số quốc gia
1.4.5.1. Công nghiệp hóa và xác định cơ cấu kinh tế của Ấn Độ
Chiến lược công nghiệp hóa và phát triển kinh tế của Ấn Độ đặt mục tiêu: tăng trưởng kinh tế vững chắc; hiện đại hóa nền kinh tế; công bằng xã hội; xóa đói giảm nghèo. Để thực hiện mục tiêu đó, Ấn Độ đã đề ra phương hướng phát triển các ngành kinh tế quốc dân như sau:
- Ưu tiên hàng đầu cho phát triển nông nghiệp. Thực hiện cách mạng xanh để giải quyết vấn đề lương thực, tạo tiền đề cho công nghiệp hóa.
- Hướng ưu tiên khác là phát triển công nghiệp đa dạng, chú trọng xây dựng các ngành trụ cột như sắt thép và các ngành mũi nhọn (điện tử, tự động hóa) tiếp đến là khai thác dầu mỏ, than đá, phân bón…
- Nhà nước cũng dành sự quan tâm cao cho việc phát triển hệ thống thủy lợi, đường bộ, đường sắt, bến cảng và hệ thống giáo dục, y tế.
Những ưu tiên chiến lược này không phải lúc nào cũng có được vị trí như nhau, tùy theo tình hình và điều kiện cụ thể của mỗi thời kỳ mà lĩnh vực này được coi trọng hơn lĩnh vực kia. Ví dụ, kế hoạch 5 năm lần thứ nhất thì đặt ưu tiên phát triển nông nghiệp; còn các kế hoạch 5 năm lần thứ hai và thứ ba thì đặt ưu tiên phát triển công nghiệp nặng: sắt thép, dầu lửa, chế tạo máy… Tiếp đó, kế hoạch lần thứ tư, thứ năm lại đặt ưu tiên phát triển nông nghiệp. Ngày nay, Ấn Độ vẫn chú trọng ưu tiên phát triển nông nghiệp, nhưng kết hợp với hiện đại hóa công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của hàng hóa. Riêng lĩnh vực khoa học và công nghệ luôn luôn được khẳng định là hướng ưu tiên cơ bản nhất, xuyên suốt quá trình công nghiệp hóa, cần phải được thực hiện trong tất cả các ngành kinh tế quốc dân. Cách mạng xanh với việc áp dụng khoa học - kỹ thuật mới về giống, thủy lợi, phân bón… là một biểu hiện cụ thể trong lĩnh vực này.
Trong thời kỳ đầu, Ấn Độ ít chú ý đến xuất khẩu, đây là một sai lầm, gây nhiều bất lợi cho phát triển. Từ năm 1970, Ấn Độ đã coi xuất khẩu là một ưu tiên của quốc gia và đã tăng cường vốn, kỹ thuật và lao động lành nghề cho các ngành sản xuất xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, cơ cấu xuất khẩu thay đổi theo hướng giảm dần sản phẩm thô, tăng sản phẩm chế biến. Một số ngành xuất khẩu chủ chốt: cơ khí, hóa chất, dầu mỏ chiếm tới 18% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu đang tác động mạnh đến phát triển kinh tế của đất nước. Hiện nay, Ấn Độ là nước có tốc độ phát triển cao trong nhóm BRICs.
1.4.5.2. Công nghiệp hóa và xác định cơ cấu kinh tế Hàn Quốc
Thời kỳ đầu của công nghiệp hóa, Hàn Quốc theo đuổi chính sách thay thế nhập khẩu. Hàn Quốc đã tập trung sức phát triển công nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng các ngành sản xuất xi măng, lọc dầu, phân bón và một số ngành công nghiệp nhẹ như dệt, may mặc.
