Chương 6 Nhìn bé lớn lên

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm cho các bà mẹ sinh con đầu lòng (Trang 31)

Không một phần thưởng xứng đáng nào bù đắp cho nỗi cực khổ vô tận của người mẹ bằng sự quan sát, nhìn ngắm bé lớn lên. Thực là kỳ diệu, thực là tuyệt vời! Mới ngày nào bé đỏ hỏn, khóc oe oe chào đời, mặt mũi nhăn nheo xấu xí, mình trơn tuột như con cá vừa vớt ở ao lên, chỉ vài ba tháng đã da dẻ hồng hào, mắt môi rực rỡ, tay chân ngo ngoe hóng chuyện. Rồi bé mỉm cười, rồi bé cười ra tiếng. Nụ cười đó đã xóa tan đi bao nỗi bực dọc, âu lo của ta. Tiếng khóc và nụ cười bé đã

làm ngôi nhà sáng bừng lên, đầy sinh khí, tràn tương lai... Rồi bé ngửng cao đầu, rồi bé biết lật, bé biết bò, bé biết đứng chựng, bé chập chững đi, hai tay giơ cao để giữ thăng bằng như người hát xiếc đi trên sợi dây thép. Mỗi một tiến bộ nhỏ của bé là một niềm vui lớn của ta. Khi bé nhú lên hai chiếc răng cửa, ta thấy có ánh sáng ngà ngọc đâu đó dưới mái nhà êm ấm. Khi bé bập bẹ vài tiếng nói đầu tiên, ta thấy lòng trần ngập hân hoan. Tôi vẫn nghĩ rằng bé, ngay trong tuổi ấu thơ này, đã trả ơn trọn vẹn cho cha mẹ rồi đó! Theo dõi bé, nhìn ngắm bé, quan sát bé lớn lên, ta bỗng tìm thấy ta – chính hình ảnh ta ngày xưa! Ta thấy cái dòng sống trôi miên man và ta bỗng cảm ơn bé, cảm ơn ta. Cũng nhờ bé ta biết thế nào là công ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục và các bà mẹ gặp nhau dành một phần lớn thì giờ để nói về đứa con họ. Bà thì hãnh diện con mới 4 tháng đã mọc răng, mười tháng đã chập chững biết đi. Bà thì khoe con mới mưới sáu tháng đã thuộc ca dao, bà khác lo âu: “Sao cháu đã thôi nôi rồi mà chưa đứng một mình được”, “Sao đã tám tháng rồi mà chưa mọc răng”?

* Sự phát triển của bé thực ra không bé nào giống như in một bé nào. Mỗi bé phát triển theo một tiết điệu riêng, nhưng nhịp nhàng và hoàn hảo – nếu không vì một lý do nào ảnh hưởng nặng nề trên đó – đều đưa đến cứu cánh là làm cho đứa trẻ thành người, theo cái “khuôn mẫu” có sẵn của bé, không giống với một người nào khác. Có thể nói tất cả tiến trình phát triển đó đã được đánh dấu từ trên những di thể (gènes) trong khi bé được tạo hình.

