Thế giới của ước mơ và khát vọng đẹp đẽ

Một phần của tài liệu HỒI ỨC TUỔI THƠ TRONG TRUYỆNTHIẾU NHI CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH (Trang 45 - 48)

Viết truyện cho thiếu nhi, Nguyễn Nhật Ánh không chỉ kể cho các em nghe những câu chuyện tuổi thơ mà còn truyền cho các em ngọn lửa của niềm vui sống, sự lạc quan và lòng hướng thiện. Thế giới tuổi thơ được đánh thức từ hoài niệm với nhiều cung bậc cảm xúc từ hồn nhiên sáng trong đến những băn khoăn day dứt. Nhưng bao trùm vẫn là niềm vui sống, là khát khao đẹp đẽ được thắp lên trong trái tim thơ trẻ.

Các nhà nghiên cứu đã gọi Nguyễn Nhật Ánh bằng những định danh như "nhà văn thân quý của tuổi thơ" (Vân Thanh), "người nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ" (Nguyễn Hương Giang). Anh nhận ra những ước mơ tưởng như nhỏ bé lại hiển lộ vẻ đẹp thánh thiện của tâm hồn trẻ thơ. Các em tỏ bày mơ ước hoặc trực tiếp qua lời tâm sự, hoặc ẩn giấu thấp thoáng dưới những hành động tưởng như thơ dại, hồn nhiên.

Về ý nghĩa lớn lao của khả năng mơ ước, Nguyễn Nhật Ánh triết lý: "Một ngày nào đó bạn sẽ nhận ra ý nghĩa của ước mơ không phải ở chỗ nó có phù hợp với khả năng thực tế hay không. Điều quan trọng là nó cho phép bạn sống thêm một cuộc đời nữa với những cảm xúc của riêng bạn, trong một thế giới mà bạn có thể hóa thân một cách hồn nhiên nhất vào đấng toàn năng. Như vậy, ước mơ không chỉ là chiếc bàn là tinh thần giúp bạn ủi thẳng những nếp nhăn của số phận mà còn là cách để bạn bắt gặp hình ảnh của thượng đế trong bản thân mình" (Tôi là Bêtô) [; 152-153]. Những ước mơ có khi xa với thực tại nhưng vẫn khiến nhân vật như được sống thêm một cuộc đời nữa, nghĩa là tâm hồn trở nên giàu có gấp đôi. Nguyễn Nhật Ánh bao giờ cũng chú ý dõi theo mơ ước của các em vừa để động viên, khích lệ, vừa để giúp các em điều chỉnh cho phù hợp.

Trẻ thơ dù còn phụ thuộc người lớn nhưng luôn khát khao được sống là chính mình, được tự do trong thế giới của riêng mình. Vì non nớt, chúng hành

động một cách ngây thơ, ngộ nghĩnh. Trong Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, trò chơi đặt lại tên cho thế giới chính là ao ước có một thế giới tươi mới cho riêng mình của trẻ nhỏ: "Chúng tôi muốn thay đổi một cách gọi, thậm chí nếu được thì đặt tên lại cho cả thế giới, với mục đích hết sức tốt đẹp là làm cho thế giới mới mẻ, tinh khôi như được sinh ra lần nữa. Chúng tôi đâu còn cách nào khác khi chúng tôi còn quá trẻ trong khi thế giới thì lại quá già. Vì vậy mà bọn nhóc chúng tôi rất cần một thế giới non trẻ và giàu có của riêng mình" [; 55]. Ước mơ tuổi nhỏ dù viển vông nhưng lại cho thấy một điều rất thực: thái độ chán ngán trước những gì cũ kĩ, già nua, trì trệ. Giống như “phiên tòa” đặc biệt trẻ con xử người lớn, ước mong đặt lại tên cho thế giới là sự bày tỏ của trẻ đòi các bậc cha mẹ phải tôn trọng chúng trên tinh thần không áp đặt: "Chúng tôi cảm thấy lấy lại được sự công bằng, đã xả được bao nhiêu là ấm ức, đã tưởng tượng ra được cảnh người lớn chân thành xin lỗi trẻ con về bao nhiêu là khuyết điểm mà nếu trẻ con không vạch ra thì người lớn không bao giờ nhận thấy. Hôm đó, chúng tôi sống như trong mơ – một giấc mơ có lẽ mọi trẻ con trên trái đất đều ao ước" [; 163]. Ước mong của các em dù nhỏ bé, giản đơn đều được Nguyễn Nhật Ánh nắm bắt, trân quý và chia sẻ. Hiểu và nâng niu những giấc mơ trẻ thơ là việc không phải người lớn nào cũng có thể làm được, nếu không có lòng nhiệt thành và trái tim bao dung, cùng với tài năng, sự tinh tế mới có thể thấu thị và đồng cảm.

