Sự nghiệp và quan niệm sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh

Một phần của tài liệu HỒI ỨC TUỔI THƠ TRONG TRUYỆNTHIẾU NHI CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH (Trang 32 - 36)

Với niềm say mê văn chương, Nguyễn Nhật Ánh đến với nghiệp cầm bút như một điều tất yếu. Xuất phát điểm từ thơ ca, anh là tác giả của 5 tập thơ: Thành phố tháng Tư (in chung với Lê Thị Kim, 1984), Đầu xuân ra sông giặt áo (1986), Thơ tình Nguyễn Nhật Ánh (1988), Lễ hội của đêm đen (1994) và Tứ tuyệt cho nàng (1994), trong đó, nhiều bài thơ được phổ nhạc: Thành phố, tình yêu và nỗi nhớ, Đầu xuân ra sông giặt áo, Như là cổ tích... Đến với văn xuôi từ những năm 80 của thế kỉ XX, cho đến nay, Nguyễn Nhật Ánh vẫn luôn trung thành với những sáng tác cho tuổi thơ và tuổi mới lớn. Tác giả viết cho thế hệ trẻ với niềm yêu mến, sự đồng cảm và lòng nhiệt tình không thay đổi theo thời gian. Sự lao động cần mẫn, nghiêm túc của nhà văn được thể

hiện ở khối lượng tác phẩm đồ sộ: bộ Kính vạn hoa gồm 54 tập, Chuyện xứ Lang Biang gồm 4 tập, 30 truyện dài, 6 tập truyện ngắn (tính đến năm 2014). Bên cạnh đó, độc giả còn biết đến nhà văn xứ Quảng với bút danh Anh Bồ Câu phụ trách chuyên mục gỡ rối tơ lòng cho tuổi hoa, bút danh Chu Đình Ngạn bình luận thể thao hấp dẫn...

Nguyễn Nhật Ánh là cây bút trẻ đa tài, viết ở nhiều lĩnh vực nhưng có thể khẳng định thành công nhất của tác giả vẫn là văn xuôi với những sáng tác cho thiếu nhi. Anh đã từng vinh dự nhận nhiều giải thưởng: giải văn học Trẻ hạng A (1995) do Trung ương Đoàn TNCS.HCM trao tặng cho truyện dài

Chú bé rắc rối, giải thưởng văn học (2002) của Hội Nhà văn Việt Nam cho bộ

Kính vạn hoa, huy chương Vì thế hệ trẻ (2003) của Trung ương Đoàn TNCS.HCM, giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam và giải Sách hay của Hội xuất bản Việt Nam (2008) cho tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, giải thưởng văn học ASEAN (2010) tại Thái Lan, giải thưởng FAHASA (2012)... Năm 1995, Nguyễn Nhật Ánh còn được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975 - 1995) và sau này (2005) là 30 năm (1975- 2005) do Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi trẻ tổ chức.

Viết cho tuổi thơ và tuổi mới lớn, nhà văn kể cho các em câu chuyện giản dị, gần gũi của chính các em xoay quanh chuyện học, chuyện chơi hay những những bâng khuâng, rung động trước người khác giới bằng văn phong dí dỏm nhưng không kém phần tinh tế. Sự thống nhất trong đề tài và bút pháp thể hiện được xuất phát từ quan niệm sáng tác cho thiếu nhi của nhà văn.

Nguyễn Nhật Ánh bắt đầu cầm bút khi nền văn học nước nhà đang trên đà đổi mới cả về tư duy sáng tác cũng như phương thức thể hiện. Văn học từ cảm hứng sử thi dần chuyển sang cảm hứng thế sự - đời tư. Văn học thiếu nhi cũng không nằm ngoài quỹ đạo ấy. Trước yêu cầu của thời đại, Nguyễn Nhật

Ánh cũng như các nhà văn viết cho thiếu nhi khác đều trăn trở đi tìm cho mình một quan niệm văn chương phù hợp. Quan niệm ấy sẽ chi phối mạnh mẽ tới toàn bộ hành vi sáng tạo, làm nên một Nguyễn Nhật Ánh – “hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ” (Lê Minh Quốc).

