Điểm nhìn người lớn

Một phần của tài liệu HỒI ỨC TUỔI THƠ TRONG TRUYỆNTHIẾU NHI CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH (Trang 70)

Trong truyện Nguyễn Nhật Ánh, có thể bắt gặp những triết lí sâu sắc trong những câu chuyện của trẻ thơ và dành cho trẻ thơ. Các tác phẩm của

anh mang hình ảnh một người lớn ngoái nhìn lại quá khứ. Đôi khi khó có thể phân biệt một cách rạch ròi truyện viết cho thiếu nhi hay người lớn (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ). Truyện của anh thu hút được cả độc giả lớn tuổi, và những bài học được rút ra dường như không phải chỉ để dành cho tuổi nhỏ.

Xuất phát từ cơ chế của sự hồi tưởng, người kể chuyện có xu hướng kéo dần quá khứ trở về hiện tại. Truyện thường xuất hiện những lời bình giá, nhận xét sự việc trong quá khứ. Người kể chuyện nhận xét trong tâm thế của người biết trước kết quả và có tầm vốn sống lớn hơn nhân vật. Chẳng hạn, việc đánh giá một cách hài hước về thái độ của người lớn đối với con trẻ: "Ba mẹ chúng ta hồi đó (chúng ta bây giờ đôi khi cũng vậy), thường tìm cách lảng sang chuyện khác hoặc không nhịn được mà nổi khùng lên với đám con cái chẳng qua là vì họ tự giận mình không giỏi giang như các nhà khoa học đó thôi" (Chương ba, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ). Quá khứ được đánh giá và lí giải một cách thấu đáo từ cái nhìn của hiện tại. Đan cài trong câu chuyện tuổi thơ là những suy tư thấm đẫm triết lí với cái nhìn sâu sắc về cuộc sống: "Một lúc nào đó, tâm trí chợt lãng đi những bon chen thường nhật để ngẩn ngơ trước một tiếng chim hót đầu ngày hay xúc động trước một bông hồng nở muộn bên bậu cửa sổ, bạn sẽ thấy hạnh phúc đôi khi đơn sơ, giản dị biết chừng nào" (Tôi là Bêtô, chương 45). Đôi khi tính triết lí lại được đặt vào cả những nhân vật nhỏ tuổi, với bao lời nói chất chứa suy tư như Khoa trong

Hoa hồng xứ khác suy ngẫm về chuyện chọn người trong mộng để nuôi dưỡng mạch thơ: "Phàm ở đời, không phải bao giờ người ta cũng làm được những chuyện theo ý mình. Có những ước mơ cháy bỏng mà cả đời mình không bao giờ đạt tới. Lại có những chuyện mình ngán tới tận cổ mà vẫn phải bấm bụng lăn xả vào" (Hoa hồng xứ khác, chương 3), “triết gia tình yêu” - Phú ghẻ trong Trại hoa vàng phát ngôn: "Người ta không thể vừa nói về nỗi thổn thức của trái tim vừa đưa tay bịt mũi" (chương 9). Do tính chất triết lí trong lời nói của nhân vật, những nhân vật trẻ thơ, hay tuổi mới lớn trở nên chín chắn lạ lùng, bớt đi chút hồn nhiên của tuổi nhỏ.

Được tạo dựng nên từ hồi ức, tuổi thơ ấy là cơ hội cho nhân vật tôi trong thực tại được nhìn lại những tiếc nuối, hờn giận không đáng có, hay một chút day dứt về lỗi lầm không thể sửa chữa. Mắt biếc là câu chuyện tuổi thơ được kể với một tâm thế của một người trưởng thành vẫn mang theo mãi sự tiếc nuối, buồn thương man mác về thuở ban đầu nhiều kỉ niệm. Nhân vật “tôi” kể lại câu chuyện từ khi mới bắt đầu đi học lớp một đến khi đã trở thành thầy giáo, cùng tình yêu dâng đầy dành cho cô bé Hà Lan. Người kể chuyện để cho nhân vật được là tôi của quá khứ, chỉ đôi khi gieo vào hoài niệm sự tiếc nuối, như việc đã không tỏ tình với Hà Lan mùa hè năm lớp tám ấy, hoặc bao nhiêu cơ hội khác sau này, vì biết đâu cuộc đời của bé có thể đã không phải rơi vào bi kịch, và nhân vật tôi cũng không phải vương mãi bóng hình người con gái ấy trong tim. Là câu chuyện được tạo dựng từ hồi ức, người kể chuyện đồng thời là nhân vật có dịp nhìn lại những kỉ niệm ấu thơ, với cả những nuối tiếc, băn khoăn.

Đồng thời với việc tái tạo lại hồi ức là đánh giá, phán xét lỗi lầm quá khứ. Tuổi thơ luôn có những sai lầm, nghịch ngợm dại khờ nhưng những sai lầm ấy đều được nhìn bằng một ánh nhìn bao dung. Người đọc có thể dễ dàng nhận thấy bóng dáng của một người lớn hiện lên không cần che giấu. Nhà văn không ngại ngần đan xen những lời triết lí, khuyên răn nhẹ nhàng một cách tự nhiên, nhắc nhở sai lầm bằng một trái tim yêu thương trẻ nhỏ. Nhân vật Trường trong Đi qua hoa cúc đã từng học hút thuốc lá với chúng bạn hư, cũng từng ăn gian thay tóc bằng lông mèo khi nhổ tóc bạc cho ông. Tất cả những kỉ niệm đó được làm sống dậy trong hiện tại và nhìn bằng một ánh mắt tha thứ trìu mến, yêu thương. Độc giả nhỏ học được những bài học đáng quý một cách tự nhiên, không gò ép, khuôn sáo.

Điểm nhìn của người lớn đã đem đến cho các sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh sự chừng mực nhất định, cũng như níu giữ và kìm nén để những

ngây dại thơ bé không đi quá đà. Nhờ điểm nhìn này, bên cạnh sự hồn nhiên tuổi nhỏ là suy tư sâu sắc toát lên từ cái nhìn của một người lớn bao dung.

Một phần của tài liệu HỒI ỨC TUỔI THƠ TRONG TRUYỆNTHIẾU NHI CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH (Trang 70)