Hồi ức qua điểm nhìn trẻ thơ

Một phần của tài liệu HỒI ỨC TUỔI THƠ TRONG TRUYỆNTHIẾU NHI CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH (Trang 68 - 70)

Trẻ thơ luôn gắn với những gì hồn nhiên và trong sáng nhất. Mọi sự việc được nhìn qua đôi mắt vô nhiễm ấy đều trở nên lung linh, diệu kì. Điểm nhìn trẻ thơ được các nhà văn sử dụng với những ý đồ nghệ thuật riêng. Đối với các nhà văn viết truyện cho thiếu nhi như Phạm Hổ, Tô Hoài, Nguyễn Nhật Ánh,… thì điểm nhìn trẻ thơ dường như là sự lựa chọn tối ưu để soi chiếu về một thế giới đặc biệt của riêng các em. Nhìn thế giới trẻ thơ qua chính lăng kính trẻ thơ cũng là sự hóa thân để có một góc nhìn đúng mức về thế giới ấy. Điểm nhìn này giúp tránh khỏi cái nhìn thiên lệch về thế giới trẻ thơ. Chỉ có thể thông qua điểm nhìn ấy mới có thể trông thấu và thể hiện sự

hồn nhiên, trong trẻo của tuổi nhỏ. Thế giới tuổi thơ được nhìn qua cái nhìn phù hợp với lứa tuổi nên không bị áp đặt vào khuôn sáo của người lớn, tạo nên sự gần gũi, thân thuộc với các em. Với điểm nhìn này, Nguyễn Nhật Ánh đã thực sự thu mình nhỏ lại để làm bạn với các em, kể cho các em nghe những câu chuyện được xây nên nhờ chất liệu kí ức và hoài nhớ.

Trẻ thơ nhìn thế giới của chúng ta – thế giới người lớn bằng góc nhìn riêng của chúng. Và cũng vì thế, trẻ em tạo nên thế giới khác biệt mà chỉ chúng mới có thể hiểu và lí giải được. Nhóm bạn cu Mùi, Hải cò, Tủn, Tí sún trong Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ chỉ nhìn thấy sự đơn điệu, tẻ nhạt ở thế giới ba mẹ bắt chúng sống với những việc làm lặp lại chán ngắt mà người lớn gọi là sự "ổn định". Chúng tìm cách làm cho thế giới ấy thú vị hơn với những lập luận dí dỏm và hồn nhiên, trong cách chúng đặt lại tên cho thế giới, trong cách chúng đóng vai ba mẹ. Người kể chuyện đã lí giải về sự khác biệt giữa trẻ con và người lớn: "Chẳng qua so với người lớn, trẻ con sống trong một bầu khí quyển khác và dưới một thứ ánh sáng khác. Ở đó, bọn trẻ tiếp cận thế giới theo cách của chúng,.." (Chương 1). Chỉ có thể qua cái nhìn trẻ thơ, nhà văn mới có thể hiểu thấu được những hành động trẻ thơ một cách hài hước đến thế. Và dẫu có những việc đáng trách như cuộc tìm kiếm kho báu làm chết vườn cây của ba Hải cò thì người đọc vẫn thấy một cái nhìn bao dung, cảm thông với sự dại khờ tuổi nhỏ. Điểm nhìn trẻ thơ tuy không phải là sự lựa chọn hoàn toàn mới mẻ nhưng vẫn đem lại những hiệu quả đặc biệt đối với truyện Nguyễn Nhật Ánh, tạo nên hiệu ứng tích cực đối với độc giả nhí.

Tuổi thơ hồn nhiên được hiện lên rõ ràng từ chất liệu của kí ức. Từ góc nhìn trẻ thơ, chất dí dỏm, tinh nghịch được bộc lộ một cách tự nhiên. Nó tạo nên điệu chung của tác phẩm, trong đó vị trí cảm nhận cuộc sống đóng vai trò quan trọng chinh phục trái tim độc giả. Thế giới tuổi thơ hiện ra đa sắc qua cái nhìn “non xanh” thơ trẻ. Đó là khung cảnh tuyệt đẹp nơi chúng tự do làm bạn

cùng muông thú, nơi muôn vật vui đùa mà không lo sập bẫy của thợ săn

(Ngồi khóc trên cây). Đó là tuổi thơ với bao trò chơi lí thú từ bắn bi, đào hầm trong Cô gái đến từ hôm qua, nhặt nắp keng đổi kẹo trong Ngồi khóc trên cây... Ngay cả những trò chơi xấu cũng được miêu tả, lí giải và nhìn nhận từ góc nhìn trẻ thơ. "Đánh lộn" là trò chơi khiến bọn trẻ gặp nhiều thương tích. Dưới sự lí giải của trẻ thơ, nhân vật tôi trong những trò chơi đánh lộn ấy, có khi là người "anh hùng" bảo vệ cho kẻ yếu, có khi chiến đấu vì các bạn hữu. Bởi thế, trong Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, bọn trẻ khi chơi trò đóng vai ba mẹ đã coi đánh lộn như một điều hiển nhiên chúng phải làm trong cuộc sống của mình (Chương hai: Ba mẹ tuyệt vời). Nếu như đánh nhau với ý đồ xấu thì hầu hết các nhân vật đều cảm thấy day dứt và dần tự sửa đổi và làm hòa với nhau (Hạ đỏ). Chất dí dỏm, hồn nhiên của trẻ thơ không chỉ hiển lộ qua trò chơi tinh nghịch mà còn ở những tình huống hài hước. Chẳng hạn, cậu bé Trường trong Đi qua hoa cúc gặp tình huống dở khóc dở cười vì tật tè dầm khi đã mười ba tuổi. Ngạn trong Mắt biếc đã từng ước mình chết như chú Hoan để cả nhà phải khóc thương và ba phải day dứt vì đã đánh đòn cậu. Nhưng chú sẽ chỉ chết có năm hôm thôi rồi sống lại, và sẽ tỏ ra giận dỗi với ba. Những suy nghĩ vừa đáng yêu vừa đáng trách ấy chỉ có thể được cảm nhận đầy đủ, sâu sắc thông qua điểm nhìn trẻ thơ.

Hồi ức qua điểm nhìn trẻ thơ hiện lên một cách sống động với tất cả những ngây dại, hồn nhiên tuổi nhỏ. Thế giới được vẽ nên từ góc nhìn của một người kể chuyện thu mình nhỏ lại, lí giải mọi vật bằng đôi mắt trẻ thơ. Thành công của truyện Nguyễn Nhật Ánh viết cho thiếu nhi một phần là bởi điểm nhìn trẻ thơ được sử dụng một cách hợp lí và hiệu quả.

Một phần của tài liệu HỒI ỨC TUỔI THƠ TRONG TRUYỆNTHIẾU NHI CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH (Trang 68 - 70)