Chương 54 Bạch hầu.

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm cho các bà mẹ sinh con đầu lòng (Trang 143)

Cánh cửa phòng cấp cứu bị đá bật tung ra, một người ôm trên tay một đứa bé choàng khăn kín mít, chạy vào, lắp bắp: Bác sĩ, bác sĩ, cứu con tôi!... Chúng tôi túc trực thường xuyên và ngày nào cũng gặp những cảnh như vầy nên rất bình tĩnh. Cô điều dưỡng chỉ chỗ để ông ta đặt đứa bé xuống, giúp bỏ chăn mền quần áo em bé và đặt dây dưỡng khí tiếp hơi. Đứa bé khoảng 2 tuổi, tím ngắt, đã ngưng thở, mạch mất hẳn nhưng tim còn đập nhẹ, thỉnh thoảng lỗi nhịp như sẵn sàng ngừng luôn. Tôi ngó anh nội trú: Mau lên, “nó” nữa rồi! Trong lúc tôi làm hô hấp nhân tạo cho đứa bé bằng cách bóp đều lồng ngực thì anh nội trú sửa soạn dụng cụ đặt ống nội khí quản tạm và cô điều dưỡng cho máy hút nhớt chạy tối đa. Tôi hỏi:

− Em đau từ bao giờ?

− Nó mới nóng 2 hôm, khuya nay đột nhiên thở khò khè rồi... Anh không nói thêm được nữa vì hình như cũng đang khò khè vì mệt và lo lắng.

− Liệu có cứu được không, bác sĩ?

− Chúng tôi hết sức cố gắng xem sao. Cũng hy vọng chứ!

Tôi bật cái đèn soi thanh quản do anh nội trú vừa đưa lại, đặt lưỡi đèn vào họng em bé trong lúc anh nội trú Q. thế tôi, bóp đều lồng ngực em. Cả miệng em bé đầy đàm nhớt. Chiếc máy hút làm việc mạnh hơn. Cô điều dưỡng đã thay ống hút lớn hơn. Dưới ánh đèn tôi vừa trông thấy một lớp màng trắng. Quậy nhanh miếng gòn gắn trên một chiếc que lên đó để mang đi phòng xét nghiệm thử, tôi hướng ống hút về cái màng để hút mạnh. Màng dính chặt vào cổ họng, vùng thịt dư và thanh quản. Đặt vội ống thông vào, nối dây dưỡng khí. Như một phép lạ, tức khắc bé hồng hào trở lại, tim đập đều, mạnh, mạch đã có. Anh nội trú Q đã ngưng làm hô hấp nhân tạo, bé thở một mình qua ống thở đặt xuyên thanh quản. Chừng vài phút sau chúng tôi chưa kịp mừng trọn thì đứa bé lại mệt, rồi từ từ tím lại, bắt đầu ở môi, tay, chân... Tìm thủ phạm không khó, chính cái màng giả đã làm nghẹt ống thông chứ không gì cả. Chúng tôi rút ống thông ra, lại hút đàm nhớt, màng giả, rồi thanh ống khác. Bé lại hồng lên. Lúc đó cũng vừa có kết quả về cho biết đúng bé bị bạch hầu. Chúng tôi sửa soạn dụng cụ mang bé đến trại truyền nhiễm, đưa bé vào phòng mổ để mở khí quản. Bé đó sống. Mấy hôm trước, một bé khác tình trạng cũng gần giống như thế, nặng hơn một chút và đã chết dọc đường khi chuyển đến phòng mổ.

Vào khoảng gần Tết năm nào cũng thế, bệnh bạch hầu có vẻ hơi nhiều. Cách đây mấy hôm, một em gái 10 tuổi nhập viện vì lý do mệt, nóng 39°C, chảy máu

miệng, mũi, sưng dưới cằm và hai bên má khiến gương mặt em trở nên bầu bĩnh khác thường, hơi thở hôi, rã rượi, mạch yếu. Thử có vi trùng bạch hầu ở cổ họng và ở mũi. Em bé chết vì bị bạch hầu ác tính. Một em khác ở tỉnh đến vì bại 2 chân, nói ngọng, khó nuốt cũng lại bạch hầu! Một em khác nữa, 6 tháng, chảy máu cam lùi xùi cả tuần: lại bạch hầu!

Nguyên nhân:

Gọi “bạch hầu” một cách tổng quát như vậy thực ra không đúng. Bởi vì không phải lúc nào bệnh cũng xuất hiện ở hầu, có khi nó ở mũi, có khi ở lỗ tai, khi ở ngòai da, khi ở phổi, ở tim... Bệnh do vi trùng Klebs Loeffler gây ra, rất hay lây, thường ở lứa tuổi từ 6 tháng đến 10 tuổi. Trước 6 tháng cũng có thể bị nhưng tỉ lệ ít hơn, vì đứa bé được miễn dịch nhờ kháng thể của người mẹ còn lại. Vi trùng thường phát khởi ở vùng hầu, cổ họng, thanh quản, khí quản, và tạo thành một cái màng giả ở đó rất dễ nhận biết, không chữa sớm, màng giả lan rộng bít nghẹt khí quản, làm bé khó thở nhất là lúc hít vô, tiếng thở nghe khò khè đặc biệt.

