Chương 17 Bé khóc

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm cho các bà mẹ sinh con đầu lòng (Trang 60)

Các nhà văn, nhà thơ thường kết tội cuộc đời bằng cách dẫn chứng là bé mới sinh ra đã khóc rồi! Nguyễn Gia Thiều thì đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra,

Nguyễn Công Trứ thì mới sinh ra thì đà khóc chóe, trần có vui sao chẳng cười khì!

Nhưng đối với bác sĩ, các nữ hộ sinh, tiếng khóc của bé là một niềm vui lớn: bé sống! Nói cách khác, bé không khóc thì bé chết hay nếu không chết thì sau này cũng khờ dại, ngu đần kém thông minh... Tưởng tượng một cánh dù không mở khi người nhảy dù tung mình ra khỏi phi cơ! Đứa bé “tung mình” ra khỏi lòng mẹ, từ môi trường nước sang môi trường khí, nếu không khóc, phổi không “nở bung” ra, không thở được không khí, chắc là chết, nếu thoát cũng què quặt tinh thần! Tiếng khóc ban đầu đó rất cần thiết, vì thế nếu bé không khóc một cách tự nhiên, người hộ sinh sẽ làm mọi cách cho bé khóc càng sớm càng tốt. Họ hút đàm nhớt để khai thông đường hô hấp, họ chà xát da bé bằng cồn để kích thích hô hấp, họ đét vào đít bé nữa cho bé khóc! (Thời kỳ nằm trong bụng mẹ, bé không thở bằng phổi mà thở bằng lá nhau, cũng như con cá thở bằng mang vậy).

Sinh ra rồi, khóc còn cần thiết cho bé hơn. Bé chưa biết nói, khóc là một thứ tiếng nói đặc biệt, báo cho bà mẹ biết là bé đang đói, bé đang bị ướt, bị đau, bị mệt, bị bệnh... hay có khi khóc chơi cho vui, cho nở phổi – như chúng ta thường nói. Một gia đình không có tiếng khóc trẻ thơ buồn biết bao!

Các bà mẹ thật tài tình, chẳng cần đọc sách dạy nuôi con, các bà cũng tự nhiên “nghe” được thứ tiếng nói đặc biệt đó của con. Chỉ một thời gian ngắn, bà đã phân biệt tiếng khóc nào là bé đói, bé đau bụng, bé bị ướt (vì tiêu, tiểu)... và tiếng khóc nào là bé nhõng nhẽo (đòi bồng bé). Nhưng lúc ban đầu, vài tuần hay nhiều lắm là một vài tháng đầu, bà có hơi lúng túng một chút. Khi bé khóc, bà mẹ hơi hoang mang, nếu khóc nhiều bà đâm ra sợ hãi! Bé chưa nó? Bé bị ướt? Bé đau bụng? Bé bị kim đâm phải? Bé bệnh?

* Nếu là một bé bú sữa mẹ, thấy bé khóc nhiều, bà mẹ chỉ việc cho bé bú nữa thử xem, nếu bé nút mạnh, khoái trá, nín khóc ngay, và khi bé bú xong lăn kềnh ra ngủ thì đúng là bé khóc vì đói! Bình thường sữa mẹ tăng theo nhu cầu của bé, bé bú nhiều thì sữa ra nhiều, trong một vài thời kỳ, người mẹ bỗng nhiên ít sữa, chẳng hạn như lúc lo lắng, mệt mỏi... bé bú chưa đủ no và khóc đòi bú thêm. Nếu bú bình, ta thấy bé sắp đến giờ bú thì khóc, là khóc đòi bú nhưng bú xong vẫn ray rứt, không chịu ngủ hoặc ngủ rồi thức giấc sớm hơn thường lệ thì chắc là bé còn đói. Nếu nhiều ngày liên tiếp như vậy, ta phải tăng phần sữa cho bé, không cần căn cứ vào bản phân lượng trung bình vì có bé bú nhiều, bé bú ít. Bé bú no rồi vẫn khóc có thể khóc vì bú chưa... đã thèm, vì núm vú soi lỗ lớn quá, sữa xuống nhanh quá.

* Phần lớn bé không chịu được ướt, mỗi lần đái hay ỉa ướt tã là bé khóc liền. Lau khô, thay tã sạch, bé nín ngay. Nhưng cũng có bé không khó chịu vì vụ ướt đít

này, vẫn ngủ tỉnh bơ.

* Bé cũng thường khóc vì đau bụng hay vì ăn không tiêu (xem Bé ăn không tiêu).

* Nếu bé cứ khóc dai dẳng, cằn nhằn khó chịu thì nên để ý xem bé có ốm đau gì không? Nếu bé thêm nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho thì bé cảm rồi đó. Có khi bé mệt mỏi vì đi xa, vì ồn ào, vì lạ chỗ cũng khóc.

* Nhiều bé khóc đêm (khóc dạ đề), nhất là những đứa con đầu lòng, làm khổ ba má không ít, vì thần kinh bé còn non nớt dễ bị khích động. Nếu bé vẫn khỏe mạnh, bình thường thì không nên lo lắng gì cả. Bé sẽ hết sau một thời gian ngắn khoẳng 3 tháng. Nếu cần có thể dùng vài loại thuốc an thần nhẹ của trẻ con và các loại calci theo hướng dẫn của bác sĩ.

* Một đôi khi bé khóc vì kim chích, xóc dầm... nhưng rất hiếm. Dù sao cũng nên kiểm tra cẩn thận.

* Một thứ khóc khác cũng nên để ý là bé khóc vì nhõng nhẽo... Các bé được nuông chiều thái quá, lúc nào cũng bồng bế trong mình, ru trên tay, trên võng quen thói, lúc bỏ ra là khóc – nhưng cũng có khi vì thiếu “sinh tố Y”, (xem Sinh tố Y).

Dù sao, ở trẻ sơ sinh, khóc không mấy quan hệ như ở bé lớn. Khi một bé 8 – 12 tháng khóc đột ngột là phải cảnh giác, có thể là một bệnh nặng!

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm cho các bà mẹ sinh con đầu lòng (Trang 60)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(173 trang)
w