Là một cây bút chuyên nghiệp, Nguyễn Nhật Ánh quan niệm nhà văn khi viết cho thiếu nhi “là trụ đỡ tinh thần cho các em”. Những năm 80 của thế kỉ XX, sách khiêu dâm chép tay như nạn dịch lây lan đe dọa những tâm hồn trong trẻo và cho đến nay, nguy hại của “văn hóa đen” vẫn đang rình rập lứa tuổi học đường. Trong bối cảnh đó, truyện Nguyễn Nhật Ánh đã kéo người đọc đến với sự lành mạnh, trong sáng đúng với lứa tuổi hồn nhiên. Nhà văn “trở thành lá chắn cho tâm hồn học trò” (Đỗ Trung Quân) [91], đưa đến tiếng cười dí dỏm, nghịch ngợm để các em yên tâm mà vui sống. Thiên chức của nhà văn gắn bó chặt chẽ với chức năng giáo dục: “Tôi tin điểm mạnh của văn chương nằm ở khả năng thẩm thấu. Bằng hình thức đặc thù của mình, văn chương góp phần mài sắc các ý niệm đạo đức nơi người đọc một cách vô hình. Được nuôi dưỡng bởi văn chương chân chính, trẻ em lớn lên sẽ biết yêu thương đồng bào, đồng loại, biết dị ứng và chống lại cái xấu, cái ác, biết yêu tự do... Bồi đắp tâm hồn và nhân cách một cách âm thầm và bền bỉ là chức năng gốc rễ của văn chương, đặc biệt là văn chương viết cho thanh thiếu niên” [dẫn theo 72].

Thực chất, quan niệm này vẫn coi trọng chức năng giáo dục của văn học thiếu nhi. Võ Quảng đã nói: “Người viết cho thiếu nhi cũng đồng thời là một nhà giáo muốn các em trở nên tốt đẹp. Quan điểm sư phạm và văn học thiếu nhi là hai anh em sinh đôi” [60; 331]. Hay theo Hữu Thỉnh, “văn học thiếu nhi rất quan trọng và không thể thiếu. Mỗi tác phẩm có giá trị được ví như một người thầy không những bồi dưỡng tâm hồn mà còn định hướng cho các em”. Tác phẩm văn học viết cho trẻ thơ “bao giờ cũng quán triệt vấn đề

xây dựng đức tính con người... một tác phẩm chân chính có giá trị đối với tuổi thơ là một tác phẩm tham dự mạnh mẽ vào sự nghiệp nên người của bạn đọc ấy” [60; 331]. Thống nhất với những ý kiến trên, Nguyễn Nhật Ánh cho rằng: “Là một nhà văn chuyên tâm viết cho thanh thiếu niên, tôi nghĩ công việc của tôi là giúp cho các bạn đọc trẻ giàu có cảm xúc hơn, qua đó sống tốt hơn” [dẫn theo Hiện tượng NNA]. Tác giả đưa trẻ thơ vào thế giới kì diệu của chữ nghĩa và sự tưởng tượng, bồi đắp tâm hồn thơ ngây, thuần phác của các em để khi lớn lên, giã từ sân ga tuổi nhỏ, các em sẽ có cái nhìn điềm tĩnh hơn vào cuộc sống, nuôi dưỡng những tình cảm thiêng liêng, cao quý của con người.

Tuy nhiên, Nguyễn Nhật Ánh không trói văn học vào cái khung “văn dĩ tải đạo” mà mở rộng đường biên của chức năng văn học. “Nhà văn viết cho thiếu nhi bao giờ cũng đồng thời là một nhà giáo dục” nhưng làm thế nào để thực hiện vai trò giáo dục ấy thì không đơn giản. Để thành công, “nhà văn viết cho thiếu nhi phải là nhà giáo dục bẩm sinh. Tính giáo dục trong tác phẩm nếu được thấm nhuần bởi trái tim thì sẽ tránh được sự gượng gạo so với khi nó bị áp đặt bởi lí trí” [40; 10]. Trong suốt hành trình sáng tác cho thiếu nhi, Nguyễn Nhật Ánh “viết hồn nhiên như cậu học trò ngồi viết truyện đời mình”. Không định trở thành người hướng dẫn, dạy dỗ tuổi nhỏ bằng những lời giáo huấn nặng nề, anh làm người bạn tâm tình của trẻ thơ, kể cho các em nghe những câu chuyện của tâm hồn. Xuất phát từ tính cách hóm hỉnh và quan niệm về cuộc đời, anh không nhấn mạnh đến bi kịch tâm hồn hay cuộc quyết đấu Thiện – Ác mà đưa tiếng cười trong trẻo, dí dỏm, hồn nhiên vào mỗi trang sách, giúp các em yên tâm vui sống bởi “cành đắng không nhất thiết phải ra trái đắng”. Nhà văn “luôn muốn truyền cho các em lòng tin vào cuộc sống và nghị lực vượt mọi khó khăn” [Vân Thanh].

Nhìn chung, quan niệm sáng tác của nhà văn không hẳn là mới mẻ song phù hợp đối tượng độc giả nhỏ tuổi và cả những người đã trưởng thành mong muốn có “một chiếc vé” trở về với sân ga tuổi thơ.

Một phần của tài liệu HỒI ỨC TUỔI THƠ TRONG TRUYỆNTHIẾU NHI CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH (Trang 32 - 36)