Chiến lược này không làm thay đổi nền kinh tế được bao nhiêu. Chính phủ Hàn Quốc đã nhanh chóng chuyển sang chiến lược hướng về xuất khẩu, các ngành xuất khẩu trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy nền kinh tế phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân 40%/năm trong suốt thập kỷ 70. Bắt đầu bằng xuất khẩu các sản phẩm sử dụng nhiều lao động, sau đó chuyển dần sang một số ngành công nghiệp nặng và các ngành có hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao như công nghiệp đóng tàu, luyện thép, chế tạo ô tô, điện tử, hóa chất. Cơ cấu xuất khẩu thay đổi nhanh chóng. Năm 1979, xuất khẩu sản phẩm thô chỉ còn 10,1%, sản phẩm công nghiệp nhẹ 51,4% và sản phẩm công nghiệp nặng 38,5%. Trong giai đoạn này, cơ cấu kinh tế đã có sự thay đổi mạnh. Sản phẩm nông nghiệp giảm rõ rệt, từ 50,4% (1955) xuống còn 19,6% (1979). Trong khi đó, công nghiệp tăng từ 10,6% lên 33,3%. Ba ngành công nghiệp hóa chất, xây dựng, dệt và may mặc năm 1980 chiếm tới 58% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên sau đó giảm mạnh, thay vào đó là sự tăng nhanh của công nghiệp điện tử, cơ khí, thiết bị giao thông vận tải… Những đặc điểm đáng chú ý trong xuất khẩu của Hàn Quốc là:
a. Kim ngạch xuất khẩu vào loại lớn nhất trong các nước phát triển, và có tốc độ tăng rất nhanh.
b. Công nghiệp nặng chiếm tỷ trọng rất lớn trong các mặt hàng xuất khẩu. c. Thị trường xuất khẩu rất đa dạng so với các nước đang phát triển.
Phương pháp phát triển các ngành kinh tế của Hàn Quốc rất năng động, sử dụng được lợi thế trong nước và tận dụng cơ hội kinh doanh bên ngoài. Ví dụ như đã khai thác thị trường Trung cận đông để phát triển ngành xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực hướng tới các ngành có hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao. Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng đang gặp những khó khăn:
- Sự thay đổi về cơ cấu ngành nghề dẫn đến mất cân đối trong thị trường lao động. Số lao động tìm kiếm việc làm trong các ngành dịch vụ quá đông, trong khi đó lại thiếu lao động trong các ngành nặng nhọc và công nghiệp hóa chất.
- Phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng dầu lửa, nên chịu tác động lớn trước sự lên xuống của giá dầu trên thế giới. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến phương hướng và tốc độ phát triển của các ngành kinh tế quốc dân.
1.4.5.3. Công nghiệp hóa và xác định cơ cấu kinh tế của Singapo
Nhìn vào cơ cấu kinh tế và sự chuyển dịch cơ cấu đó trong suốt quá trình công nghiệp hóa của Singapo, có thể thấy họ đã chủ yếu tập trung phát triển các ngành dịch vụ như vận tải biển, ngân hàng, giải trí và công nghiệp chế biến. Nông nghiệp
không được chú trọng và chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng sản phẩm quốc dân (GNP) năm 1990 là 0,5%, trong khi đó dịch vụ chiếm 63,4%, công nghiệp 29,1%. Hiện nay, Singapo là nước có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế hết sức phát triển. Hệ thống giao thông vận tải, bưu chính viễn thông hiện đại vào loại nhất thế giới và là trung tâm tài chính của khu vực. Cũng giống như một số quốc gia khác, Singapo bắt đầu phát triển công nghiệp từ ngành dệt và công nghiệp chế biến thực phẩm, sau đó chuyển dần sang công nghiệp nặng và các ngành có hàm lượng khoa học cao. Tỷ trọng công nghiệp có xu hướng ngày càng tăng trong GNP, phương hướng phát triển tập trung chủ yếu vào các ngành sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Nền kinh tế phụ thuộc lớn vào các quan hệ xuất nhập và sự biến động của kinh tế thế giới. Với đặc điểm diện tích lãnh thổ hẹp, dân số ít, điều kiện tự nhiên nghèo nàn, nhưng có vị trí giao thông thuận lợi, việc xác định phương hướng công nghiệp hóa theo cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp đã giúp Singapo trở thành một nước phát triển nhất trong các nước NIC.
1.4.5.4. Công nghiệp hóa và xác định cơ cấu kinh tế Indonexia
Phương hướng công nghiệp hóa các ngành kinh tế quốc dân là xây dựng cơ cấu công nông nghiệp đồng bộ, hoàn chỉnh. Trong nông nghiệp chú trọng phát triển nông thôn, phát triển thủy lợi, đường xá và phương tiện vận chuyển ở nông thôn. Nhà nước dành hầu như toàn bộ vốn đầu tư vào công nghiệp nhằm tạo ra một ngành công nghiệp có tác động tích cực đến nông nghiệp và xây dựng những ngành công nghiệp mũi nhọn như dầu khí, khai thác gỗ và khoáng sản, sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, máy công cụ chế biến nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, để giảm bớt ảnh hưởng và sự lệ thuộc quá lớn vào dầu mỏ, cơ cấu kinh tế những năm gần đây được điều chỉnh theo hướng tăng cường sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm không phải dầu mỏ, tăng cường đầu tư vào các ngành hóa dầu nhằm hạn chế xuất dầu thô.
