Chương 52 Sốt bại liệt

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm cho các bà mẹ sinh con đầu lòng (Trang 138)

Quả thực tôi ngạc nhiên khi cô y tá mở cửa phòng đưa ông khách vào – trên tay ông đang bồng đứa bé khoảng 2 tuổi – vì lúc nãy nghe tiếng ông ở bên ngoài tôi cứ tưởng là một ông “nhà quê” nào đó thôi, bây giờ rõ ràng ông ta là một người có vẻ trí thức. Lúc nãy tôi nghe ông nói với cô y tá, giọng tức giận như sẵn sàng làm to chuyện: Con tôi bị nóng sơ sơ, má nó mang đi bác sĩ chích về bị xụi đi không được nữa! Chắc bị chích trúng gân rồi...!

Đó là một bé trai, rất kháu khỉnh, bụ bẫm, đúng 2 tuổi, nhiệt độ 37°C chỉ bị “xụi” một chân, chân trái. Tôi cởi bỏ quần áo bé và đặt bé nằm trên giường khám. Gõ phản xạ hai đầu gối: nhảy đều. Véo nhẹ hai bên chân: co rụt mạnh và bé khóc lớn! Lật xem chỗ chích ở mông: vết chích đúng vị trí nhưng còn nổi một cục cứng, chứng tỏ thuốc chưa tan. Tôi thở một cái phào, nhẹ nhõm.

− Cháu không bị bại liệt! Cháu chỉ bị đau chỗ chích nên không chịu đi hoặc đi hơi khó khăn chút thôi!

Từ nãy giờ ông khách chăm chú xem tôi khám bệnh, có vẻ hết sức lo lắng, căng thẳng, bây giờ nghe tôi nói xong, ông cũng thở một cái phò:

− Hú hồn! Cám ơn bác sĩ, tôi chỉ có mỗi mình nó. − Vậy sao ông không lo ngừa sốt bại liệt cho bé đi?

− Tôi bận qua, bây giờ bác sĩ cho ngừa luôn được không?

− Chưa được ông ạ! Em còn đang nóng, phải đợi bé hết cơn bệnh rồi đến y tế xin thuốc uống ngừa bại liệt.

*

Tôi chắc các vị đồng nghiệp không ai là không có dịp nghe những lời trách móc, bắt đền như vậy của các bà mẹ. Trường hợp kể trên là trường hợp may mắn, còn phần lớn những vụ “bắt đền” như vậy bé đều đã bại xụi thật sự. Bà mẹ khóc rấm rứt mãi, cứ đổ lỗi cho ông bác sĩ nọ chích trúng gân con mình. Bé mới nóng hôm qua, sáng ngày mang đến bác sĩ X chích một mũi về xụi luôn! May mắn cho ông bác sĩ nào chích chân phải mà xụi chân trái thì còn đỡ, chứ...

* Thực ra, có một chút kiến thức về cơ thể học cũng không bao giờ chích trúng gân, nhưng loại siêu vi trùng sốt bại liệt thì không cần chích cũng dư sức làm cho é bị trúng gân và bại liệt dễ dàng, chỉ cần sau một vài ngày nóng “cảm” sơ sài!

Cái loại siêu vi trùng đó thực là kỳ lạ! Chúng vào cơ thể ta bằng ngã tiêu hóa (được xếp vào loại siêu vi trùng đường ruột) lại khoái tấn công sừng trước của tủy sống, tàn phá các tế bào thần kinh vận động ở đó một cách nhanh chóng, khiến cho một bé đang bụ bẫm khỏe mạnh, chỉ nóng sốt chút đỉnh vài ngày rồi thình lình liệt, đi không được nữa! Trước đó bé có thể đã nóng, sổ mũi sơ sơ vài hôm, tiêu chảy chút đỉnh, bứt rứt khó ngủ, ta tưởng chỉ là một chứng bệnh cảm cúm thông thường, ít khi để ý; cũng có thể bé bị đỏ mặt, nhức đầu, đau nhức các bắp thịt ở cổ, ở lưng, ở tay chân nhưng các triệu chứng đó mơ hồ quá, ít khi gây cho ta một chút quan tâm. Thường thường thì sau một vài ngày nóng cao độ rồi như một thiên tai giáng xuống thình lình tàn nhẫn: bé không còn đi được nữa! Khám lúc đó thấy bé bị liệt, thường ở một chân, có khi hai nhưng không đều nhau, chân yếu, chân mạnh. Có khi liệt một cánh tay, liệt một dây thần kinh mặt làm méo miệng hay dây thần kinh mắt làm lé mắt. Thông thường nhất là liệt một chân. Phản xạ đầu gối không còn nữa. Bé không