Rồi các yếu tố khác – yếu tố nội tiết, thần kinh, môi trường (kinh tế, khí hậu...) cũng ảnh hưởng một phần, nhỏ thôi. Có bé sinh ra bụ bẫm, lớn lên nở nang hơn người nhưng chậm nói, chậm mọc răng, sau này có thể là một lực sĩ vai u thịt bắp. Có bé ốm o không có cách nào làm mập được, nhưng biết nói sớm. Có bé cha mẹ tưởng là câm vì nói chậm mà lúc đi học lại thông minh xuất chúng... Biết như thế rồi ta sẽ không hãnh diện hay lo sợ một cách vô ích về sự phát triển mau hay chậm của bé. Miễn là ta săn sóc bé đúng cách, đúng mức. Dĩ nhiên, những bé khác thường cũng phải đưa đến khám ở bác sĩ chuyên môn. Bác sĩ sẽ giúp ta chữa cho bé nếu bé có bệnh. Nếu không bệnh thì bé thế nào ta sẽ yêu bé thế đó, bé ra sao ta sẽ yêu bé như vậy. Tình yêu của ta đủ sức thay đổi tất cả những xấu xí, thua thiệt của bé về thể chất hay tinh thần mà còn giúp bé tự tin, sống hạnh phúc, thành công sau này nữa. Trái lại, sự thất vọng của ta, thái độ bất mãn của ta đối với một vài khuyết tật của bé sẽ làm cho bé mặc cảm, khốn khổ suốt một đời. Tôi đã thấy có những người rất yêu một đứa con tàn tật, sẵn sàng chịu khổ vì nó, dù biết nó khó nuôi, khù khờ cũng mặc, chỉ mong nó được sống. Trái lại, có người tạo ảo tưởng về đứa con của mình quá nhiều, đã thất vọng khi thấy nó không giống tài tử này hay minh tinh nọ. Có người còn ghét con vì nó không hạp tuổi mình, không phải là nam nhâm nữ quý... Những người đó không đáng làm cha mẹ!

Sự phát triển của bé thực ra phải được kể từ lúc trứng thụ thai biến thành hai tế bào con và sau đó là một loạt sinh sinh hóa hóa cho đến ngày bé oa oa chào đời. Ở tuần lễ thứ tám trong bụng mẹ, “bé” chỉ nặng 1 gram và cao 7,5cm, và cuối tháng thứ 6, “bé” nặng khoảng 1 kg và cao 35cm. Trong suốt thời gian còn trong bụng mẹ, “bé” sống trong môi trường nước, sự hô hấp không phải bằng phổi mà bằng hệ thống nhau – thai nhi, qua cuống rún, sự tuần hoàn cũng khác xa với lúc bé được sinh ra đời. Có thể nói lúc đó bé là một con cá, sống trong nước và thở bằng mang – Khi sinh ra, bé bước vào một môi trường khác hẳn, môi trường khí của chúng ta đang sống. Bé đã trải qua biết bao nguy hiểm để được làm người! (*) (*) Gần đây, một số nước Bắc Âu đã thí nghiệm cho trẻ sinh dưới nước, rất thành công. Trong suốt thời gian sống trong bụng mẹ đó, nhiều tác nhân có thể gây nguy hại cho bé về

sau: chẳng hạn người mẹ bị chiếu nhiều X quang, chích hay uống những thuốc kích thích tố, ma túy... Ta đã nghe nói về những lọai thuốc gây quái thai và tôi có dịp chứng kiến những bé sơ sinh bị lên cơn ghiền vì mẹ bé... ghiền ma túy!

Cho nên, không phải vô cớ mà người xưa ở Đông Phương ta đã tính tuổi con người kể luôn thời gian nằm trong bụng mẹ – tuổi ta – và đã có một quan niệm rất khoa học và nhân bản là thai giáo.

Người ta chia sự phát triển của bé ra nhiều thời ký. Mỗi thời kỳ có những đặc điểm riêng. Tuy không bé nào giống hệt bé nào nhưng cũng có điểm chung, có thể làm tiêu chuẩn đo lường sự phát triển của bé. Ta không đi sâu vào vấn đề quá chuyên môn, chỉ biết đại khái rằng y học phân chia:

− Thời kỳ bé còn trong bụng mẹ.

− Sơ sinh (từ lúc mới sinh đến lễ đầy tháng)

− Nhũ nhi (từ lúc đầy tháng đến 2 tuổi: phát triển rất nhanh chóng) − Trước tuổi đi học (từ 2 – 6 tuổi) phát triển chậm lại.

− Tuổi đi học. − Tuổi tiền dậy thì. − Tuổi dậy thì...

