Khoảnh khắc lỡ nhịp của trái tim

Một phần của tài liệu HỒI ỨC TUỔI THƠ TRONG TRUYỆNTHIẾU NHI CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH (Trang 52)

Ở lứa tuổi học trò - giai đoạn đặc biệt khi con người ở khoảng giao niên, không còn là trẻ con, song vẫn chưa thực sự chín chắn để trưởng thành, sự rung động trước người khác giới là sự tất yếu của phát triển tâm lí. Đề cập đến tình yêu đầu, nhà văn có góc nhìn tinh tế riêng. Nếu truyện ngắn Trần Thiên Hương khám phá tình yêu đầu ở những rung cảm của các nhân vật nữ thì Nguyễn Nhật Ánh đi sâu vào nội tâm của những chàng trai mới lớn.

Nhà văn đã lưu giữ khoảnh khắc gặp gỡ đầu khi nhân vật nhận ra tình cảm không còn vô tư như tuổi nhỏ. Bằng tâm hồn nhạy cảm, anh nắm bắt được cái mơ hồ bất chợt, như có như không của cảm xúc. Trong Hạ đỏ nhân vật “tôi” rung động trước sự dịu dàng của một thiếu nữ thôn quê: "Khi Út Thêm chào dì tôi ra về, tôi đã ngẩn ngơ trước nụ cười rụt rè của nó."(Chương 12). Chương trong Còn chút gì để nhớ cũng bị nụ cười đáng yêu của Quỳnh làm mê đắm. Cuộc gặp gỡ đầu tiên khiến cậu không thể quên được nụ cười ấy. Lần đầu tiên con tim lỡ nhịp: "Chưa bao giờ tôi thấy một nụ cười xinh như vậy. Tim tôi đập thon thót trong lồng ngực…" (chương 5, 6). Những nhân vật đang còn ở tuổi mới lớn trong lần đầu gặp gỡ hãy còn nhiều bối rối, rụt rè. Cả

nhân vật trong Hạ đỏ hay Còn chút gì để nhớ đều không phải là người chủ động trong lần đầu gặp gỡ ấy. Chương thậm chí còn chưa kịp nở nụ cười đáp lại cô bé Quỳnh. Nhân vật bị những nụ cười, những gương mặt đáng yêu ám ảnh trong giây phút gặp gỡ đầy ngỡ ngàng, thoáng chút bối rối.

Cũng có khi tình yêu chớm nở không phải từ lần đầu tiên gặp gỡ đầy bất ngờ mà là khoảnh khắc lạ kì của trái tim chợt thức. Trong Mắt biếc, Ngạn và Hà Lan chơi thân với nhau từ thuở nhỏ, lớn lên bên nhau với biết bao kỉ niệm, song đó chỉ là cảm xúc của tình bạn ấu thơ. Trái tim Ngạn chỉ chợt thức khi bỗng một ngày cậu nhận ra những điều lạ lùng về Hà Lan và về chính cậu: "Sau một đêm nằm mộng, sáng ra tôi chợt nhìn thấy ở cô bạn nhỏ ngày nào một người thiếu nữ xinh đẹp và lạ lẫm… sau một đêm ngủ dậy, tôi bỗng nhận ra mình lớn vọt hẳn lên, ra dáng một chàng trai hẳn hoi" và bất giác thay đổi cách xưng hô gọi bằng tên và xưng bằng tôi. Ngạn nhận ra "Càng lớn đôi mắt nó càng đẹp. Tự dưng tôi thấy xốn xang quá thể". Khoảnh khắc bất chợt nhận thấy sự xao xuyến của con tim, khoảnh khắc nhận ra đôi mắt ấy còn đẹp hơn thuở trước chính là thời khắc con người nhận ra tình yêu đầu tiên đến. Những cảm xúc hiện lên và tan ra trong tích tắc, mong manh và mơ hồ.