Là một nước lớn, đông dân, điều kiện tự nhiên có nhiều thuận lợi, việc lựa chọn phương hướng công nông nghiệp, đặc biệt là chú trọng phát triển nông nghiệp, phát triển nông thôn và các ngành kinh tế trụ cột, mũi nhọn, Indonexia đã tạo được điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế đất nước phát triển vững chắc.
1.4.5.5. Công nghiệp hóa và xác định cơ cấu kinh tế của Malaixia
Trong thập kỷ 50, Malaixia đã chọn con đường phát triển kinh tế với những bước đi khác các nước trong khu vực. Malaixia không vội vàng công nghiệp hóa, mà chú trọng phát triển nông nghiệp, trong đó trọng tâm là phát triển các cây công nghiệp dài ngày để thu sản phẩm xuất khẩu (cao su và dầu cọ). Ngoài ra, còn có
chính sách đầu tư xây dựng trường học, nhà thờ, trạm y tế, tạo điều kiện giúp nhân dân ổn định đời sống.
Có thể nói đây là cách lựa chọn có hiệu quả, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế với tốc độ cao những năm sau đó. Trong thập kỷ 60, Malaixia tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp, nhưng đồng thời phát triển công nghiệp và khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó còn chú ý phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, phát triển thủy lợi, phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn như chế biến cao su, dầu cọ, dầu lửa, thiếc được ưu tiên, trong đó một số ngành chiếm vị trí hàng đầu thế giới. Phương hướng hiện nay đến năm 2020, Chính phủ tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến có trình độ công nghệ cao.
Nằm trong khu vực kinh tế năng động, Malaixia không dập khuôn, bắt chước chiến lược của các nước xung quanh, mà tự lựa chọn cho mình một phương hướng phát triển các ngành phù hợp với điều kiện cụ thể của nước mình. Chẳng hạn như không lấy cây lúa làm trọng tâm, mà lấy cây công nghiệp dài ngày làm cơ sở cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu phát triển. Đây là bài học đối với vùng đồng bằng ven biển Thừa Thiên Huế cần tính đến trong lựa chọn cây, con, lĩnh vực sản xuất kinh doanh phù hợp. Phương hướng phát triển các ngành được xây dựng thận trọng đi kèm với những chính sách, biện pháp tích cực để công nghiệp hóa từng bước vững chắc, ổn định. Phương hướng chiến lược nhất quán, từng giai đoạn có những biện pháp khuyến khích phát triển phù hợp.
1.4.5.6. Công nghiệp hóa và xác định cơ cấu kinh tế của Philippin
Philippin là một nước có tốc độ phát triển thấp nhất trong khối ASEAN. Nguyên nhân dẫn đến kết quả đó là:
- Philippin mặc dù đã tập trung xây dựng nền công nghiệp, nhưng kém hiệu quả. Xây dựng hàng loạt các xí nghiệp lớn tốn trên 3 tỷ đôla, nhưng không đạt được các mục tiêu đề ra. Tuy sản xuất công nghiệp có tăng, song nhìn chung cơ cấu kinh tế không có chuyển biến lớn.
- Trong một thời gian dài, nông nghiệp bị lãng quên. Philippin có 12 triệu ha đất nông nghiệp, nhưng mới chỉ khai thác có 9 triệu ha.
- Hoạt động kinh tế đối ngoại thiếu tính đa phương, nên thu hút vốn đầu tư không cao.
Để thoát khỏi tình trạng trên, hiện nay, Philppin đang hướng tới đầu tư tập trung sức cho phát triển nông nghiệp, phát triển công nghiệp có chọn lọc, đa phương hóa quan hệ ngoại thương.