Và xét sự phát triển của bé trên ba phương diện:

− Sự phát triển tâm cơ (psychomoteur) như bé biết cử động đầu, biết lật, bò, đứng, đi, cười, nói...

− Sự phát triển trí thông minh; khó lòng xét đoán ở trẻ lối hai tuổi, nhiều trẻ có sự phát triển tâm cơ chậm nhưng phát triển trí thông minh bình thường. Người ta cũng nhận thấy sự thông minh tùy thuộc một phần vào môi trường sống, một phần là do bẩm sinh.

− Sự phát triển về xã hỗi và cảm xúc phần lớn là do thiên bẩm. Có bé trầm tĩnh, bé nóng nảy, bé lừ đừ, bé hoạt động... nhưng cũng có ảnh hưởng của môi trường, của kinh nghiệm cá nhân một phần.

Trung bình lúc mới sinh bé cân nặng khoảng 3kg – 3,5kg, (một bé nặng hơn 2,5kg cũng được coi là bình thường, dễ nuôi) và chiều cao là 50cm. Từ đó, nếu được nuôi nấng đầy đủ đúng phương pháp, có được tình thương của những người thân yêu, bé sẽ lớn đều. Lúc đầu rất nhanh, trong 3 tháng đầu, mỗi tuần trung bình bé nặng thêm 150 – 175gr (không nên cân mỗi ngày, mỗi tuần cân một lần cũng đã hơi nhiều). Sau đó chậm dần từ tháng thứ ba đến tháng thứ sáu, mỗi tuần chỉ lên 120 – 150gr. Khi được 4 – 5 tháng, thường bé đã nặng gấp đôi lúc mới sinh, và khi thôi nôi (12 tháng) bé nặng gấp ba. Về chiều cao trong năm đầu bé thêm được 20 – 25cm. Một vài tháng đầu sau khi sinh, mỏ ác (thóp) trước của bé lớn rộng thêm, do sự phát triển của não, sau đó rút nhỏ lại từ tháng thứ 6 và nhỏ dần cho đến tháng thứ 9, trung bình từ tháng 15 đến 18 mới cứng hẳn. Nhiều bà mẹ thấy bé 12 – 13 tháng mà mỏ ác còn mềm đã lo lắng lắm, tưởng là yếu xương nên mua thuốc bổ xương cho uống hoài! Nên để ý là trong năm thứ nhất bé thường có cái đầu to, to hơn ngực và cho đến 1 tuổi trở đi thì đầu và ngực mới bằng nhau, sau đó, ngực lớn dần rồi to hơn đầu.

Đầy tháng: Trải qua những va chạm không kém phần nguy hiểm trong lúc sinh,

tập sự sống trong môi trường không khí của chúng ta. Lễ đầy tháng mang ý nghĩa mừng bé sống sót đó.