Các nhân vật vẫn còn là những cậu bé đang dần trở thành người lớn, nên không tránh khỏi những phút giây làm quen dại khờ. Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh chứa đựng nhiều cuộc làm quen đầy thú vị, hài hước. Trong Cô gái đến từ hôm qua, Thư nghĩ ra việc bí mật vẩy mực vào đằng sau áo Việt An để lấy cớ trò chuyện. Cách làm quen còn pha nét trẻ con làm độc giả phải bật cười. Việc làm quen lần đầu tiên thất bại bởi Việt An biết sự thật đã "chẳng thèm liếc lấy một cái". Lần làm quen thứ hai là hỏi mượn Việt An cuốn sách Giamilia nhưng lại chép thơ Nguyễn Bính: "Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng" vào cuốn sách, để sau đó bị bắt đền cuốn sách mới. Sự làm quen có không ít dại khờ nhưng lại chất chứa tình cảm chân thành của nhân vật.

Nguyễn Nhật Ánh đã viết bằng một cái nhìn âu yếm, bao dung, pha chút hóm hỉnh, khiến sự mộc mạc, chân thành của tình yêu đầu ngây thơ hiện hữu rõ nét trên trang sách.

Hình ảnh của nhân vật “tôi” si tình trong Hạ đỏ cũng làm quen với Út Thêm một cách vụng dại. Tình cờ, cậu gặp Út Thêm khi cô đi xay thóc qua xóm. Sự trùng hợp ngẫu nhiên đã khiến "tôi" không tin là thật: "Tôi phải dụi mắt bốn năm lần để biết rằng tôi không nằm mơ. Trong một thoáng tôi không biết phải làm gì. Tôi cứ đứng ôm chặt lấy thân cau, tưởng như đời đời không gỡ tay ra nổi" (chương 14). Với giọng kể hài hước, Nguyễn Nhật Ánh đã tạo nên hình ảnh anh chàng mới lớn dại khờ trước tình yêu. Sau khi trấn tĩnh, nhân vật tôi quyết định đợi Út Thêm ở chỗ cầu tre đến tận trưa. Quãng thời gian đợi chờ ngóng trông bỗng trở nên thi vị. Thiên nhiên bất chợt đẹp hơn dưới đôi mắt của kẻ tình si: "Hàng dương liễu hai bên bờ không ngừng reo vi vu trong gió như để động viên tôi. Chỉ có đám chèo bẻo làm tổ trên những ngọn cây cao là ưa thóc mách. Chốc chốc chúng lại rủ nhau sà xuống và liệng ngang trước mặt tôi, miệng kêu lên những tiếng ngạc nhiên ra ý hỏi…" (chương 14). Những suy nghĩ vẩn vơ trong lúc chờ đợi khiến nhân vật tôi không nhớ ra điều định nói và lúng túng đến độ quên cả đứng lên khi gặp Út Thêm: "Tự dưng tôi bỗng hồi hộp lạ lùng. Tôi nghe rõ tiếng đập thình thịch của trái tim trong ngực. Quên sạch sành sanh cả những điều định nói với Út Thêm"(chương 14). Lần làm quen đầy bối rối được khắc họa rõ nét. Dường như trước tình yêu đầu tiên, trái tim vốn non nớt càng trở nên dại khờ. Út Thêm nói đường thường đi đến chợ Bình Trung mà "tôi tưởng như nghe một lời … hò hẹn. Đầu tôi choáng váng. Lòng tôi tràn ngập hân hoan" (chương 14).

Khoảnh khắc lỡ nhịp của trái tim lần đầu biết yêu là sự đánh dấu cho cuộc chia xa với tuổi thơ để dần lớn đối với mỗi người. Bởi thế, thời khắc xao động ấy có sức ám ảnh lớn trong hoài niệm. Nhà văn tái hiện phút làm quen

đầy bối rối, có phần khờ dại cùng những cung bậc cảm xúc phù hợp với lứa tuổi của các em. Đó là sự lựa chọn tinh tế của một con người từng trải, thấu hiểu và trân trọng thế giới nội tâm của lứa tuổi trăng tròn.

Một phần của tài liệu HỒI ỨC TUỔI THƠ TRONG TRUYỆNTHIẾU NHI CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH (Trang 52)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(108 trang)
w