Câu chuyện về cu Mùi trong Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ gợi nhắc đến Nobita và nhóm bạn lớp 3E trong bộ truyện Doraemon của Nhật. Sống ở thành phố chật chội, bọn trẻ không có không gian riêng để vui đùa. Chúng bị gò bó trong những lời trách phạt của ba mẹ nên ao ước có một thế giới không người lớn để được vui chơi thỏa thích. Các em dù ở bất cứ nơi đâu cũng đều có khao khát được sống trong thế giới tự do của riêng chúng, được là chính mình. Điển chung trong tâm hồn trẻ thơ kết nối bạn đọc nhỏ ở mọi thời đại hay khoảng cách địa lý xa gần. Soi vào những trang sách, các em sẽ nhận ra chính mình ở đó.

Nguyễn Nhật Ánh vẫn để cho nhân vật nhỏ tuổi của mình mơ ước dù ước nhơ đó có xa vời. Cô bé Rùa trong Ngồi khóc trên cây tìm ra một nơi yên bình cho các loài thú tránh xa khỏi bẫy thợ săn – "thế giới bình yên, thơ mộng và hầu như không có thật". Không gian của khu rừng đẹp đẽ đằng sau thác gần như là một thế giới của mơ ước, khát khao cho một không gian thiên nhiên nguyên sơ, nơi con người và các loài thú sống hòa bình, gắn kết. Phải chăng đó là một ước mơ thấp thoáng về tương lai xanh cho thế giới.

Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh đem đến điều kì diệu về ước mơ tuổi thơ. Niềm tin vào sự kì diệu của giấc mơ cổ tích tuổi thơ đã khiến Tường hồi phục sau tai nạn do anh trai vô tình gây ra khiến cậu bị liệt hai chân. Tường là cậu bé luôn tin vào những câu chuyện cổ tích, tin sự tồn tại của công chúa. Hình ảnh của nàng công chúa lướt qua cửa sổ khiến cậu ngồi dậy được lúc nào không hay: "Công chúa, một nàng công chúa xinh đẹp đột ngột hiện ra từ đâu đó giữa nghĩa trang và đang chạy như bay về phía nhà tôi trên đôi hài nhỏ nhắn. Trông như cô đang lướt đi trên cỏ, những tua ren kim tuyến trên tay áo và chuỗi ngọc trên cổ lấp lánh trong nắng mai nhìn từ xa tựa như những ngôi sao đang di chuyển giữa ban ngày" [24; 318]. Nàng công chúa ấy chính là cô bé Nhi bị ngớ ngẩn từ ba năm trước. Cha Nhi là ông Tám Tàng đã chọn cách bảo vệ đứa con yêu dấu bằng việc bao bọc cô bé trong giấc mơ bình yên về câu chuyện nhà vua và công chúa. Câu chuyện giả cổ tích đã tạo nên điều kì diệu cho Tường. Nhờ có nàng công chúa Nhi, cậu đã nỗ lực để đi lại được và vô tình phá bỏ câu chuyện cổ tích đó, để Nhi tỉnh lại giữa cuộc đời thực. Nhờ tiếng quát của Tường bảo vệ Nhi khỏi đám bạn trêu chọc, Nhi bước ra khỏi giấc mơ của chính nó và nhận ra người bạn học chung. Như thế, lòng tin vào những câu chuyện cổ tích, niềm tin vào những điều tốt đẹp đã tạo nên điều kì diệu trong cuộc sống.

Ước mơ cho tương lai hay khát khao những điều đẹp đẽ cho thế giới xung quanh dạy cho chúng ta nhiều điều về cuộc sống. Những ước mơ có thể sẽ không trở thành sự thực, nhưng nó nuôi dưỡng niềm hi vọng xây nên một cuộc đời mới tốt đẹp, nhân văn. Những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh luôn mở ra những điều tốt đẹp, khuyến khích trẻ thơ ước mơ và khát khao cho tương lai tươi sáng hơn. Với những câu chuyện về bao điều tốt đẹp được kể một cách tự nhiên, nhà văn đã trở thành người nâng niu giữ gìn những ước mơ trong trẻo của tuổi thơ.

Một phần của tài liệu HỒI ỨC TUỔI THƠ TRONG TRUYỆNTHIẾU NHI CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH (Trang 45 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(108 trang)
w