Ba tháng đầu đời: Trong tháng đầu, bé sống gần như hoàn toàn theo bản

năng, ít tiếp xúc với ngoại giới. Bé nằm hơi co quắp lại – chắc là do thói quen của tư thế nằm trong bụng mẹ hay vì bé chưa tin cậy môi trường khí của chúng ta nên phải thủ thế? Bé có những phản xạ tự nhiên như có vật gì nhét vào lòng bàn tay thì nắm chặt lấy, có tiếng động mạnh bên tai thì co quắp cả người, cho nằm úp trên mặt bàn cứng thì tự động nghiêng đầu qua một bên cho dễ thở – Nếu ta thử giữ đầu bé chặt, bé tỏ ra bứt rứt, vùng vẫy để tuột ra. Nếu ta lấy ngón tay hay núm vú chạm nhẹ vào má bé là bé há miệng ra “đớp” liền. Khi bú xong, no nê, bé thường ngủ một giấc lâu, chỉ khóc khi bị đói, bị ướt. Cũng trong thời gian này, có bé thường bị đau bụng, hay khóc vô cớ làm bà mẹ khổ sở không ít. Bé cũng thường ngủ li bì ban ngày và ban đêm thức, khóc, bú, đái, ỉa... (chắc là để hành mẹ đây). Đầy tháng, bé có thể cử động cổ chút đỉnh, bớt co quắp tay chân. Ngay tuần lễ đầu, bé đã biết phân biệt ánh sáng và bóng tối. Đầy tháng ta thấy bé chăm chăm nhìn ánh sáng và mắt đã tinh anh. Hai tháng, bé đã dõi mắt nhìn theo ánh sáng. Ra nắng chói, bé nhắm cứng mắt lại. Khoảng 2 – 3 tháng bé đã biết có người chung quanh, bé cũng cảm được tình thương yêu của những người chung quanh, nhất là mẹ. Khi được mẹ bế lên là bé nín khóc, có vẻ ngoan ngoãn, bằng lòng, yên ổn. Hai tháng, để bé nằm úp thì đầu bé ngóc cao. Hai tháng rưỡi, bé cười với người đến, biết mừng đón; có thể lật qua được cái đít, nếu giúp sẽ qua luôn; ngẩng đầu cao – nhìn theo người đi. Và tuyệt diệu hơn hết là nụ cười đầu tiên của bé đáp lại sự trìu mếm của ta, vào cuối tháng thứ hai. Trước đó, bé cũng cười, nhưng cười tự nhiên, vô nghĩa, người ta gọi là “mụ bà” dạy, nhưng khi được hai tháng, bé cười đáp lại ta, nụ cười đã có ý nghĩa! Và cũng từ lúc đó trở đi, bé biết hóng chuyện rồi!

Bé hai tháng không chú ý đến người lạ, chỉ nhận ra mẹ thôi, nhưng ba tháng bé cười với người lạ.

Từ 3 đến 6 tháng:

Bé đã cứng hơn nhiều, đã có thể ngóc đầu và ngực cao hơn mặt bàn, nếu ta giúp bé chỏi (chống) tay tới trước. Khoảng 3 tháng, bé đã có thể lật dễ dàng nhưng cũng có bé chậm, đến 4 tháng mới biết lật. Ở Âu Mỹ, trẻ biết lật chậm hơn, trung bình khoảng 5 – 6 tháng. Nói chung, các bé mảnh khảnh, hoạt động, biết lật, biết bò, biết đi sớm hơn các bé bụ bẫm, trầm tĩnh, chậm chạp. 6 tháng, bé thường chuyền một vật từ tay này sang tay kia. Bé cũng có thể ngồi được nếu ta đỡ tay vịn bé. Khoảng 4 tháng, bé đã cười thành tiếng và thích có người chơi với bé, biết chú ý nhiều đến những người chung quanh và biết mừng mẹ, là người bé gần gũi nhất.

Trong khoảng thời gian này cần để ý đến bé nhiều hơn, sơ hở một tí, bé có thể lăn nhiều vòng lọt xuống giường mau đến nỗi ta không ngờ! Không nên tập bé ngồi sớm quá, rất có thể sẽ bị vẹo xương còng lưng đó!

Từ 6 đến 12 tháng:

6 tháng bé ngồi đã vững và chừng một tháng sau là bé đã biết trườn. Bé có thể trườn tới một vật ở xa xa và chụp lấy, 8 tháng thì hầu hết bé đã biết bò, nhưng cũng có bé trể hoặc sớm hơn, xê xích một vài tháng không phải là điều quan trọng. Có bé còn bỏ bò, nghĩa là không trải qua gia đoạn này mà tập đứng và đi luôn. Bé nào biết

bò sớm thì thường chậm biết đi và bé nào bỏ qua giai đoạn bò thường biết đi sớm hơn. Bé bò đủ kiểu, bò lui, bò tới, bò bằng đầu gối hoặc bò bằng hai chân. 9 tháng có bé đã đứng “chựng” được nếu vịn tay bé và cũng đã có thể bước vài bước.

