Chương 37 Bé ho

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm cho các bà mẹ sinh con đầu lòng (Trang 109)

Thỉnh thoảng tôi vẫn bị mẹ rầy vì không chịu cho các cháu uống thuốc ho. Tôi thường nói:

− Kệ, để nó ho cho... đã!

Dĩ nhiên khi nói thế là tôi đã khám qua và biết chắc rằng chứng ho của nó không phải là ho lao hay viêm phổi gì cả, chẳng qua là ho “gió”, ho “cảm” chút đỉnh thôi. Và trong trường hợp này ho cần lắm, ho nên lắm. Ngay cả trong những trường hợp bị viêm cuống phổi hay viêm phổi, người ta cũng để cho bé ho tự nhiên, chỉ cần chữa đúng bệnh chớ không cần chữa ho. Ho là một triệu chứng, đôi khi lại rất cần thiết để tống đàm nhớt ra ngoài, làm bớt nặng nề buồng phổi, làm dễ thở, và do đó cũng bớt nhiễm độc. Một người bị ho lao mà chỉ uống thuốc ho thì làm sao khỏi bệnh? Hay một bé ho vì viêm phổi mà chỉ uống thuốc ho thì bệnh chỉ có nặng thêm. Trong một vài trường hợp, không những người ta để cho bé ho cho đã mà còn giúp bé ho, tống đàm nhớt ra ngoài bằng cách vỗ lưng bé và cho bé nằm sấp, đầu thấp hơn chân. Bác sĩ chỉ cho uống thuốc ho khi thấy cơn ho làm bé mệt nhiều và mất ngủ, có thể làm bé suy nhược. Thế thôi.

* Thường thường nghe bé ho, không bà mẹ nào không thấy tội nghiệp, nóng lòng, chỉ mong mình có cách nào ho giúp cho bé, ho thế cho bé. Vì thế mà bà mẹ nào cũng muốn làm sao chặn đứng cơn ho tức khắc. Thuốc ho nào làm bé đang ho mà dứt hẳn là thuốc ho hay; ông thầy nào cho thuốc ho cho bé đang ho sù sụ bỗng... im luôn là ông thầy mát tay!

Mới đây một người bạn tôi mang thằng con trai đầu lòng 4 tháng đến nhờ khám bệnh. Anh nói, nó ho ba bữa nay, hơi khò khè. Khám thấy không có gì quan trọng, tôi cho vài thứ thuốc thông thường nhưng không cho thuốc ho. Hai hôm sau thấy anh hốt hoảng mang đứa bé đến, đứa bé nằm thiêm thiếp, không cựa quậy, không khóc, dĩ nhiên cũng không ho.

− Uống thuốc của anh cho nó vẫn ho như thường. Mẹ tôi nóng lòng mua cho cháu gói thuốc tàu mà bà vẫn uống. Mới cho nó uống nửa gói là hết ho ngay, chiều nay uống thêm nửa gói nữa nó dịu nhiểu, hết cục cựa như vầy... Anh làm ơn...

Rọi đèn vào mắt thấy hai con ngươi bé teo lại bằng đầu kim gút, tôi phải gửi bé đi bệnh viện vì bé trúng độc chất á phiện. Chất này thường có trong các loại thuốc ho người lớn, làm giảm cơn ho mau chóng nhưng dùng cho trẻ con không được, có thể làm cho bé chết vì ngộ độc á phiện.

* Khi khám một bé ho, bác sĩ sẽ hỏi cẩn thận đặc tính của cơn ho, nếu được nghe bé ho càng tốt, và nhìn cách thở của bé cũng có thể nghi ngờ bé ho vì bệnh gì. Sau đó, sẽ dùng ống nghe để thính chẩn. Cần lắm mới phải cho chụp phim X quang để xác định bệnh trong một số trường hợp. Có người nói cứ đến bác sĩ là có viêm phổi, viêm cuống phổi. Đâu có! Tôi chắc là ông bác sĩ nào cũng phải phân biết trường hợp nào là ho cảm, ho cúm; trường hợp nào là do dị ứng, ho gà; trường hợp nào ho vì viêm phổi, viêm cuống phổi... Có khi bé ho nhiều, ho rũ rượi mà phổi có thể không nghe gì cả như ho gà. Có khi bé ho húng hắng, ho khan chỉ vì viêm amiđan; có khi rất ít ho, ho vài tiếng nhưng là viêm phổi nặng, có mủ ở màng phổi; hay có khi không ho tí nào cả mà là “ho... lao”!

Trong một buổi gặp gỡ bạn bè, một vài anh bạn nhà giáo tỏ ra nghi ngờ khả năng của cái ống nghe. Một anh nói theo lời một bác sĩ thì ống nghe chỉ để trình diễn và có tác dụng tâm lý. Bậy! Tôi chắc một bác sĩ không bao giờ nói như vậy hoặc ông ta không phải là bác sĩ nội khoa, nhi khoa... Nhưng dù là bác sĩ nào thì ống nghe cũng rất cần thiết. Chỉ với ống nghe thôi có thể biết rõ và biết sớm được những bệnh về tim, phổi... mà chụp phim X quang, siêu âm nhiều khi chỉ là để bổ sung cho chẩn đoán phân biệt.

