Nhóm các nhân tố kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và xác định cơ cấu kinh tế vùng đồng bằng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011- 2015 và tầm nhìn 2020 (Trang 40)

Các nhân tố kinh tế - xã hội ảnh hưởng tới việc hình thành cơ cấu kinh tế bao gồm: thị trường (cả thị trường trong và ngoài nước), hệ thống các chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước, vốn, cơ sở hạ tầng trong nông thôn.

Trong nền kinh tế hàng hóa, nhân tố thị trường có ảnh hưởng quyết định tới sự phát triển kinh tế nói chung và sự hình thành, biến đổi của mô hình tổ chức sản xuất và cơ cấu kinh tế nông thôn nói riêng, bởi vì suy đến cùng cơ cấu kinh tế và mô hình tổ chức sản xuất nông thôn tồn tại và vận động thông qua hoạt động của con người. Những người sản xuất hàng hóa chỉ sản xuất và đem ra trao đổi những sản phẩm mà họ cảm thấy chúng đem lại lợi nhuận thỏa đáng. Như vậy, thị trường thông qua quan hệ cung cầu mà tín hiệu là giá cả hàng hóa, thúc đẩy hay ngăn cản người sản xuất tham gia hay không tham gia vào thị trường. Với cơ chế đó người sản xuất tự xác định khả năng tham gia cụ thể của mình vào thị trường những loại sản phẩm có lợi nhất. Do đó trên thị trường sẽ xuất hiện các loại hàng hóa, dịch vụ với quy mô và cơ cấu phản ánh mô hình tổ chức sản xuất nông thôn ở từng vùng, từng địa phương. Trong nền kinh tế mở, cần chú trọng sự tác động và ảnh hưởng

của thị trường quốc tế tới mô hình tổ chức sản xuất, cơ cấu kinh tế của vùng và của cả nước. Ngày nay quá trình giao lưu và hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng. Hầu hết các quốc gia đều thực hiện chiến lược kinh tế mở. Thông qua quan hệ giao thương quốc tế, các quốc gia ngày càng tham gia sâu hơn vào sự hợp tác và phân công lao động quốc tế. Đây là nhân tố hết sức quan trọng ảnh hưởng tới quá trình biến đổi cơ cấu kinh tế nông thôn ở Việt Nam nói chung và vùng đồng bằng ven biển nói riêng.

Tiếp theo nhân tố thị trường là hệ thống các chính sách kinh tế. Chính sách kinh tế là hệ thống các biện pháp kinh tế được thể hiện bằng các văn bản quy định, tác động cùng chiều vào mỗi nền kinh tế nhằm thực hiện những mục tiêu đã định. Chức năng chủ yếu của các chính sách kinh tế vĩ mô là tạo ra động lực kinh tế mà cốt lõi là lợi ích kinh tế của người sản xuất để những người sản xuất (các chủ thể kinh tế) vì lợi ích kinh tế của mình mà tiến hành các hoạt động kinh tế phù hợp với những định hướng của Nhà nước trong kế hoạch kinh tế quốc dân. Các chính sách kinh tế vĩ mô thể hiện sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế thị trường trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu để các quy luật thị trường phát huy những tác động tích cực, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực nhằm mục đích tạo điều kiện cho nền kinh tế tăng trưởng và phát triển với tốc độ cao và ổn định. Trong khu vực kinh tế nông thôn ven biển, nếu chỉ có sự tác động của các quy luật thị trường thì cơ cấu kinh tế chỉ hình thành và vận động một cách tự phát và tất yếu sẽ dẫn đến sự lãng phí việc sử dụng các nguồn lực. Để thực hiện chức năng kinh tế của mình, Nhà nước, chính quyền địa phương không có cách nào khác là phải ban hành một hệ thống các chính sách kinh tế để cùng với các công cụ quản lý khác thúc đẩy việc hình thành một cơ cấu kinh tế vùng đồng bằng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế hợp lý nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn lực, các lợi thế của Tỉnh nói chung và của khu vực kinh tế nông thôn nói riêng. Để có một cơ cấu kinh tế vùng đồng bằng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế thì các chính sách đầu tư (đặc biệt là cho xây dựng cơ sở hạ tầng trong nông thôn), phát triển nông nghiệp, nông thôn, thương mại dịch vụ đóng vai trò tiên quyết.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và xác định cơ cấu kinh tế vùng đồng bằng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011- 2015 và tầm nhìn 2020 (Trang 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(158 trang)
w