Bé sử dụng các ngón tay khá thành thạo trong khoảng thời gian này, từ 6 đến 9 tháng. 9 tháng, bé biết thả một vật rồi nắm lại và 12 tháng bé biết trao một vật cho ta.

Bé biết bắt chước rất sớm, 9 tháng đã có thể “bai bai” và dơ tay ra bắt tay ta. Từ 6 tháng trở đi, bé biết nói vài tiếng ba ba, ma ma, đa đa... và khoảng 8 – 9 tháng đã chú ý khi nghe gọi tên.

Trong khoảng từ 9 – 12 tháng, bé thường đã đứng chựng một mình, nhưng có bé chậm trễ hơn, thường là các bé to mập và trầm lặng. Khi mới biết đứng, bé ham lắm, đứng được rồi không biết làm sao ngồi xuống, loay hoay, sợ hãi, và chỉ một lúc ta thấy bé có vẻ mệt rồi! Nhưng khi giúp bé ngồi xuống, tức khắc bé lại đứng lên sau đó, bé lần đi, vịn hai tay vào thành giường, rồi vịn một tay, lần lần vịn vách tập đi. Đến một lúc nào đó, thấy mẹ vỗ tay gọi, bé quên đang lần vách, bỏ tay chạy lại ôm mẹ. Đó là lần đầu tiên bé đã biết đi. Bé ham đi lắm, bắt ba má dắt tay cho đi hoài. Ba má sẽ mệt đừ về vụ này nhưng bé hình như không bao giờ biết mệt cả.

Trung bình bé biết đi khi giáp thôi nôi (12 tháng), có khi đến 15 tháng mới biết đi, nhưng vẫn bình thường về mọi phương diện. Lúc bé mới tập đi, ta có thể cho bé dùng loại xe tập. Xe có 4 bánh, xoay mọi chiều được. Bé ngồi trong xe, thòng 2 chân xuống, chỏi (chống) chân mà đi. Có người không thích loại xe này sợ bé sẽ bị đi chân vòng kiềng hay chữ bát. Theo kinh nghiệm riêng, tôi thấy không có gì hại, trái lại đỡ mệt cho cha mẹ. Cũng phải coi chừng xe lật khi vấp và coi chừng bé va đầu vào cạnh bàn, cạnh tủ.

Có bé biết đi rồi bị bệnh một trận lại không đi được nữa, phải cả tháng sau mới tập đi lại. Ta phải bình tĩnh và kiên nhẫn giúp bé. Có bé vì té đau, hoảng không dám đi nữa, vài tuần sau quên hẳn mới đi lại được.

Khoảng một tuổi, bé đã nói được vài tiếng có ý nghĩa. Nhiều bé chậm nói nhưng trí thông minh vẫn bình thường, có khi còn có thiên bẩm đặc biệt nào đó! Đừng quá lo lắng và đừng cho rằng bé “cù lần”. Nói sớm hay chậm một phần là do bản tính bé, một phần do môi trường xung quanh. Một bé bản tính “xí xọn” thường nói sớm, trái lại, một bé trầm tĩnh, thích quan sát, ngắm nhìn hơn là phát biểu thì nói chậm là lẽ dĩ nhiên. Người ta cũng thường thấy con gái biết nói sớm hơn con trai! (nói sớm và nói nhiều nữa chứ!). Có bé phát âm rất rõ ràng, có bé nói ngọng. Phần lớn lúc đầu nói ngọng ít nhiều rồi từ từ nói rõ hơn. Có thể do lưỡi bé hoặc do bộ phận phát âm ở thanh quản. Chịu khó tập một thời gian bé sẽ khỏi. Ngược lại, có bé đã lớn rồi, đã nói rành rẽ rồi mà cũng còn nói ngọng để nhõng nhẽo với bá má, và ba má lấy làm khoái trá cho cái “bé bỏng” của con mình thì thực là tai hại!

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm cho các bà mẹ sinh con đầu lòng (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(173 trang)
w