Chương 23 Bé và Sinh tố

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm cho các bà mẹ sinh con đầu lòng (Trang 66)

Không ai còn lạ gì sinh tố nữa! Ai cũng biết sinh tố là những chất cần thiết với một lượng rất nhỏ, giúp cho cơ thể sinh hoạt điều hòa mà thiếu nó thì cơ thể bị một thứ bệnh này hay bệnh khác. Đã có rất nhiều sinh tố được phát hiện; A, B, C, D, E... (gần muốn hết các chữ cái!). Và còn nhiều sinh tố khác chưa được phát hiện có trong thiên nhiên dưới dạng thực phẩm hay được tổng hợp bởi cơ thể con người. Một người khỏe mạnh, ăn uống đầy đủ, quân bình, sinh hoạt bình thường, có thể không cần biết sinh tố là gì, nhưng ở bé thì khác... Thực phẩm của bé dù là sữa mẹ hay sữa bò cũng thiếu một vài sinh tố cần thiết. Cho mãi đến một tuổi, nhiều bé vẫn còn bú sữa chưa chịu ăn – vì mẹ không biết cho ăn gì – trong thời gian này bé lại hay đau ốm, hết ban đỏ tới ho, hết cảm tới nghẹt mũi và do đó dễ có xu hướng mắc bệnh thiếu sinh tố. Ngược lại cũng có một số trường hợp mắc bệnh dư thừa sinh tố, phần nhiều vì ba má bé bị ám ảnh bởi chiều cao và cân nặng của các trẻ Tây phương, muốn cho con mình, đạt được kích thước lý tưởng trong các sách nuôi dạy trẻ, tự ý mua các loại sinh tố ép bé uống hay chích, đi bác sĩ nào cũng xin cho thêm sinh tố!

Sinh tố A:

Bệnh thiếu sinh tố A đến nỗi mù mắt vẫn còn thấy ở khá nhiều trường hợp. Đó là các bé sau một trận ban đỏ, tiêu chảy, bị kiêng cữ quá đáng, chỉ cho uống toàn nước cháo gạo rang trong nhiều ngày hoặc có bé không đau ốm gì cả nhưng mẹ cho ăn toàn bột hoặc chỉ uống sữa đã lấy hết chất béo trong một thời gian lâu dài, bé bị thiếu sinh tố A (vì sinh tố A tan trong chất béo). Thiếu sinh tố A, bé không lớn nổi, da khô cứng lại, cuống họng, cuống phổi, giác mô cũng khô lại, dễ bị nhiễm trùng. Triệu chứng dễ thấy nhất là mắt bé đỏ (tưởng bị nhặm mắt nhưng nhỏ thuốc

không khỏi), chảy nước mắt, có đốm trắng (Bitot) ở góc mắt. Nặng hơn, bé sợ ánh sáng, hâm hấp nóng, nhiễm trùng đường hô hấp và không lên cân. Một thời gian sau, bé không nhìn thấy rõ trong bóng tối, lúc chạng vạng (ta gọi là quáng gà).

Sinh tố A một phần có trong thực phẩm, sữa mẹ, sữa bò, gan, trứng và một phần khác được cơ thể tổng hợp từ một thứ tiền sinh tố A có trong củ cà rốt, rau dền, rau muống, đu đủ, bí ngô... (các loại trái cây có màu vàng).

Dư sinh tố A cũng khổ! Bé sẽ biếng ăn, không lớn, bứt rứt, ngứa ngáy, dễ rụng tóc và thiếu máu. Chỉ có bác sĩ mới biết trường hợp nào thiếu và trường hợp nào thừa và sinh tố không phải luôn luôn có lợi, không bổ chỗ này thì cũng bổ chỗ kia như ta vẫn lầm tưởng.

Sinh tố B:

Đáng kể nhất trong nhóm sinh tố B đối với bé là B1, B6 và B12.

Sinh tố B1 là một sinh tố cần thiết cho tiến trình tạo nặng lượng của cơ thể. Các thức ăn đường bột cần nhiều sinh tố B1. Sinh tố B1 có nhiều trong vỏ hạt gạo (cám), cũng có trong sữa, trứng, gan, thịt, vài loại trái cây và rau. Thiếu sinh tố B1, bé uể oải, hay mệt, biếng ăn, chậm lớn, viêm dây thần kinh, phù thũng. Nhưng nguy hiểm nhất ở trẻ con là bệnh suy tim do thiếu B1 (béri – béri cardiaque). Chứng bệnh này thường có ở những xứ ăn gạo và tại nước ta, không hiếm trường hợp đã được ghi nhận tại Bệnh viên Nhi Đồng. Nếu không quan tâm định bệnh và chữa trị đúng lúc, chắc chắn bé chết vì suy tim cấp tính.