Qua phân tích khái quát tình hình công nghiệp hóa và xác định cơ cấu kinh tế các nước nói trên, ta thấy một trong những thành công lớn của công nghiệp hóa ở các nước này là việc xác định chính xác và điều chỉnh kịp thời phương hướng công nghiệp hóa nền kinh tế quốc dân sao cho phù hợp với những thay đổi trên thị trường thế giới. Rất nhiều nước, ngay từ đầu đã xác định một chiến lược tăng trưởng kinh tế, trong đó tập trung sức phát triển các ngành cụ thể, các lĩnh vực cụ thể có lợi thế so sánh, có khả năng đột phá, tạo ra sự tăng trưởng với tốc độ nhanh, chấp nhận sự bỏ quên một số ngành, một số lĩnh vực không có điều kiện hoặc không đủ sức làm. Điều này cho phép các nước tập trung được các nguồn lực vào những ngành mũi nhọn, đẩy nhanh tốc độ phát triển của các ngành này, tạo thế đứng vững chắc trên thị trường thế giới. Trên cơ sở sự thành đạt của các ngành này sẽ tạo tiền đề cho việc lựa chọn phát triển các ngành tiếp theo trong các giai đoạn sau.
Nhiều nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Inđônêxia đã chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp toàn diện, tạo động lực cho nền kinh tế cất cánh. Công nghiệp được tập trung phát triển các ngành liên quan phục vụ nông nghiệp, khai khoáng, cơ khí… Lĩnh vực dịch vụ được đầu tư rất thấp thể hiện cơ cấu kinh tế trong thời kỳ công nghiệp hóa ở giai đoạn thấp. Trong khi đó, các nước NIC lại ít quan tâm đến nông nghiệp. Họ đã dành phần lớn thời gian và nguồn lực để ưu tiên phát triển công nghiệp và dịch vụ. Các ngành này luôn có tỷ trọng cao và tốc độ tăng trưởng lớn trong nền kinh tế quốc dân. Hàn Quốc và Đài Loan không đặt vấn đề phát triển nông nghiệp toàn diện và không có chiến lược tự túc lương thực mà chỉ chọn những cây, con có lợi thế và cho năng suất cao.
Phương hướng phát triển đi từ các ngành sản xuất hàng tiêu dùng thay thế nhập khẩu, chuyển dần sang xuất khẩu sản phẩm có lợi thế. Bước phát triển tiếp theo là phát triển công nghiệp nặng phục vụ thị trường trong nước, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm, tiến tới xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế và cả một số mặt hàng có hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao. Điều quan trọng là các nước này không ham đi vào những sản phẩm có giá trị lớn này mà phân tích thị trường, chọn những sản phẩm độc đáo, giá trị nhỏ, nhưng có khả năng xuất khẩu với khối lượng lớn, vừa tạo việc làm, vừa tăng tích lũy ngoại tệ. Ngày nay, khi lợi thế giá lao động rẻ không còn, các nước này đều đã chuyển hướng phát triển sang các ngành có hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao.
Trước những biến động không tốt do ảnh hưởng của chính sách kinh tế của các cường quốc kinh tế gây ra, họ đã phản ứng bằng xu hướng tăng trưởng lấy nhu cầu trong nước làm chủ đạo; mở rộng thị trường trong nước và khu vực, đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại, tích cực đầu tư ra nước ngoài.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG CƠ CẤU KINH TẾ
VÙNG ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ 2.1. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN CỦA TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Thừa Thiên Huế là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng ven biển miền Trung, có tổng diện tích tự nhiên là 506.259 ha, với dân số 1.087.579. Trong đó đất phù sa là 41.022 ha chiếm 8,11% đất tự nhiên; đất cồn cát và cát biển là 43.962 ha chiếm 8,7%; đất đồi núi chiếm 3/4 tổng diện tích đất tự nhiên và đất đồng bằng duyên hải nhỏ hơn 1/5 tổng diện tích đất tự nhiên. Tỉnh nằm ở duyên hải miền Trung Việt Nam trên một dải đất hẹp với chiều dài 126 km, chiều rộng trung bình 60 km với đầy đủ các dạng địa hình rừng núi, gò đồi, đồng bằng duyên hải, đầm, phá và biển tập trung trong một không gian hẹp, thấp dần từ Tây sang Đông. Có thể chia địa hình Thừa Thiên Huế thành hai phần:
Phía Tây chủ yếu là đồi núi, các đỉnh núi có độ cao từ 800 m đến hơn 1000 m, trong đó có núi Bạch Mã và đèo Hải Vân là những địa danh du lịch nổi tiếng. Phần đồi, có độ cao phần lớn dưới 500m, đỉnh rộng, sườn thoải khoảng từ 20 – 250.