Chương 59 Bà Nội, Bà Ngoại, Bà hàng xóm và Bé

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm cho các bà mẹ sinh con đầu lòng (Trang 157)

Bà hàng xóm... và Bé

Không phải chuyện bất đồng ý kiến về việc chữa bệnh cho bé chỉ xảy ra ở thế hệ của Đoạn Tuyệt giữa Loan và bà Phán, mà hiện nay ở nước ta, sự bất đồng như thế vẫn còn dài dài. Khi bé bệnh, ba má bé thì muốn đưa đến bác sĩ, bà nội đòi đưa đi ông thầy Ba, bà ngoại muốn bé đi bà thầy Bảy... và bé trở thành nạn nhân bất đắc dĩ. Chắc đôi lần chúng ta có dịp nghe nội hay ngoại bé mỉa mai “Tao nuôi cả bầy con như tụi bây có đi bác sĩ bao giờ đâu, có chích ngừa chích nghiếc gì đâu, bây giờ tui bây hở một chút ẵm con đi bác sĩ... “. Nhưng tuy bà sợ cháu đau vì chích, lại sẵn sàng cho bé uống bùa! Tôi có nhiều dịp chứng kiến những cuộc xung đột như vậy ở bệnh viện, ở dưỡng đường... và nhiều khi kết quả thật thương tâm! Một bé bị sốt thương hàn năng (do vi trùng Salmonella typhi gây ra) đang chữa tại nhà thương được vài ngày thì bà nội hay bà ngoại gì đó đến thăm, nghe nói cháu bị thương hàn, ban cua, đùng đùng bắt mẹ bé mang về đi lể bà thầy... X! Bà nói đau ban cua, ban trắng uống thuốc tây là chết, đi ngay! Rồi lập tức xin cho bé xuất viện. Bác sĩ, y tá giải thích thế nào cũng mặc. Dĩ nhiên, bé cũng lây lất sống đến ngày bị biến chứng lủng ruột mới thấy mang trở lại nhà thương nhưng lần này không có bà cụ đi theo nữa! Trường hợp ban đỏ chữa không đúng cách gây viêm phổi, viêm ruột hay cho nhịn đói đến sưng phù người lên thì nhiều không kể xiết. Câu chuyện thương tâm của bé T. bị sốt xuất huyết đang nằm điều trị tại bệnh viện, rồi bỏ chạy thầy ban đã được kể trong bài Sốt xuất huyết là một câu chuyện có thật khác!

Có lần tôi mục kích một câu chuyện dữ dội hơn: bà ngoại đòi mang bé về chay thuốc ta, má bé chiều ý, sắp sửa xin về thì ba bé đến, ông cương quyết bắt nằm lại nhà thương. Sau đó là một màn cãi vã dữ dội, xích mích nặng giữa chàng rể và bà mẹ vợ... Một lần khác đi thăm bệnh, tôi chẳng thấy đứa bé đâu cả, hỏi, lúc đó bà cụ mới ra ngoài sân mang bé vào, bà giải thích là bà mang bé ra “bỏ vào giỏ rác”, coi như bé đã bị vứt đi rồi, cho “ông” không theo bắt nữa. Sau đó, lại bồng một bé khác

về nuôi cho “chắc ăn”. Dĩ nhiên, thỉnh thoảng gặp một “ca” như vậy cũng không sao, không hại gì về phương diện y học. Chúng tôi rất quen cảnh trong lúc các bác sĩ đang lo chữa bệnh cho bé trong phòng, thì ở một góc trại, bà cụ đốt đèn nhang, lễ các đấng thần linh, không kể cảnh bé mang những niệt, bùa ở tay, chân, cổ và

những vết xanh, đỏ, đen trấn ếm trên mình: thỉnh thoảng còn thấy một con dao dưới lưng, một bàn tay khỉ lủng lẳng trên cổ!

Tại nhà thương, tại phòng mạch, thường thấy bà bế cháu đi khám bác sĩ, bà săn sóc cháu bệnh. Có thể vì má bé bận đi làm, bận việc nhà, cũng có thể vì bà không tin cậy má bé, bà vẫn nghĩ má bé trẻ con, không biết gì (chỉ biết đẻ thôi!).

