Không gian hoài niệm

Một phần của tài liệu HỒI ỨC TUỔI THƠ TRONG TRUYỆNTHIẾU NHI CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH (Trang 77)

Không gian nghệ thuật được quan niệm là “hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó” [Từ điển thuật ngữ; 160]. Người kể chuyện hay nhân vật trữ tình luôn nhìn sự vật từ một điểm nhìn, trường nhìn nhất định. Trong truyện viết cho thiếu nhi từ sau năm 1975, cùng với sự chuyển hướng của cảm hứng thế sự sang đời tư, không gian nghệ thuật cũng chuyển dời từ không gian chiến trường, rộng lớn sang không gian gần gũi, quen thuộc đời thường. Không gian hoài niệm, tâm tưởng xuất hiện đáng kể trong các sáng tác tự truyện hoặc sử dụng chất liệu hồi ức. Tùy vào trường hoạt động của nhân vật mà không gian có thể bao quát hoặc thu hẹp, từ miền xuôi tới miền ngược (Hành trình ngày thơ ấu), từ thành phố tới làng quê (Miền thơ ấu, Miền xanh thẳm...). Không nằm ngoài mạch chảy hồi ức, không gian nghệ thuật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh cũng thấm đẫm hoài

niệm. Đó là không gian đan xen giữa các đối cực: làng quê bình dị, thân thuộc với thành thị náo nhiệt nhưng xa lạ, gắn kết bền chặt bằng sợi dây kí ức.

Không gian làng quê được kết tạo từ tình yêu đối với nơi chôn rau cắt rốn của nhà văn. Nếu Duy Khán đưa cảnh sắc và hồn quê đậm đà văn hóa truyền thống của vùng Kinh Bắc xưa vào Tuổi thơ im lặng, Nguyễn Quang Sáng tái hiện làng quê Nam Bộ gắn với từng mùa nước Cửu Long Giang trong Dòng sông thơ ấu thì trong các sáng tác của mình, Nguyễn Nhật Ánh khắc họa không gian làng quê miền Trung bình dị nhưng đầy thơ mộng trữ tình. Vùng quê nghèo với kí ức những năm đầu đời xuất hiện thường trực trong các sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh. Không gian làng quê có khi được thể hiện trực tiếp trong Hạ đỏ, Mắt biếc, Đi qua hoa cúc, Ngồi khóc trên cây...; có khi đan cài vào phố xá qua hình ảnh ngôi nhà “nằm lọt giữa khu vườn nhỏ nhưng đầy bóng mát” [; 17] của gia đình Nghi (Hoa hồng xứ khác)

hay khu vườn mang bóng dáng quê ngoại và giếng đá cũ xưa “phủ đầy rêu xám”, “hệt như những cái giếng làng” [; 17] (Thiên thần nhỏ của tôi).

Làng quê trong sáng tác Nguyễn Nhật Ánh khắc sâu hiện thực với con đường đất đỏ “lồi lõm, mùa nắng xe nảy tưng tưng, mùa mưa bánh xe bị bùn gói kín, không nhúc nhích được” [Ngồi khóc trên cây; 10]. Vào mùa mưa lũ, không gian trở nên xơ xác, tiêu điều: “nước bắt đầu trút dần để lại mặt đường nhớp nháp và sạt lở, có vô số rác rến, gỗ mục,… Cảnh vật sau khi lũ đi qua hoang tàn như một phim trường vừa quay xong cảnh chiến tranh” [ngồi khóc trên cây; 238]. Nhà văn không thi vị hóa hiện thực, kí ức tuổi thơ hiện hữu những khốn khó, vất vả. Nhưng qua con mắt trẻ thơ, dù làng quê còn nhiều thiếu thốn vẫn luôn ấm áp tình người.

Cảnh sắc nông thôn được cảm nhận tinh tế, giản dị, trữ tình gắn với kỉ niệm thời niên thiếu. Qua hoài nhớ, không gian hiện ra ngập tràn màu sắc, thanh âm và mùi vị. Ấn tượng thị giác tạo ra bức tranh rực rỡ sắc màu: “Hoa

hồng vàng và hoa đồng tiền vàng nở rộ khắp nơi… Chấm phá trên cái nền vàng mênh mông của khu vườn là những bông cẩm chướng hồng và tía, các đóa đồng tiền màu mào gà và cà rốt…” [; 6] (Trại hoa vàng). Màu vàng thường xuất hiện trong trang văn Nguyễn Nhật Ánh, gợi thức hoài nhớ: màu nắng rớt xuống con đường xuyên qua tán lá thành “những giọt vàng lốm đốm” [Hạ đỏ; 10], sau cơn mưa “nhà cửa cây cối đều ướp nắng vàng” [Ngồi khóc trên cây; 76], “giàn thiên lí lấm tấm hoa vàng” [Mắt biếc; 41], và màu những vỏ thị dán trên tường như những cánh hoa... Hồi ức về những ngày niên thiếu thấm hương vị của làng. Những trang văn viết về miền quê của Nguyễn Nhật Ánh luôn phảng phất mùi đất ẩm quen thuộc. Cánh đồng mùa cày xới “nồng nàn mùi phân bò và mùi đất ải” [Mắt biếc; 41]. Trong cơn mưa, “mùi đất ẩm không ngừng xông lên ngào ngạt” đánh thức mọi giác quan. Đến cả buổi chiều cũng có mùi vị riêng: “Như một loại trái cây, khi chín dần thành đêm, buổi chiều cũng tỏa ra hương thơm đặc biệt của nó, trong đó có mùi gió, mùi cỏ, mùi lá cây...” [Ngồi khóc trên cây; 71]. Mùi vị giản dị, quen thuộc nhưng kết đọng trong hồi ức khiến con người dù xa cố hương vẫn luôn hoài nhớ. Phải chăng vì thế mùi đất – mùi quê đã đi vào trang viết của không ít nhà văn như Thạch Lam và sau này là Duy Khán, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Nhật Ánh...