Dù sao nếu bé ho mà có nóng hoặc ho dai dẳng phải mang đến bác sĩ khám ngay. Cứ nghe bé ho là xin chụp hình phổi cũng là điều không nên, nhiều khi không cần thiết. Bác sĩ sẽ quyết định trường hợp nào nên chụp phim, không nên tự ý làm, có hại hơn là lợi.

* Tóm lại, phải “tôn trọng” cơn ho của bé, đừng tìm cách dập tắt cơn ho tức khắc mà không biết nguyên nhân ở đâu để chữa trị. Cũng không nên khinh thường khi thấy bé ho, phải để ý, và nếu cần phải khám bác sĩ. Đã chữa nguyên nhân rồi thì từ từ bé sẽ hết ho, đừng nóng lòng cho uống thuốc bậy. Nếu bác sĩ nói không có gì quan trọng thì kệ, để bé ho.. cho đã!

Viêm phổi, viêm cuống phổi:

- Sưng phổi, còn gọi “cảm phổi” là tiếng gọi nôm na của các bệnh viêm phổi, viêm phế quản phổi. Bệnh có thể nguyên phát, cũng có thể là biến chứng của các bệnh ban đỏ (sởi) ho gà, cảm cúm, ngoại vật phế quản... Trẻ nóng ho vài ba ngày, chảy nước mũi, ít được để ý, đến lúc nóng cao đột ngột, khó thở thì bệnh đã nặng. Lúc đó, trẻ thở nhanh, cánh mũi phập phồng, có thể có tim tái ở môi và ở chi, co kéo các cơ hô hấp. Trẻ xanh xao, bứt rứt, khó chịu và ho nhiều, ho có đàm, nhưng vì không biết khạc đàm, trẻ nuốt cả vào bụng.

thở. Tuy nhiên, trường hợp viêm cuống phổi nhỏ cấp tính, bệnh tình rất trầm trọng. Đang đêm, trẻ lên cơn mệt khó thở như suyễn, khò khè, tím tái, lõm trên và dưới xương ức. Bệnh phải được chữa tại bệnh viện. Nói chung, bệnh phổi thường rất nặng ở trẻ suy dinh dưỡng.

GHI NHỚ:

Ho không phải là bệnh.

* Ho chỉ là một triệu chứng: trẻ có thể ho vì sưng phổi, nhưng cũng có thể ho vì... lãi. Nhiều bà mẹ nóng lòng muốn dập tắt ngay cơn ho của trẻ, đã dùng các loại thuốc ho “mạnh”, có chứa chất á phiện, gây ngộ độc rất nguy hiểm.

* Ngay cả trong trường hợp bị sưng cuống phổi hay sưng phổi, người ta cũng để ho tự nhiên, chỉ cần chữa đúng căn bệnh chứ không cần chữa ho là một triệu chứng rất cần thiết để tống đàm nhớt ra ngoài, làm bớt nặng nề buồng phổi, làm dễ thở.

Trái lại, tím tái ở môi, ở đầu ngón tay, ngón chân và khó thở (thở nhanh, dồn dập trên 60 lần/phút), có tiếng khò khè, cò cử, và có co kéo cơ hô hấp ở cổ, ở xương sườn thì luôn luôn là những trường hợp nặng, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu ngay.

Trong mọi trường hợp, khó thở luôn luôn là dấu hiệu báo động, phải được khẩn cấp đưa đến một cơ sở y tế gần nhất. Nên khám bệnh ngay khi có các triệu chứng

nóng, ho kèm khó thở. Phải chữa bệnh phổi đến nơi, đến chốn, đừng để bệnh kéo dài, tái đi tái lại, làm trẻ mất sức. Trong thời gian điều trị, chú trọng vấn đề dinh dưỡng, đừng để trẻ bị thêm suy dinh dưỡng, bệnh càng nặng, khó chữa hơn. Đề phòng những cơn lạnh đột ngột. Giữ ấm cho trẻ.

Tóm tắt các triệu chứng của viêm đường hô hấp dưới (viêm cuống phổi, viêm phổi) 1. Tái tím 2. Cánh mũi phập phồng 3. Thở nhanh: trên 60 lần/ phút 4. Khò khè 5. Co kéo lồng ngực (xem hình)

Đây là các dấu hiệu chứng tỏ bệnh nặng cần được chữa trị đúng và sớm.

Trẻ khó thở (Lúc hít vô thì lồng ngực bên dưới lõm vào trong thay vì phình ra)

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm cho các bà mẹ sinh con đầu lòng (Trang 109)