Một bé bú thuần sữa mẹ vào khoảng từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6, đang khỏe mạnh, bụ bẫm, đột nhiên làm mệt, khó thở, môi và tay chân hơn tím lại, mình nổi bông lốm đốm, bứt rứt, rên rỉ liên tục một cách rất đặc biệt, (nếu quen gặp trường hợp này, chỉ cần nghe tiếng rên của bé cũng đủ nghi ngờ). Khám thấy bé không nóng, phổi bình thường, mạch trụy, tim đập yếu, nhanh, gan sưng lớn là những triệu chứng của bệnh suy tim cấp. Dĩ nhiên, cần làm một vài xét nghiệm để xác định bệnh nhưng ngay lúc đó phải khẩn cấp chích cho bé sinh tố B1 thì mới cứu bé kịp. Bé sẽ chết rất nhanh nếu không định bệnh đúng, chữa kịp thời. Hỏi kỹ, ta cũng thấy chính bà mẹ cũng bị tê nhức, mỏi chân, mất phản xạ đầu gối...

Sinh tố B6 cần thiết cho sự tăng trưởng. Một vài trường hợp bé làm kinh không nóng chỉ vì thiếu B6. Các bà mẹ uống nhiều sinh tố B6 để chữa ói mửa lúc mang thai, khi sinh ra bé dễ bị thiếu sinh tố B6 và làm kinh.

Sinh tố B12 cần thiết trong việc tạo hồng huyết cầu, cho sự tăng trưởng của cơ thể và điều hòa sinh hoạt não bộ. Tuy vậy, ở bé, thiếu máu chủ yếu là thiếu sắt chớ không phải thiếu B12.

Sinh tố C:

Cơ thể không tạo được sinh tố C. Sinh tố C do thức ăn mang lại. Ngày nay ít gặp bệnh thiếu sinh tố C, nhưng không phải là không có. Có lẽ là nhờ các bà mẹ thường chịu cho bé ăn thêm trái cây rất sớm. Sinh tố C có rất nhiều trong trái cây tươi, rau sống, rất ít trong sữa và rất dễ bị hư hỏng khi nấu chín. Nên cho bé ăn thêm cam từ tháng thứ 2. Thường thường bệnh thiếu sinh tố C chỉ thấy sau tháng thứ tư thôi vì bé sinh ra đã chứa sẵn một lượng lớn sinh tố C rồi. Thiếu sinh tố C bé biếng ăn, xanh mét, nhiệt độ lên xuống thất thường, không lên cân và nặng hơi, bị chảy máu. Máu có thể chảy dưới da, tím bầm (Ma cắn!) và thường là chảy máu ở nướu răng. Chụp phim thấy các đầu xương dày lên.

Sinh tố D cần cho sự hấp thu các hất calci và phospho là những chất cần thiết để tạo lập xương. Do đó, thiếu sinh tố D, bé không lớn nổi, xương cong vẹo, sọ mềm, ức nổi u, bắp thịt nhão...

Sinh tố D cò nhiều trong gan cá thu, cá mòi, một ít trong trứng, bơ; sữa mẹ có một ít và sữa bò còn tệ hơn. Quan trọng nhất là nguồn sinh tố D do cơ thể tổng hợp dưới tác dụng của tia tử ngoại, ánh nắng mặt trời. Các bé vì lý do đau ốm, hoặc các bé kiều dưỡng được quá cưng chìu, ấp ủ, không cho ra nắng sẽ thiếu sinh tố D và dễ bị chứng còi xương. Nên nhớ là ánh nắng lọc qua cửa kính đã mất hết tia tử ngoại, vô ích.

Nhưng đừng tưởng dùng nhiều sinh tố D là tốt – Sự thặng dư sinh tố D cũng gây nhiều rắc rối. Bé bỏ ăn, ói mửa, bón, nhiệt độ tăng, gầy ốm, lừ đừ và có thể... chết nếu lượng sinh tố D quá lớn.

Sinh tố K:

Tổng hợp ở gan, có tác dụng cầm máu. Các bé sơ sinh còn non tháng thường gan còn yếu chưa tổng hợp được sinh tố K, dễ bị chảy máu. Trong trường hợp đó, sinh tố K rất cần thiết.

Dĩ nhiên còn một lô sinh tố khác như E, F, G, H, P, PP... không mấy quan hệ đến bé nên không nhắc tới ở đây.

Sinh tố không phải là thuốc bổ. Nó chỉ “bổ” nếu dùng đúng chỗ, nghĩa là trong trường hợp thiếu sinh tố, cần sinh tố. Thừa sinh tố cũng tai hại như thiếu sinh tố, và nếu bé bú, ăn uống được đầy đủ thì không sợ bé thiếu sinh tố nữa. Cần chú ý cho bé ăn thêm dầu mỡ vì các loại sinh tố A, D, E, K đều chỉ tan trong dầu mỡ.

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm cho các bà mẹ sinh con đầu lòng (Trang 66)