IV. KỸ THUẬT TRỒNG TRỌT 4.1 Giống
4.2. Thời vụ Chế độ canh tác
4.2.1 Thời vụ
* Cơ sở xác định thời vụ gieo trồng.
Xác định điều kiện khí hậu và thời tiết phù hợp với yêu cầu phát sinh phát triển của cây lạc: Cơ sở xác định thời vụ trồng lạc là điều kiện tự nhiên, chế độ canh tác và giống lạc trồng.
Trong những yếu tố khí hậu ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển và năng suất lạc thì nhiệt độ không khí và lượng mưa có ảnh hưởng rất lớn. Ở các vùng nhiệt đới (Ấn Độ, Xênêgan, Nigiêria...) nhiệt độ trung bình không khí quanh năm thay đổi ít thì chế độ mưa là yếu tố tự nhiên quan trọng nhất chi phối thời vụ lạc. Ở những nước này, thời vụ lạc được gieo vào đầu mùa mưa và thu hoạch vào cuối mùa mưa. Vùng có mùa mưa dài thì bố trí giống dài ngày và ngược lại. Ở Việt Nam, các yếu tố khí hậu chi phối chặt chẽ thời vụ gieo lạc.
* Thời vụ trồng lạc ở các tỉnh phía bắc.
Các tỉnh phía Bắc bao gồm Vùng Đồng Bằng, Trung du Bắc Bộ và Khu 4 cũ (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh) chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông bắc, có mùa mưa nóng ẩm (tháng 5-10) và mùa khô lạnh (tháng 11- 4 năm sau) nên yếu tố khí hậu chi phối thời vụ trồng lạc bao gồm cả chế độ nhiệt và chế độ mưa. Ngoài ra, phần lớn diện tích trồng lạc ở Miền Bắc nằm trong vùng sản xuất lúa với chế độ luân canh chủ yếu: lạc xuân - lúa mùa. Vì vậy bố trí thời vụ trồng lạc còn phải quan tâm tới thời vụ cấy lúa - cây trồng sau của lạc.
* Đặc điểm thời tiết khí hậu chủ yếu của vụ lạc xuân ở các tỉnh phía bắc: - Hạn và rét ở thời kỳ đầu sinh trưởng, nhưng nhiệt độ không khí tăng dần. Số giờ nắng thấp ở giai đọan đầu.
- Khi ra hoa, có khả năng bị hạn nhất là với thời vụ sớm và trong các năm mưa muộn.
- Thời kỳ ra hoa-chín: Nhiệt độ, số giờ nắng, lượng mưa tăng dần, thuận lợi cho sinh trưởng dinh dưỡng và cho cả quá trình ra hoa-làm hạt.
- Vùng khu 4 cũ (Thanh Hoá-Hà Tĩnh) còn bị ảnh hưởng gió tây (gió Lào) xuất hiện từng đợt vào các tháng 5-6-7. Gió lào khô và nóng làm cây rễ bị hạn do mất nước, vùng hạn càng bị tác hại nghiêm trọng. Nhiệt độ quá cao trong những ngày có gió lào làm giảm tỷ lệ hoa có ích, ảnh hưởng xấu tới quá trình sinh trưởng và chín của hạt.
Kết quả của các thí nghiệm thời vụ ở trường ĐH Nông Nghiệp I (1965- 1980), Trại đậu đỗ Định Tường và Trại nghiên cứu Nghi Kim (Viện KHNN, Việt Nam) cũng như trong thực tiễn sản xuất đã cho kết luận: Thời vụ trồng lạc xuân tốt nhất của các tỉnh từ Nghệ An- Hà Tĩnh trở ra Bắc là trong tháng 2 dương lịch. Ở thời vụ này, khi gieo gặp nhiệt độ tương đối ổn định (>200C), lạc ra hoa vào tháng 4 - bắt đầu mùa mưa, nhiệt độ cao và nắng nhiều, thu hoạch vào cuối tháng 6, trước khi bước sang tháng 7 - tháng bắt đầu có mưa lớn.Vùng Thanh-Nghệ Tĩnh nên gieo sớm hơn để hạn chế ảnh hưởng của gió Lào. Với thời vụ này, tổng thời gian sinh trưởng của vụ lạc khoảng 120-135 ngày, trong đó thời kỳ sinh trưởng dinh dưỡng 35-45 ngày, thuận lợi cho quá trình phân hoá mầm hoa và tích luỹ chất khô của lạc.
* Đặc điểm khí hậu thời tiết vụ lạc thu, đông ở Miền Bắc:
Lạc thu gieo tháng 7-8, thu hoạch tháng 11-12. Vụ lạc đông gieo tháng 8-9, thu hoạch tháng 12-1. Vụ lạc thu, đông có những đặc điểm khí hậu sau.
Thời kỳ đầu sinh trưởng gặp nhiệt độ cao (30-35 C) nên thời gian sinh trưởng cũng bị rút ngắn 20- 25 ngày so với vụ xuân, do đó chất khô tích luỹ thấp, số hoa quả cũng thấp hơn so với vụ xuân.
Thời kỳ sinh trưởng cuối thường gặp rét và hạn, nhất là ở thời kỳ chín, do đó làm giảm trọng lượng quả và hạt. Những điều kiện khí hậu trên đã dẫn đến năng suất cá thể của vụ lạc thu, đông thấp hơn nhiều so với vụ lạc xuân.
+ Thời vụ trồng lạc ở các tỉnh phía Nam
Yếu tố tự nhiên chủ yếu chi phối thời vụ là chế độ mưa. Ở một số nơi có mùa mưa kéo dài (6-8 tháng), thường trồng 2 vụ/năm. Ở các tỉnh miền Đông Nam bộ (Tây Ninh, Sông bé, Tây Nguyên...) vụ lạc chính (vụ 1) gieo vào tháng 3-4, nói chung gieo vào đầu vụ có mưa và thu hoạch vào giữa vụ mưa (tháng 7- 8). vụ 2 gieo vào giữa mùa mưa (tháng 7- 8), thu hoạch vào cuối vụ mưa (tháng 10-11), vụ này diện tích trồng tương đối ít (chủ yếu trồng ở 1 số vùng đất cao). Ngoài ra, còn 1 vụ lạc gieo và thu hoạch trong mùa khô. Vụ này thường phổ biến ở vùng đất thấp có mực nước ngầm tương đối cao.