Độc tố của vi trùng lan tràn khắp nơi, thường tấn công cơ tim (làm chết vì suy tim) và hệ thần kinh (làm tê liệt). Bệnh lây trực tiếp do nước miếng, nước mũi của người mắc bệnh văng ra lúc nói chuyện, ho, sặc, nhảy mũi, cũng do người vừa khỏi bệnh, và những người không mắc bệnh nhưng mang vi trùng bệnh trong người lây cho bé.

Triệu chứng:

Thời kỳ tiềm ẩn (ủ bệnh) từ 1 đến 7 ngày, bệnh thường xuất hiện ở vùng cổ họng. Bé nóng 38° - 39°C, vài ngày sau xuất hiện một màng giả (trắng, xám, bóng, dính chặt trên hai hạch hầu – amiđan). Không chữa ngay bệnh trở nặng, xanh xao, mệt, tim đập nhanh, màng giả lan tràn xuống thanh quản làm nghẹt thở thình lình và rất dễ chết (như trường hợp mô tả trên). Trong bệnh bạch hầu ác tính, có nhiều hạch cổ nổi lên giống như bị sưng má ông địa, chảy máu mũi, máu miệng, xanh mét, đau bụng, ói ỉa, hơi thở hôi, khó nuốt. Bạch hầu ác tính thường không thể chữa được!

Trường hợp bạch hầu có màng giả bít nghẹt thanh quản hiếm gặp ở các nước tiên tiến, nhưng vẫn còn là một mối nguy hiểm cho trẻ con xứ ta. Bé đột nhiên khó thở, giọng khàn, tắt tiếng, lúc hít vô kêu khò khè, tím da, gân cổ nổi lớn, có khi ngộp thở, hôn mê. Trong trường hợp này trẻ cần phải được cấp cứu tại một bệnh viện mới có hy vọng sống. Như đã nói, độc tố của vi trùng tràn lan khắp cơ thể nên có

thể gây nhiều biến chứng như viêm cơ tim, sưng phổi, liệt đóc họng (lưỡi gà), liệt tay chân, liệt mắt...

Điều trị:

Bệnh nguy hiểm như vậy, việc điều trị cũng khó khăn không kém. Ngoài thuốc kháng sinh còn cần phải có huyết thanh chống độc tố của vi trùng bạch hầu và quan trọng nhất vẫn là sự săn sóc theo dõi bệnh trong suốt thời gian chữa trị và thời gian dưỡng bệnh sau khi lành.

Những điều kiện đó đòi hỏi bé phải được chữa trị tại một bệnh viện lớn, đủ phương tiên, không thể chữa khơi khơi được, và nhất là không thể mất thì giờ vì chạy thầy chạy thuốc không đúng chỗ. Thổi thuốc, xông thuốc đều vô ích trong trường hợp bạch hầu. Số lượng huyết thanh cho phải càng sớm càng tốt, và phải cho với một số lượng đầy đủ bởi vì chỉ lượng huyết thanh đầu tiên là có giá trị mà thôi.

Nếu bé được mở khí quản thì sự săn sóc tốt trong suốt thời gian còn đặt ống là điều quan trọng. Lơ đễnh một chút mà để ống nghẹt là bé có thể chết dù thuốc men tốt đến thế nào! Sau khi lành bệnh được xuất viện, bé vẫn phải tiếp tục nghỉ ngơi – ít vận động – trong thời gian một tháng rồi mới từ từ hoạt động lại và được bác sĩ theo dõi để tìm biến chứng nếu có. Phải làm lại 2 lần cấy vi trùng cổ họng không có bạch hầu mới coi là khỏi bệnh. Chính trong thời kỳ dưỡng bệnh, bé có thể lây bệnh cho bé khác.

Phòng ngừa:

Xem thế ta thấy bệnh bạch hầu là một bệnh đáng sợ không thể coi thường được. Có nhiều trường hợp bị bạch hầu mà không thấy có màng giả ở họng. Cho nên không cần đợi có màng giả, mà chỉ cần thấy bé đột ngột khó thở, khò khè, tắt tiếng, bứt rứt khác thường là phải đi khám bác sĩ ngay. Trên nguyên tắc trong mùa có dịch, khi nghi ngờ bé bị bạch hầu thì phải chữa liền, không cần đợi kết quả xét nghiệm.

Dĩ nhiên tốt nhất vẫn là cho bé chích ngừa. Thuốc ngừa bạch hầu thường trộn chung với ngừa phong đòn gánh hoặc trộn chung cả với ho gà. Chích ngay từ lúc bé được 1 tháng, chích làm 3 kỳ và một năm sau chích nhắc lại (Xem lịch chủng ngừa).

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm cho các bà mẹ sinh con đầu lòng (Trang 143)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(173 trang)
w