đứng được, không đi được, cũng không ngồi được nữa. Có khi bị bí tiểu tiện, nhưng vẫn biết đau. Ngắt véo bé biết đau, biết khóc mà không co rút chân lên được để tránh. Chỉ cần một dấu chứng đó thôi đủ xác định là bé bị sốt bại liệt rồi. Nhưng có những trường hợp thương tâm hơn: tôi đã có dịp chứng kiến những trường hợp bé chết lần lần vì sốt bại liệt mà đành bó tay không làm gì được cả. Lúc đầu bé xụi hai chân, dần dần không tiểu tiện được, lát sau bé thở khó khăn, và chết từ từ trong khi vẫn tỉnh táo hoàn toàn. Đó là trường hợp siêu vi sốt bại liệt tấn công dần từ dưới lên trên hay tấn công ngay vùng hành tủy, trung tâm sự sống.

* Cho đến ngày nay, y học chưa có thuốc trị bệnh sốt bại liệt, cái thứ bệnh nguy hiểm mà xưa rích đó. Những hình chụp bộ xương các xác ướp Ai Cập cho thấy đã có người bị sốt bại liệt! Ở các nước tiên tiến, bệnh thường xảy ra ở thanh thiếu niên hay người lớn nhưng ở các nước “đang phát triển” như nước ta, bệnh chỉ xảy ra ở trẻ em đến 3, 4 tuổi và nhiều khi rất sớm! Có những bé mới 2 tháng, 3 tháng đã mắc bệnh rồi! Như thế không phải là bệnh “né” tuổi thiếu niên và người lớn chúng ta đâu. Thực ra có thể nói chúng ta đều đã mắc bệnh đó cả rồi, nhưng chỉ bị nhẹ thôi. Và trong cơ thể các trẻ em từ 4, 5 tuổi trở lên đều đã có các kháng thể chống lại siêu vi sốt bại liệt đó. 90% các trường hợp bị bệnh sốt bại liệt dưới hình thức nhẹ, nghĩa là sau vài ba ngày nóng cảm sơ sơ, bệnh khỏi ngay, không tiến đến tình trạng bại xụi! Nhưng dù chỉ khoảng 10% bé sốt bại liệt bị liệt thực sự thôi, vẫn là điều rất đáng cho ta quan tâm, bởi vì hy vọng khỏi bệnh thật mong manh. Cũng có những trường hợp may mắn, chứng bại xụi hết dần và bé lại đi được như xưa, nhưng rất hiếm, còn thường thì bị xụi chân, phải mang tật suốt đời. Vài ngày sau khi bị liệt, một số các bắp thịt hoạt động trở lại nhưng một số khác bị teo nhỏ lại. Tới lúc đó chỉ còn có cách cho bé mang một loại giầy đặc biệt và nhờ một trung tâm chỉnh hình huấn luyện (vật lý trị liệu). Các phương pháp chạy điện, châm cứu... tỏ ra không mấy hiệu quả. Như đã nói là có một số trường hợp may mắn tự nhiên khỏi bệnh. Đó là các trường hợp mà một vị bác sĩ hay một ông thầy nào đó may mắn vớ trúng sẽ nổi tiếng như cốn!

* Chỉ có một cách chắc chắn để chữa bệnh sốt bại liệt là tránh nó đi. Ngày nay đã có thuốc ngừa hiệu nghiệm.

Có thứ chích và thứ uống. Bé phải được chích hay uống ngừa bại liệt rất sớm, ngay từ lúc được 1 tháng tuổi vì đã có trường hợp bị sốt bại liệt ở trẻ 2 tháng. Thuốc chích dưới da, gồm 3 mũi, 1ml, cách nhau từ 3 tuần đến 2 tháng, tốt nhất là cách 1 tháng. Năm sau chích lại 1ml5 và 3 – 4 năm sau chích lại lần nữa một mũi duy nhất để “nhắc nhở”.

Loại uống giản dị và cũng rất hiệu nghiệm. Các trạm y tế đều có thuốc ngừa sốt bại liệt cho trẻ em, chúng ta nên theo đúng lịch chủng ngừa của y tế cơ sở, không nên viện cớ này khác tránh cho bé một rủi ro đáng tiếc!

Ghi chú:

Từ năm 2000, Việt Nam thông báo đã thanh toán bệnh bại liệt. Tuy nhiên gần đây, tình hình có vẻ đáng lo ngại trở lại, không chỉ ở nước ta mà trên toàn thế giới, nên từ năm ngoái đã phải cho trẻ uống phòng ngừa bại liệt theo như trước kia.

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm cho các bà mẹ sinh con đầu lòng (Trang 138)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(173 trang)
w