Chương 34 Bé mửa

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm cho các bà mẹ sinh con đầu lòng (Trang 100)

Bé nóng hay ho hen chút đỉnh ta có thể bỏ qua, nặng hơn một chút mới mới lo thầy lo thuốc, nhưng khi bé bị nôn mửa, ta không thể nào đứng yên mà ngó được.

Lúc đó bé có vẻ bứt rứt, ọe vài tiếng, bụng co thắt lại rồi bé mửa thốc tháo ra. Mửa như vậy chừng vài lần là bé mệt lả người, thất thần, thở khó khăn và da xanh mét lại. Trước tình trạng đó không người mẹ nào mà không hốt hoảng, lo sợ.

Mửa và sựa:

Người ta phân biệt trước hết mửa sựa. Ta thấy có những bé bú xong một lúc lại “sựa” ra, nhưng trường hợp này bé không mệt, không phải ráng sức và sau đó vẫn chơi như thường. Có bé lại như có thói quen, sựa một chút sữa để “nhai lại” chơi cho đỡ buồn và trường hợp này cũng không gọi là mửa. Mửa là bé nôn ra thức ăn đã được tiêu hóa một phần trong dạ dày, thường là sữa đóng cục.

Chứng mửa thông thường ở bé sơ sinh:

Trường hợp thông thường nhất ở trẻ sơ sinh là bé mửa sau khi bú xong, hoặc do cách pha sữa không đúng cách hoặc người mẹ chưa có kinh nghiệm cho con bú. Trong các trường hợp này, bé mửa thường thường nhưng không mệt, vẫn lên cân, vẫn chơi, không đáng ngại.

Các bà mẹ đều biết mỗi lần bú xong, không nên đặt bé nằm ngay mà phải dựng bé lên cho sữa xuống đã. Có bà còn vuốt bụng bé (như người ta vuốt giận vậy), vỗ vỗ lưng bé cho sữa xuống mau, đợi cho bé ợ hơi một cái khoái trá rồi mới đặt bé xuống ngủ. Trường hợp bú sữa bò phải pha chế đúng phân lượng, pha loãng quá bé dễ mửa, pha đặc quá khó tiêu, cũng mửa. Khi cho bú phải dựng đứng bình sữa để bé không bị nuốt quá nhiều hơi vào bao tử. Bú xong cũng phải xốc bé dậy, vuốt cho bé ợ hơi như trên. Nếu bé bú sữa mẹ mà bị mửa thì cho ăn dặm thêm một bình sữa bò cũng hết.

Đây là trường hợp mửa thông thường, nhưng cũng thường gặp và các bà mẹ sinh con đầu lòng thiếu kinh nghiệm lo lắng không ít.

Mửa vì nghẹt ruột:

Trường hợp bị nghẹt ở chỗ nào đó trong ống tiêu hóa, bé cũng mửa mà mửa cách khác. Thường là chứng nghẹt ở cuống bao tử (chứng hẹp môn vị phì đại). Ở đó, lớp niêm mạc và cơ vòng quá dầy, làm nghẽn đường lưu thông của sữa. Bệnh thường xảy ra ở bé trai. Sau khi sinh vài ba tuần lễ là bắt đầu mửa. Bé bú xong chừng 15 phút hay nửa giờ bỗng mửa mạnh, mửa có vòi. Trong nhiều ngày, bé gầy ốm đi vì đói. Thỉnh thoảng thấy ruột co thắt lại thành từng cục chạy qua lại ở bụng, khám có thể sờ thấy cục cứng chỗ nghẹt đó.

Trường hợp này phải đưa bé đến bệnh viện để mổ. − Mửa và nóng:

Trường hợp bé nóng và mửa thì cần phải khám bác sĩ mới xong, bởi có rất nhiều bệnh nguy hiểm bắt đầu các triệu chứng đó. Các bệnh thông thường như cảm cúm, ho gà, trúng thực bé mửa đã đành, bệnh sốt xuất huyết bé cũng mửa, viêm não, viêm màng não cấp tính, lao màng não cũng mửa. Vì thế, trong những trường hợp mửa mà có nóng thì phải đi khám bác sĩ sớm, không được chần chờ.

Những nguyên nhân khác:

Ngoài ra bé cũng có thể mửa vì không chịu một thứ sữa hay một thức ăn nào đó và mửa vì nguyên nhân tâm lý: nhiều bé mỗi lần nổi giận là mửa, sau đó lại bình

thường ngay.

* * *

Tóm lại:

− Nhiều khi, ở trẻ sơ sinh chứng mửa rất thông thường, dễ chữa, chỉ cần thay đổi cách pha sữa hay làm vài “thủ thuật” cũng đủ chữa bệnh này.

− Chứng mửa mà có nóng thường nguy hiểm, phải khám bác sĩ.

− Thuốc cầm mửa rất nhiều thứ nhưng phần nhiều cũng rất độc, dễ lậm thuốc, trúng thuốc. Không bao giờ nên uống tam xà đởm hay sái phiện để cầm mửa. − Lúc bé mửa tạm ngưng các thức ăn, thức uống, cho ruột bé nghỉ ngơi. Sau đó, 15 phút, nửa giờ, cho uống lại chút nước – ít thôi – và nước ướp lạnh càng tốt. Cho ăn chút cháo đặc – hoặc vài múi cam – Nếu bé không mửa nữa, dần dần cho ăn lại bình thường.

− Nhớ nghiêng đầu bé xuống thấp cho bé mửa rồi cho bé nằm nghiêng để không bị ngộp thở vì chất mửa chui vào cuống phổi.

*

Gần đây, tôi có dịp khám cho một bé 7 tháng tuổi bị “Hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản” đã được khám điều trị nhiều nơi và đã làm siêu âm chẩn đoán ở bệnh viện. Tôi ngạc nhiên thấy bé vẫn khỏe, hồng hào, bụ bẫm. Hỏi kỹ về chế độ dinh dưỡng mới biết do mẹ bận đi làm, cha thất nghiệp ở nhà nuôi con đã cố gắng “nuôi con giỏi” bằng cách pha sữa thật cô đặc cho bé mau lớn. Bé uống vào lần nào cũng bị ói mửa. Được hướng dẫn kỹ cách pha sữa đúng lượng, cho ăn dặm đúng cách, bé khỏi bệnh chỉ trong một tuần lễ. Gia đình rất ngạc nhiên vì trước đó nghe chẩn đoán là “Hội chứng trào ngược” đã lo lắng mất ăn mất ngủ, đã nghĩ tới chuyện phải mổ xẻ gì ghê gớm lắm! Cần biết rằng ngay khi chẩn đoán xác định là trẻ bị “Hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản” thì cũng theo dõi, chữa nội khoa, dinh dưỡng là chủ yếu, bất đắc dĩ mới phải can thiệp phẫu thuật.

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm cho các bà mẹ sinh con đầu lòng (Trang 100)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(173 trang)
w