Phát triển kinh tế vùng ven biển

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và xác định cơ cấu kinh tế vùng đồng bằng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011- 2015 và tầm nhìn 2020 (Trang 36)

1.3.2.1. Ngành kinh tế vùng ven biển

a. Ngành khai thác và nuôi trồng thuỷ sản

Ngành khai thác và nuôi trồng thuỷ sản có thể nói là một trong những ngành quan trọng nhất của kinh tế vùng ven biển. Hoạt động đánh bắt và khai thác thuỷ sản có từ lâu đời, và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống của con người. Hoạt động nuôi trồng mới xuất hiện gần đây do giá trị kinh tế của thuỷ sản là khá lớn và cũng do những tiến bộ về sinh học đã giúp người lao động hiểu rõ về tập tính sinh hoạt, đặc điểm sinh học của thuỷ sản.

Hoạt động khai thác thuỷ sản ở nước ta hiện nay vẫn ở trình độ thấp, quy mô khai thác nhỏ lẻ. Trình độ của người lao động chủ yếu hình thành trên cơ sở kinh nghiệm, cha truyền con nối. Địa bàn đánh bắt gần bờ do các phương tiện đánh bắt lạc hậu, tàu bè không thể ra khơi xa. Chưa có sự hỗ trợ cần thiết của nhà nước trong vấn đề dự báo ngư trường, những thay đổi của tự nhiên dẫn đến những thay đổi về ngư trường. Do đó, chúng ta còn đang lãng phí nguồn tài nguyên quý giá này.

Hoạt động nuôi trồng tuy mới phát triển mạnh trong một số năm gần đây nhưng lại là một lĩnh vực có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết công ăn việc làm và mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người lao động. Hoạt động nuôi trồng hiện nay của nước ta nói chung và vùng đầm phá nói riêng là khá tốt, do chúng ta chủ động trong khoa học – kỹ thuật, tạo ra được nguồn con giống có chất lượng, tuyên truyền giáo dục được người lao động nắm bắt được quy trình sản xuất hiện đại. Do đó năng suất là khá cao, giá trị kinh tế mang lại là rất lớn. Tuy nhiên, một khó khăn nảy sinh mà nếu không có những

chính sách giải quyết triệt để trong thời gian tới thì sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nuôi trồng thuỷ sản. Đó là vấn đề ô nhiễm, đặc biệt là môi trường nước của chúng ta đang ô nhiễm nghiêm trọng. Các nguồn ô nhiễm chủ yếu từ nguồn nước thải công nghiệp, từ lượng thuốc sâu, thuốc diệt cỏ... mà nông dân sử dụng trong sản xuất nông nghiệp tạo ra.

b. Công nghiệp cảng biển và hàng hải

Trong quá trình hội nhập nền kinh tế quốc tế thì công nghiệp cảng biển và hàng hải là không thể thiếu. Nó góp phần quan trọng trong việc giao lưu hàng hoá, phát triển thương mại giữa các quốc gia và trong nội bộ một quốc gia. Với vị trí địa lí của Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng thì công nghiệp cảng biển và hàng hải còn có tiềm năng trở thành những ngành dịch vụ mang lại nguồn thu nhập lớn cho ngân sách nhà nước và tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Về cảng biển và hàng hải, địa lí Việt Nam mang lại nhiều thuận lợi. Việt Nam có đường bờ biển dài trên 7000 km, Thừa Thiên Huế - 126 km, có nhiều vị trí thuận lợi cho việc đặt cảng biển. Việt Nam có nhiều cảng lớn có thể đón các tàu có trọng tải lớn như: cảng Hải Phòng (Hải Phòng), cảng Cam Ranh (Vũng Tàu), cảng Cái Lân (Quảng Ninh), Cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế)...

c. Ngành khai thác muối

Ngành khai thác muối ra đời từ khá lâu, tuy giá trị kinh tế của ngành không cao nhưng ngành lại có vị trí khá quan trọng. Khai thác muối cũng thu hút được một số lượng lớn lao động dân cư ven biển. Sản phẩm muối tuy giá trị kinh tế không cao nhưng lại là sản phẩm rất quan trọng trong cuộc sống và sản xuất. Các sản phẩm từ muối còn nằm trong chương trình y tế chống biếu cổ và còn cả trong sản xuất như đánh bắt cá.

d. Ngành du lịch biển và ven biển

Ngành du lịch nói chung và du lịch biển và ven biển nói riêng phát triển khi đời sống xã hội đã được nâng cao. Nằm trong ngành dịch vụ và là ngành mang lại cho ngân sách nhà nước những khoản thu lớn, giải quyết được một lượng lớn lao động, ngành du lịch biển có nhiều cơ hội để phát triển.