Cảnh sắc thiên nhiên thôn dã trong trẻo, đa sắc, đa vị hòa trong những nét sinh hoạt, phong tục văn hóa tạo nên ấn tượng sâu đậm trong kí ức. Ngôi nhà bằng gạch dù khang trang hay cũ kĩ được vây bọc trong khoảng không xanh mát của vườn cây ăn trái hay “trại hoa vàng”. Ấn tượng về giếng nước từ những năm tháng ấu thơ của tác giả được hiện hữu trong tác phẩm dưới hình ảnh giếng sân vườn hay giếng làng... Giếng gắn với những buổi tắm truồng của trẻ con trong đêm trăng sáng, khi cậu bé Ngạn tò mò ngắm trộm người bạn Hà Lan: “Người nó đẫm nước và loáng ánh trăng, nom huyền hoặc

và xa lạ” [Mắt biếc; 30], nơi “tôi” nhìn thấy Hồng Hoa lần đầu tiên (Thiên thần nhỏ của tôi). Giếng nước tạo bối cảnh cho tình bạn và tình yêu chớm nở, như mạch nguồn nối tiếp từ dân gian xưa. Đời sống sinh hoạt còn được thể hiện rõ nét qua những phiên chợ. Chợ được xem như chiếc “hàn thử biểu” đo mức sống con người. Chợ Đo Đo đặc biệt chỉ họp về đêm, dưới bầu trời dày đặc các vì sao cùng những sạp tạp hóa, như một kho báu vô giá tượng trưng cho những mơ ước, khát khao đẹp đẽ của tuổi nhỏ. Vào những ngày tết, con gái mặc áo dài - những chiếc áo đủ màu sắc bay lượn như cánh bướm trên khắp các nẻo đường và nội cỏ, khiến “làng trở nên tưng bừng và tràn đầy không khí lễ hội” [Mắt biếc; 80]. Không gian đời thường đan xen với không gian thiên nhiên tạo nên nét trữ tình của làng quê, thể hiện sự gắn bó, hòa quyện giữa cảnh và người. Những nét sinh hoạt, phong tục văn hóa tạo nên hồn quê đằm thắm, là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, tính cách của con người những năm ấu thơ.

Không gian làng quê trong truyện Nguyễn Nhật Ánh đẹp trong cảnh, lắng trong tình, quyện hòa giữa thiên nhiên và sinh hoạt con người, vẫn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống tự ngàn đời, chưa bị xâm lấn bởi quá trình đô thị hóa và văn minh công nghiệp. Không gian ấy mang nét riêng của miền Trung nhưng gợi lên hình ảnh mọi vùng quê trên khắp đất nước Việt Nam.

Nỗi “mắc nợ quê nhà” thấm trong tình yêu, nỗi nhớ khiến nhà văn dành những trang văn đẹp và giàu xúc cảm nhất để khắc họa không gian làng quê giản dị, trữ tình. So với làng quê, không gian thành thị dường như xuất hiện mờ nhạt hơn. Không gian thành thị được phân thành hai lát cắt. Trong những sáng tác cho đối tượng trẻ thơ ở thành thị, chẳng hạn bộ Kính Vạn Hoa, không gian mang màu sắc của cuộc sống hiện đại, có thể là môi trường hoạt động của nhân vật như căn phòng của Quý ròm, mảnh sân nhỏ phía sau nhà của Tiểu Long, hoặc không gian Đầm Sen với những trò chơi lí thú. Bên cạnh đó,

ở những tác phẩm sử dụng hồi ức làm chất liệu sáng tác, nơi phố thị náo nhiệt như Tam Kỳ trong Mắt biếc, Sài Gòn trong Còn chút gì để nhớ lại trở nên xa lạ với những người con của chốn làng quê thôn dã.

Đối với nhân vật Chương (Còn chút gì để nhớ), Sài Gòn như “một nước nào đó, kì diệu và lạ lẫm” [9]. Người ở quê đi Sài Gòn về “kể trăm chuyện lạ lùng” [9] nghe như truyện cổ. Chốn văn minh đô hội với chàng trai tỉnh lẻ như Chương là biểu tượng cho khát vọng mở mang hiểu biết và thử sức với đời. Nhà văn đã thời gian hóa khoảng cách không gian: từ làng quê tới Sài Gòn là “hai ngày một đêm”. Khoảng cách ấy không chỉ là cách biệt không gian mà còn là khác biệt về sự phát triển, đông đúc và ồn ào.

