Cơ cấu việc làm theo ngành kinh tế

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và xác định cơ cấu kinh tế vùng đồng bằng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011- 2015 và tầm nhìn 2020 (Trang 77)

Kết quả điều tra vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy ngành nông nghiệp đang thu hút nhiều lao động nhất, tiếp theo đến ngành dịch vụ và ngành công nghiệp. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2005 - 2010, cơ cấu việc làm trong ngành nông nghiệp có xu hướng giảm mạnh. Hình sau cho thấy lao động trong ngành nông nghiệp năm 2005 chiếm 66,89% thì đến năm 2008 giảm còn 62,71% và tiếp tục giảm còn 59,66% năm 2010, trong khi đó lao động trong ngành công nghiệp và dịch vụ có xu hướng tăng và tăng đồng đều qua các năm, tuy mức độ tăng không đáng kể. Năm 2010 lao động trong ngành dịch vụ chiếm 22,82%, cao hơn 20,90% năm 2007 và 19,48% năm 2005. Tương tự, lao động trong ngành công nghiệp và xây dựng mặc dù chiếm tỷ trọng thấp hơn so với ngành nông nghiệp và dịch vụ nhưng nếu tính theo các năm thì lao động trong ngành này cũng đang có xu hướng tăng lên. Năm 2010, lao động trong ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 17,52%, cao hơn 16,69% năm 2009 và 15,85% năm 2008.

Nguồn: Kết quả điều tra, Viện nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, năm 2010

Biểu đồ 2.5: Cơ cấu lao động theo ngành của vùng đồng bằng ven biển Thừa Thiên Huế giai đoạn 2005 - 2010

Các số liệu trên cho thấy cơ cấu lao động được chuyển dịch theo hướng rất tích cực, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp giảm, lao động trong ngành dịch vụ và công nghiệp tăng lên. Mặc dù vậy sự chuyển dịch lao động từ ngành nông nghiệp sang ngành công nghiệp và dịch vụ diễn ra vẫn chậm, chưa tạo ra được việc làm cho lao động nông thôn, trong khi nhiều Huyện có xu hướng mở rộng khu đô thị mới sẽ dẫn đến nguy cơ diện tích đất canh tác màu mỡ của nông nghiệp sẽ bị thu hẹp.

Đối với lao động trong nội bộ ngành cũng có sự chuyển dịch tích cực. Lao động trong ngành sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ lệ cao nhất. Tiếp đến là lao động trong ngành thương mại dịch vụ. Đứng thứ ba và thứ tư là các ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản. Tuy nhiên lao động trong ngành sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản có xu hướng giảm qua các năm. Năm 2005, lao động trong ngành này chiếm 65,95% thì đến năm 2010 giảm còn 60,46%, trong khi lao động trong các ngành thương mại dịch vụ, xây dựng cơ bản và ngành sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp có xu hướng tăng dần đều qua các năm.(xem hình 2.6)

Nguồn: Kết quả điều tra, Viện nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, năm 2010

Biểu đồ 2.6: Cơ cấu lao động theo sản phẩm chủ yếu của vùng đồng bằng ven biển Thừa Thiên Huế giai đoạn 2005 - 2010

Lao động trong lĩnh vực buôn bán chiếm tỷ lệ cao nhất trong nội bộ ngành thương mại dịch vụ, khoảng trên 60%. Tiếp theo là lĩnh vực dịch vụ nhà hàng, ăn uống, chiếm tỷ lệ trung bình khoảng 24%. Đứng thứ ba là lao động trong lĩnh vực dịch vụ vật tư nông nghiệp, chiếm tỷ lệ trung bình khoảng trên 4%. Lao động trong các lĩnh vực còn lại chiếm tỷ lệ không đáng kể như dịch vụ tour du lịch, dịch vụ khách sạn, dịch vụ vận tải, dịch vụ sửa chữa tàu thuyền. Điều này cho thấy khu vực dịch vụ phát triển chưa xứng với tiềm năng của vùng đồng bằng ven biển.

Đối với nội bộ ngành xây dựng cơ bản, thì lao động trong lĩnh vực xây dựng các công trình chiếm tỷ lệ cao nhất, trung bình trên 70% từ năm 2005 đến năm 2010. Tiếp theo là đến lao động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng (như xi măng, gạch, ngói…) và lao động trong lĩnh vực khai thác vật liệu xây dựng (như đá, cát, sỏi) chiếm tỷ lệ tương đương nhau, khoảng 15% .

Đối với nội bộ ngành sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp thì lao động trong các lĩnh vực theo thứ tự như: ngành chế biến thủy hải sản chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng trên 25%; sản xuất đồ gỗ, khoảng 18%; sản xuất các mặt hàng dân dụng, chiếm tỷ lệ trung bình khoảng trên 15% và có xu hướng tăng cao qua các năm; lĩnh vực chế biến nông sản, chiếm trung bình khoảng trên 11% và lao động trong lĩnh vực này có xu hướng giảm dần qua các năm; lao động trong lĩnh vực sản xuất đồ thủ công

mỹ nghệ, chiếm trung bình khoảng 7% và lao động trong lĩnh vực này có xu hướng tăng lên qua các năm. Lao động trong các lĩnh vực còn lại như khai thác quặng, khoáng sản và đóng tàu thuyền mặc dù có xu hướng tăng dần qua các năm nhưng chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Trong nội bộ ngành sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản thì lao động trong lĩnh vực trồng cây lương thực chiếm tỷ lệ cao nhất, trung bình khoảng trên 31%; trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chiếm tỷ lệ khoảng trên 26%; trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc và gia cầm, chiếm trung bình khoảng 17%; lĩnh vực đánh bắt hải sản, chiếm trung bình khoảng gần 16%. Lao động trong các lĩnh vực khác như trồng cây công nghiệp, cây ăn quả…chiếm tỷ lệ không đáng kể.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và xác định cơ cấu kinh tế vùng đồng bằng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011- 2015 và tầm nhìn 2020 (Trang 77)