Hàng năm, Thừa Thiên Huế đón hàng ngàn khách du lịch từ các nước trong khu vực và trên thế giới. Với lợi thế giá rẻ, du lịch Cố đô Huế và du lịch biển và ven biển nói riêng đang và sẽ là nguồn đem lại cho Tỉnh nguồn thu ngoại tệ lớn

và ổn định. Khi khách du lịch đến chúng ta còn có cơ hội xuất khẩu tại chỗ các sản phẩm của chúng ta làm ra đặc biệt là các sản phẩm lưu niệm.

Ngành du lịch biển và ven biển là ngành có tiềm năng và cần phải phát triển mạnh mẽ để tiếp tục là ngành thế mạnh của vùng ven biển. Thừa Thiên Huế có lợi thế về đường bờ biển dài trên 120km, nhiều bờ biển đẹp có thể làm khu du lịch, đặc biệt là khu Lăng Cô nổi tiếng hiện nay.

1.3.2.2. Vai trò của ngành kinh tế vùng ven biển đối với nền kinh tế

a. Đóng góp vào ngân sách nhà nước

Kinh tế vùng ven biển có vai trò hết sức to lớn đối với nền kinh tế quốc dân. Trước tiên, phải kể tới phát triển ngành kinh tế đánh bắt hải sản, với vùng biển rộng thì đây là ngành phát triển kinh tế chiến lược và cơ bản vì trữ lượng hải sản được đánh bắt giúp thay đổi đáng kể nền kinh tế của nhân dân trong vùng. Hơn nữa, ngành kinh tế vùng ven biển phát triển phải kể đến sự vận chuyển hàng hoá bằng đường biển đem lại lợi ích kinh tế cao. Khi vận chuyển bằng đường biển sẽ giảm thời gian vận chuyển và quãng đường vận chuyển sẽ ngắn hơn so với đường bộ vì đường biển thường thẳng hơn so với đường bộ và không gây ách tắc, đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho nền kinh tế quốc dân. Những người dân ven biển có thể tổ chức nuôi trồng thuỷ hải sản theo lồng ở gần bờ đem lại nguồn hải sản chủ động cho người dân và có thể tăng gia những loại hải sản cần thiết phục vụ cho đời sống của người dân trong khu vực và những vùng lân cận.

Ngành kinh tế vùng ven biển phát triển đóng góp vào ngân sách Nhà nước một lượng giá trị khá cao. Hiện nay, ngành thuỷ sản đang là ngành xuất khẩu chiếm vị trí cao trong hoạt động xuất khẩu của nước ta, vì vậy giá trị mà ngành thuỷ sản đem lại từ phát triển ngành kinh tế vùng ven biển là rất có ý nghĩa. Hơn nữa, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thuỷ sản trong nước cũng rất lớn, người dân thích tiêu dùng hàng thuỷ sản nhiều vì hàm lượng đạm trong cá, tôm, cua, ba ba… là rất tốt, hơn nữa hiện nay thuỷ sản còn là một trong những món ăn được ưa chuộng trong các món ăn của khách du lịch. Nước ta đã có những cải thiện đáng kể trong vấn đề bảo quản mặt hàng thuỷ hải sản, vì mặt hàng này rất dễ bị ôi thiu nên việc bảo quản là rất khó, nhất là mỗi khi phải vận chuyển xa tới những vùng khác.

b. Vai trò đóng góp vào tăng trưởng kinh tế

- Vai trò trong giải quyết việc làm: Vấn đề giải quyết việc làm đang là vấn đề hết sức nóng bỏng trong nền kinh tế thị trường. Để giải quyết việc làm cần phát triển nhiều ngành nghề kinh tế trong đó có kinh tế vùng ven biển và các hoạt động của nó. Hoạt động kinh tế vùng ven biển mỗi năm thu hút được khoảng 2 triệu lao động, đây là con số rất có ý nghĩa đối với thị trường lao động hiện nay ở nước ta. Do đó phát triển kinh tế vùng ven biển có thể coi là phương pháp khá hiệu quả trong giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người lao động vùng ven biển.

- Vai trò trong việc xoá đói giảm nghèo dân cư vùng ven biển: Phát triển kinh tế vùng ven biển tạo việc làm cho lao động, tạo thu nhập cho người lao động, người lao động có thu nhập sẽ tự cải thiện đời sống của mình, tạo cho đời sống ổn định. Còn đối với xã hội, người lao động có việc làm thì xã hội bớt được một gánh nặng về trợ cấp xã hội, tránh được tệ nạn xã hội do tình trạnh thất nghiệp tạo ra, cũng có nghĩa là làm cho tỷ lệ đói nghèo của nước ta giảm đi một phần. Cho nên có thể nói phát triển kinh tế vùng ven biển có một vai trò rất quan trọng trong xoá đói giảm nghèo.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và xác định cơ cấu kinh tế vùng đồng bằng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011- 2015 và tầm nhìn 2020 (Trang 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(158 trang)
w