Dĩ nhiên, nếu các cụ có lầm lẫn thì cũng chỉ vì thương cháu quá mà thôi! Vì những tiến bộ của khoa học ngày nay các cụ không theo kịp mà vẫn còn tin tưởng vào tập tục cổ truyền. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của bà nôi hay bà ngoại trong việc giúp đỡ người mẹ trẻ. Người mẹ trẻ nào cũng bám víu vào các cụ để học hỏi những kinh nghiệm thiết thực, quý báu trong cách nuôi con, săn sóc con. Những kinh nghiệm đó chưa chắc là các bác sĩ biết hết. Bà mẹ trẻ tìm thấy ở các cụ những sự giúp đỡ và an ủi rất hữu ích. “Con so về nhà mẹ”, tục ngữ ta đã chẳng nói như vậy sao? Bà mẹ trẻ thiếu kinh nghiệm, bơ vơ, sợ hãi, lo lắng, an lòng biết bao khi ở bên cạnh có mẹ mình, nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi con. Ngay cả những vị bác sĩ mới sinh con lần đầu, họ cũng thích được ở gần mẹ, được mẹ chỉ dẫn, giúp đỡ. Ở ta, chế độ đại gia đình vẫn còn mạnh, và các bà mẹ trẻ không có mặc cảm thấy mình bé nhỏ bên cạnh mẹ như ở Âu Mỹ. Tuy nhiên, phải sáng suốt. Có những bà cụ tánh tình hơi “độc tài” một chút, cũng khổ cho con cháu. Chị A... một người bạn của tôi, lần sinh đứa con thứ hai thì giấu biệt không dám cho bà nội bé hay, vì đứa đầu chị sinh tại tỉnh, có bà già trông nom cực quá chịu không nổi. Vậy mà không biết sao bà già vẫn biết được, lễ mễ từ nhà quê mang lên mấy lon gạo, sau đó bắt chị A. nằm lửa, giăng màn, cấm ra ánh sáng, cấm đi lại, ăn toàn cá kho keo... Chị A. than vắn thở dài mấy hôm rồi sinh bệnh, bé cũng bệnh theo, nhưng không dám nói gì cả, cho đến lúc bà già về thì chị mới sống bình thường theo ý mình và bệnh cũng tiêu luôn!

Mỗi ngày khoa học mỗi tiến bộ. Một kiến thức cũ chừng vài ba năm đã lỗi thời. Chẳng hạn bây giờ các bà mẹ trẻ sinh nằm phòng lạnh chớ không nằm lửa như xưa. Sinh xong, họ đã bước đi chút đỉnh quanh giường chớ không nằm liệt giường hàng tháng như trước. Họ cũng được ăn uống tự do, kiêng cữ ít đi, và khi bé bị đau ốm họ đi bác sĩ chớ không đi “thầy bà” nữa.

Có lẽ cần cương quyết một chút. Nhận sự cố vấn, giúp đỡ, an ủi của bà, nhưng trong một giới hạn thôi, còn khi bé tới tuổi chích ngừa, khi bé đau ốm thì phải đi bác sĩ. Có những thứ bệnh ở thời bà chưa có, mới xuất hiện gần đây thôi thì làm sao bà biết. Ngày xưa, nhà nhà cách xa nhau đâu có những vấn đề lây bệnh như ở các đô thị ngày nay mà lo phòng ngừa! Ngày xưa, bé đến 10 tuổi còn chưa đi học, bây giờ 3 tuổi đã đi mẫu giáo... Biết bao sự đổi thay! Vì thế, phải sáng suốt, biết đến đâu là giới hạn, đến đâu phải giữ ý mình không nhất nhất nghe lời các cụ. Và riêng các cụ cũng xin thông cảm cho con cháu, chúng nó có những vấn đề của thời đại nó!

Còn bà hàng xóm thì... nên cẩn thận! Nhiều bà hàng xóm thích lo chuyện hàng xóm hơn chuyện nhà! Họ có sẵn cả tủ thuốc trong... bụng, thích chỉ vẽ cho ta phương thuốc này, phương thuốc nọ. Đừng vội tin. Sự giúp đỡ của bà con láng giềng lúc đau ốm, tại nạn thực quý báu. “Bà con xa không bằng láng giềng gần” nhưng nghe lời họ cho bé uống sái phiện cầm ỉa để bé chết vì trúng độc cũng tội bé! Khi bé nóng làm kinh, các bà lối xóm chạy đến, người bắt gió, người đổ chanh, ngưới cắt da làm bé... tơi tả, rách da, trầy trán hoặc mù mắt, viêm phổi cũng tội bé! Không kể có người còn cho uống tam xà đởm. Tôi biết chuyện bà mẹ có đứa con bị tiêu ra máu, định mang đi nhà thương thì bà hàng xóm đến thăm nói cháu bị trĩ, giới thiệu đến một bà thầy trĩ đốt... Kết quả đứa bé chết vì “sốt xuất huyết”. Lỗi ở bà hàng xóm tốt bụng hay lỗi ở bà mẹ? Nói vậy tôi không có ý chỉ trích những phương pháp

chữa bệnh cổ truyền, thuốc ta... đâu, trái lại, tôi nghĩ cần phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ hơn và không nên lấy trẻ làm vật thí nghiệm.

Tóm lại, là phải coi trọng sinh mạng bé, lúc nào cũng phải bình tĩnh sáng suốt, không nghe lời chỉ dẫn vớ vấn, của những người xung quanh không có thẩm quyền dù có lòng tốt. Bé bệnh thì phải mang đi bác sĩ hay bệnh viện, không để mất thì giờ thử thầy thử thuốc!

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm cho các bà mẹ sinh con đầu lòng (Trang 157)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(173 trang)
w