Không gian thành thị nhốn nháo và ồn ào được thể hiện qua hình ảnh “Bến xe đông nghịt người”, quán xá “chen chúc cả dãy dài” [Còn chút gì để nhớ; 11]. Cảnh tượng thêm hỗn tạp với “tiếng rao inh ỏi” và “Cả chục giọng mời chào” của “đám xích–lô bu lại” [; 11]. Không gian hỗn tạp là nơi tồn tại của đủ loại người, tốt xấu, sang hèn, cả tụi lưu manh hành nghề trộm cắp.

Nổi bật ở thành phố là sự khang trang, rộng lớn. Khác xa với làng quê khiêm nhường, thành phố choáng ngợp bởi “những đường phố thênh thang nhộn nhịp xe cộ, những tòa buyn-đinh cao ngất hai bên đường” [14], “những bảng điện nhấp nháy muôn màu của các rạp chiếu bóng và các vũ trường” [Mắt biếc; 97]. Thành phố về đêm càng lộng lẫy, xa hoa: “Xe cộ nườm nượp, đèn điện sáng choang. Y như những thành phố nước ngoài tôi xem trong sách báo” [21]. Thành phố giàu sang tạo nên ấn tượng choáng ngợp đối với những con người lần đầu đặt chân đến chốn phồn hoa.

Thị thành lộng lẫy, giàu đẹp hơn miền quê nghèo khốn khó. Dẫu vậy, trong trái tim của con người nặng lòng với nơi chôn nhau cắt rốn, thành thị vẫn không thể thay thế vị trí của làng quê. Trong cảm nhận của Ngạn, thành phố “quá ồn ào, lại lắm rác rến và bụi bặm, điều không hề có ở làng Đo Đo....

Thành phố vắng bóng những cây xanh... tầm mắt tôi luôn bị chặn lại bởi những mái nhà, những bảng quảng cáo và những dãy cột điện… Tôi sẽ không thể nào bắt gặp vẻ rầu rĩ huy hoàng của mặt trời lúc từ giã trời xanh”. Và những con người như Chương, như Ngạn dẫu hòa nhập với cuộc sống thị thành vẫn cảm thấy tâm hồn mình không thuộc về chốn ấy.

Sự phân cực trong không gian giữa làng quê và thị thành là sự đối lập giữa chốn bình yên, thanh thản nơi thôn dã và ồn ào, huyên náo của chốn phồn hoa, giữa giàu và nghèo trong sự phân hóa. Sự khác biệt đó không được đẩy lên thành những xung đột, mâu thuẫn gay gắt giữa thiện ác, đẹp – xấu, giữa văn hóa cổ truyền và văn minh hiện đại. Nó được thể hiện rõ trong xúc cảm của những con người hoài cổ, nặng tình cố hương.

Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh là những câu chuyện được kể từ hoài nhớ nên không gian hoài niệm giữ vị trí chính yếu. Không gian thực tại xuất hiện trong những khoảnh khắc đan cài, từ hiện tại gợi nhắc về kí ức xưa. Trong Ngồi khóc trên cây, nhân vật tôi khi đi xe đò luôn thích ngồi sát thành xe để ngắm cảnh vật bên đường: “Những cánh đồng lúa, những đàn bò gặm cỏ,… hay các nhánh ổi ven sông đều làm tôi xao xuyến, vì chúng luôn gợi lại trong tâm trí tôi những ký ức tuổi thơ, nhắc nhở tôi về một thế giới quyến rũ, … ” [181]. Cũng có khi, không gian thực trùng lặp với không gian hoài niệm trong quá khứ tạo nên một vòng tròn tuần hoàn gắn kết ngày hôm nay với những ngày đã xa: “Cũng như ngày đầu tôi đến, ngõ trúc đầy tiếng chim và con đường lốm đốm nắng vàng vương dầy những lá tre khô. Tôi bắt gặp cả những bụi mắc cỡ đầy gai lẫn cây mâm xôi tim tím bên đuờng. Chúng vẫn ở nguyên chỗ cũ, chẳng già đi, cũng không đổi khác, chỉ có tôi đi qua là khác hẳn ngày nào” (Hạ đỏ). Không gian trùng lặp để tô đậm tâm trạng đổi thay của nhân vật trước những rung động đầu đời không có hồi đáp.

Không gian không chỉ là đối tượng của trí nhớ mà còn là cái khung của kỉ niệm. Lấy hồi ức làm chất liệu sáng tác, không gian trong tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh hiện hữu từ hoài niệm xa xôi, là không gian làng quê bình dị, thơ mộng trong sự đối sánh với khôn gian thành thị phồn hoa, huyên náo. Bên cạnh đó, sự đan cài linh hoạt giữa không gian thực tại với không gian hoài niệm tạo nên một thế giới mang quan niệm về con người và cuộc đời của tác giả.

Một phần của tài liệu HỒI ỨC TUỔI THƠ TRONG TRUYỆNTHIẾU NHI CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH (Trang 77)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(108 trang)
w