Trung bình cứ mười bé chào đời thì có một bé “chào” sớm hơn thiên hạ, nghĩa là trước 9 tháng 10 ngày, và cứ 10 bé tử vong trong tháng đầu tiên thì đã có 5 bé vì sinh thiếu tháng.
Trên “nguyên tắc”, những bé nào nặng từ 2kg5 trở xuống thì gọi là sinh thiếu tháng, nhưng ta phân biệt 2 trường hợp:
− Có những bé sinh đủ tháng mà vẫn chỉ nặng có 2kg5 hay dưới 2kg5 vì sinh đôi, vì cha mẹ nhỏ con, vì trong lúc mang thai bà mẹ kiêng cữ quá đáng bị thiếu dinh dưỡng... - gọi là trẻ yếu đuối, trẻ nhẹ cân.
− Và trường hợp kia, thiếu tháng thực sự, thường gọi là trẻ sinh non.
Tuy vậy, bất cứ trường hợp nào bé sinh cân nặng dưới 2kg5, đều phải được chăm sóc một cách đặc biệt, ít ra là trong vài tháng đầu. Trong thời gian đó, bé rất dễ bị nhiễm trùng và một bệnh thông thường đối với một bé bình thường cũng sẽ trở thành rất nặng đối với một bé sinh thiếu tháng. Mặt khác, bé sinh thiếu tháng cũng dễ bị chứng xuất huyết não và ở các cơ quan khác rất nguy hiểm.
Nếu bé sinh tại một bệnh viện hay trạm y tế hộ sinh thì không có gì đáng ngại, ở đó đã có bác sĩ, nữ hộ sinh, các điều dưỡng chuyên môn lo săn sóc cho bé từ lúc mới sinh cho tới lúc bé đủ sức về nhà với ba má. Bé sẽ được nuôi trong một lồng ấp với nhiệt độ thích hợp để không bị lạnh, dưỡng khí vừa đủ cho bé thở và sữa mẹ hoặc thức ăn được bơm qua một ống thông đưa tới bao tử. Bé sẽ được ở riêng một nơi không bị nhiễm trùng, do các nhân viên không đau ốm chăm nom. Tất cả những sự săn sóc đặc biệt đó dành cho bé sinh thiếu tháng nhằm tránh cho bé những nguy hại và giúp bé vượt thoát những khó khăn ban đầu để tiếp tục sống bình thường. Một bé sinh thiếu tháng, các bộ máy hô hấp nhân tạo, tiếp hơi cho bé. Bé cũng không biết nút hay nút không nổi, và dạ dày chưa tiểu nổi sữa nên vài ngày đầu bé phải được bú mẹ hoặc phải nuôi bé bằng ống thông vào dạ dày. Bé lại không chịu nổi lạnh, nên bé phải được ủ ấm ngay tức khắc và đặt vào lồng ấp với nhiệt độ thích hợp. Có lẽ đây là lý do giải thích tại sao người mình có tập quán cho sản phụ nằm lửa cả tháng để bé cứng cáp dễ nuôi! Rất có thể ngày trước trẻ sơ sinh của ta thường rất bé nhỏ dù đủ tháng (vì thiếu dinh dưỡng?) nên nằm lửa là một cách ủ ấm cần thiết cho bé.
Trong trường hợp sinh tại nhà – ở thôn quê chẳng hạn, ta cũng cần biết chút đỉnh cách săn sóc đặc biệt, dành cho bé sinh non để áp dụng.
Khi bé vừa sinh ra, nên ủa ấm ngay cho bé, trước cả việc cắt rún nữa. Rún chỉ cắt khi đã hết đập hẳn, để bé nhận thêm một phần máu của nhau mẹ truyền sang. Bé phải được hút đàm nhớt cẩn thận để thông đường hô hấp, sau đó tiếp tục ủ ấm cho bé. Tránh động chạm bé nhiều và người phụ trách nuôi bé phải không bệnh hoạn gì dù là cảm cúm thông thường. Ngay khi bé nút được thì bắt đầu cho bé bú sữa mẹ. Nếu không nút được thì nặn sữa mẹ ra đổ cho uống. Sữa mẹ trong trường hợp này rất cần thiết. Tháng thứ 4 trở đi mới được bú sữa bò và cũng dùng loại sữa đã lấy bớt chất béo hay một loại sữa dễ tiêu nếu thiếu sữa mẹ.
Bé sinh non thưởng vàng da, vàng sậm và lâu hơn bé khác nhưng không phải là đau gan (dầu sao cũng nên khám bác sĩ nếu thấy cần). Trong ba ngay đầu không nên tắm cho bé. Giới hạn sự thăm viếng để tránh nhiễm trùng. Bé rất dễ chết vì một bệnh nhiễm trùng nhẹ. Trong suốt tuần lễ đầu, bé sút cân; tuần thứ hai, vẫn y một chỗ và cuối tuần thứ ba, bé mới cân nặng bằng lúc mới sinh, như vậy là chậm nhiều so với bé bình thường vì bé bình thường vào ngày thứ 10 đã nặng bằng lúc mới sinh rồi. Tuy vậy, khi bé đã được 2, 3 tháng, qua cơn nguy hiểm rồi, bé rất mau lớn, bắt kịp dễ dàng các bé khác.
Nếu trong tháng đầu bé sinh thiếu tháng cần được chăm sóc, bảo bọc đặc biệt thì lúc bé đã trở lại bình thường, ta cần chăm sóc và đối đãi với bé như bất cứ trẻ bình thường nào khác. Khi bé đã năng hơn 3kg, thì bé đã dễ nuôi. Thường ba má bé vẫn lo lắng, sỡ hãi từng ly từng tí, và lúc nào trong đầu óc cũng vẫn ám ảnh bé là trẻ sinh non, do đó thường có sự chăm nom quá đáng. Đây là một thành kiến sai lầm và gây tai hại cho bé, làm cho bé có mặc cảm và dễ trở thành một đứa con... hư!
Phương pháp “Kanguru” chính là giúp bé được sưởi bằng hơi ấm của mẹ, và được bú thường xuyên sữa mẹ vậy!