẽ nhanh chóng phát hiện ra ngay” [2; 179-180].
Sử dụng chất liệu hồi ức ở mức độ cao hơn, Nhiều tác phẩm như Mắt biếc, Hoa hồng xứ khác, Còn chút gì để nhớ, Hạ đỏ, Đi qua hoa cúc... là những ngọn nến được thắp lên từ hồi ức xưa cũ, tái hiện một đoạn đời tác giả.
Mắt biếc chứa đựng những kỉ niệm của Nguyễn Nhật Ánh về làng Đo Đo.
Còn chút gì để nhớ viết về thời kỳ nhà văn khăn gói vào Sài Gòn thi đại học... “Bao giờ đọc lại những tác phẩm này, lòng tôi (Nguyễn Nhật Ánh) cũng bùi ngùi vô hạn. Nỗi bâng khuân này cũng giống hệt như một sớm mai nào nắng mới, mẹ ta sọan hòm quần áo cũ đem phơi, ta chợt bắt gặp chiếc áo mặc cách đây năm, bảy năm về trước. Chiếc áo bây giờ không mặc được nữa, vải đã cũ sờn mà sao chỉ vừa nghe thoang thỏang mùi long não, lòng ta đã vội rưng rưng!” [2; 180]. Lấy hồi ức làm điểm tựa, xuyên suốt nhiều thiên truyện là hình ảnh nhân vật “tôi” - “chú bé đa cảm, mơ mộng, thiên về sách vở hơn hoạt động thực tiễn, rất nghịch ngợm giữa bạn bè cùng giới mà lại nhút nhát trước bạn gái và thường cam chịu những thiệt thòi. Chú bé ấy yêu thiên nhiên, gắn bó với quê hương, quá khứ và thiếu tự tin khi hội nhập vào thế giới thị thành...” [102; 28]. Nhân vật này phảng phất nét tính cách quen thuộc của tác giả, có thể xem như biến thể của nhà văn, “được Nguyễn Nhật Ánh huy động cả kí ức, tình yêu quê hương và cả sức ám ảnh của kỉ niệm để thể hiện” [102; 28].
Hình ảnh làng quê trong các tác phẩm phần lớn được nhà văn tái hiện từ nỗi hoài nhớ cố hương: “Tôi nhớ ngôi chợ đêm lấp lánh ánh đèn, nhớ những đoàn xiếc lưu diễn thỉnh thoảng vẫn đến làng tôi và làm bọn trẻ con chúng tôi kiếp vía với những con trăn lớn quấn quanh cổ bọn người bán dạo. Tôi nhớ những cái giếng trên con đường cuối chợ ba tôi vẫn dẫn tôi đi tắm vào những đêm trăng sáng trên đường làng” [22; 22-23]. Quê nhà xa xôi luôn trở đi trở lại như nỗi niềm day dứt, trăn trở khôn nguôi, xui khiến anh tìm cách “thỏa nỗi nhớ quê của mình theo cách của những người hành nghề bằng con chữ. Những kỉ niệm, những vùng đất, những gương mặt bạn bè ấu thơ thi nhau hiện lên trong hết cuốn sách này đến cuốn sách khác” [22; 24]. Nguyễn Nhật Ánh “viết về Bình Quế trong Mắt biếc, Bình Tú trong Đi qua hoa cúc, Bình Trung trong Hạ đỏ và... Tam Kỳ trong Hoa hồng xứ khác” [2; 180].
Nhân vật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh như bước ra từ kỉ niệm của nhà văn nhưng được tái hiện qua lăng kính của người nghệ sĩ nên không hoàn toàn trùng khít với ngoài đời. Nhân vật Ngữ, Nghị, Hòa lé, "giáo sư" Bá và Khoa trong Hoa hồng xứ khác mang dáng dấp của bạn bè Nguyễn Nhật Ánh cùng học 11C Trần Cao Vân niên khóa 1971-1972: Tôn Thất Cẩm, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Văn Dũng, Lâm Hòa và dĩ nhiên cả chính nhà văn. Tuy nhiên, khi bước vào tác phẩm, những nhân vật đó đã được “định dạng” lại để phù hợp với ý đồ sáng tạo của nhà văn. Lâm Hòa không biết hát, cũng không lé. Nhưng nhân vật Hòa lé trong truyện lại hát rất hay. Nguyễn Thanh Hải khi biến thành "giáo sư" Bá đã bị buộc mang thêm một đôi kiếng cận mà thực ra hắn không có. Nguyễn Văn Dũng hồi đó đã làm thơ hay, khi bị bắt lính ký bút hiệu Ngữ Luân đăng thơ ở Văn và Tuổi Ngọc nhưng chưa bao giờ vứt bài của Nguyễn Nhật Ánh như tay chủ bút Ngữ hắc ám ...
Sử dụng hồi ức là chất liệu khiến tác phẩm trở nên gần gũi với bạn đọc. Câu chuyện tuổi thơ cho người đọc cảm giác nhà văn không phải người đứng
ngoài xa lạ mà trở thành người “nhập cuộc”, hòa trong thế giới kì diệu của trẻ thơ. Nhưng bên cạnh đó, viết cho tuổi mới lớn, trong khi “trạng thái tinh thần ở lứa tuổi thiếu niên đòi hỏi được thể hiện ở nhiều cung bậc, sắc thái, mà Nguyễn Nhật Ánh thì còn tựa quá nhiều vào quá khứ. Qua màn sương hoài niệm, những mối tình mới chớm đều buồn, dở dang và gắn liền với một nhân dáng” [102; 28].
Tiểu kết:
Hồi ức – sự trở về với quá khứ trong tâm tưởng rõ ràng là một lựa chon ưu tiên của Nguyễn Nhật Ánh khi viết truyện cho thiếu nhi. Nó nằm trong xu thế chung của văn học năm 1975, là dấu chỉ cho bước ngoặt chuyển mình của văn học thiếu nhi nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Các tác giả lùi dần khỏi từ trường sử thi chiến tranh để quay về với đời tư cá nhân trong những mối quan hệ đa chiều. Hồi ức như sự ngược dòng trở về quá khứ, qua đó mọi khía cạnh của cuộc sống hiện lên trong nhãn quan mới mẻ. Nhân vật được đặt trong những mối quan hệ đa dạng, phức tạp của cuộc sống đời thường khiến chân dung con người được nhìn nhận, soi chiếu từ nhiều góc độ, làm phong phú đời sống nội tâm, tính cách trẻ thơ. Mục đích của hồi ức không chỉ làm sống dậy quá khứ đã xa mà quan trọng hơn, đó còn là cuộc hành trình tìm về bản thể, chiêm nghiệm, suy tư về cuộc đời. Thuộc dòng chảy của văn học thiếu nhi sau năm 1975, những sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh gặt hái nhiều thành công với chất liệu hồi ức. Nó được xem như cánh cửa mở ra thế giới nghệ thuật của nhà văn.
Chương 2