Chương 51 Viêm gan siêu

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm cho các bà mẹ sinh con đầu lòng (Trang 137)

Trên thế giới có khoảng 300 triệu người lành mang virus viêm gan siêu vi B, đặc biệt có những vùng có tỷ lệ bệnh rất cao như Trung Quốc, các nước Đông Nam Á và Phi châu nhiệt đớt: tỷ lệ người mang mầm bệnh từ 8 đến 15%, và người có kháng thể, tức đã nhiễm bệnh và đã có sức đề kháng tốt từ 70 đến 95%.

Có nhiều loại siêu vi gây viêm gan: A, B, C, D, E... trong đó viêm gan siêu vi B có tỷ lệ mắc bệnh cao và có khả năng gây biến chứng xơ gan, ung thư gan nên được quan tâm nhiều nhất. Viêm gan siêu vi A lây theo đường ăn uống. Tình trạng ăn uống bừa bãi, thiếu vệ sinh ở nhiều nơi hiện nay, với quán nhậu, quán bia khắp hang cùng nhõ hẻm là cơ hội cho Viêm gan siêu vi A phát triển. Còn Viêm gan siêu vi B thì lây qua đường máu, đường tình dục, và từ mẹ sang con trong lúc mang thai, sinh đẻ... Thói quen thích chích thuốc, châm cứu, cắt lể, xâm mình, xỏ lỗ tai, làm móng tay... của chúng ta là cơ hội cho virus B lây lan nếu không vô trùng tuyệt đối. Truyền máu, mổ xẻ, chăm sóc y tế không vô trùng cũng dễ bị. Do đó ta biết tại sao nhân viên y tế mắc bệnh này khá nhiều. Tiêm chích ma túy cũng là đường lây chính của siêu vi B. Đường lây tình dục còn quan trọng hơn. Tình trạng mại dâm phát triển cùng với sự quan hệ tình dục dễ dãi mà không được bảo vệ hiện nay làm gia tăng nhanh chóng số người bị nhiễm Viêm gan siêu vi B (VGSVB). Có thể nói, VGSVB lây truyền giống như HIV/AIDS, như vậy khi phòng tránh AIDS tốt cũng chính là phòng tránh VGSVB.

Đường lây đã xác định rõ nên ta cũng biết rõ nhóm nguy cơ cao để có biện pháp phòng ngừa. Đó là những người tiêm chính ma túy, mại dâm, nhân viên y tế, bệnh nhân thường phải truyền máu và trẻ sơ sinh. Khác với AIDS, VGSVB hiện nay đã có thuốc chủng ngừa.

Diễn tiến của VGSVB cũng khác với AIDS. Trong VGSVB thì đến 90% các trường hợp cấp tính tự khỏi sau vài ba tuần lễ. Cơ thể người bệnh tạo được kháng thể (gọi là Anti-HBs) thì không có biến chứng gì xảy ra. Khoảng 10% các trường hợp rơi vào tình trạng mãn tính, khoảng chín phần mười trong số đó sẽ là người lành mang virus, nghĩa là có thể “sống chung hòa bình” với virus suốt đời, tuy có thể lây truyền bệnh cho người khác, còn một phần mười còn lại có thể sinh biến chứng xơ gan hoặc ung thư gan. Cần hiểu rõ điều này để tránh những hoang mang lo lắng vô ích. Một người bình thường có thể mang siêu vi B suốt đời mà không bệnh, cũng như người đã có kháng thể với siêu vi B thì coi như cơ thể đã có sức đề kháng tốt rồi, không có gì phải lo nữa, không cần chích ngừa nữa.

Cần biết rằng đa số các trường hợp VGSVB cấp tính không có triệu chứng gì cả, phải thử máu mới biết, một số còn lại khoảng 10% thì triệu chứng rất rõ ràng: Nóng sốt, nhức mỏi, vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng sậm, đau bụng, biếng ăn, nôn ói, ngứa ngáy... Bệnh rầm rập như vậy chừng hai tuần rồi hết. Trừ một số trường hợp tối cấp có thể đưa đến tử vong, đa số lành bệnh trong vài ba tuần lễ.

Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị VGSVB. Cần nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Ăn nhiều chất đường, chất đạm. Các loại thuốc điều trị mới tùy chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.

Phòng bệnh chủ động chính là bỏ đi tập quán châm chích, cắt lể, xâm mình, xỏ lỗ tai nói trên. Tuyệt đối an toàn trong truyền máu và chăm sóc y tế. Chung thủy một vợ một chồng. Sử dụng bao cao su nếu cần. Không tiêm chích ma túy... là những biện pháp chính. Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu dành cho trẻ sơ sinh, những đối tượng nguy cơ cao. Những người đã có kháng thể hoặc người lành mang mầm bệnh thì không cần phải tiêm chủng nữa vì tiêm vô ích. Đối với trẻ sơ sinh và nhóm nguy cơ như người tiêm chích ma túy, mại dâm, nhân viên y tế, cần chủng ngay mà không cần thử máu trước, còn những người khác thì nên thử máu trước.

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm cho các bà mẹ sinh con đầu lòng (Trang 137)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(173 trang)
w