Tổng quan về phát triển ngành sản xuất

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và xác định cơ cấu kinh tế vùng đồng bằng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011- 2015 và tầm nhìn 2020 (Trang 32)

1.3.1.1.Vai trò của ngành sản xuất đối với nền kinh tế

Các ngành sản xuất giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển. Bởi vì ở các nước này đa số người dân lao động trong các ngành sản xuất vật chất, đặc biệt là nông nghiệp nông thôn. Điều này thể hiện rất rõ ở Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Để phát triển kinh tế và nâng cao phúc lợi cho nhân dân, chính phủ và chính quyền địa phương các cấp cần có sự quan tâm thích đáng và có chính sách tác động vào sự phát triển của các ngành sản xuất để nâng cao năng suất cũng như giá trị của các ngành này.

Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng ven biển thì một bộ phận lớn của dân số lao động chủ yếu làm việc trong các ngành sản xuất vật chất. Vì vậy, vai trò giải quyết việc làm của các ngành sản xuất là rất lớn. Trước hết đối với ngành nông nghiệp với hơn 70% dân số Việt Nam, vùng đồng bằng ven biển Thừa Thiên Huế là 60% thì đó quả là nguồn lao động dồi dào. Tuy rằng nhà nước Việt Nam có xu hướng chuyển dần một bộ phận lao động của nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ thì vai

trò của các ngành sản xuất đối với việc giải quyết việc làm cho người lao động vẫn là rất lớn.

Với đặc điểm của các nước đang phát triển, có tiền thân là các nước thuộc địa, sau khi giành độc lập các quốc gia này khó khăn và thiếu thốn nên họ phải tập trung nguồn lực phát triển các ngành sản xuất đáp ứng được những yêu cầu trước mắt đó là những của sản phẩm tiêu dùng thiết yếu. Do đó nền kinh tế của các quốc gia này phụ thuộc rất lớn vào các ngành sản xuất. Thu nhập của Chính phủ, các doanh nghiệp, người lao động phụ thuộc rất lớn vào các ngành sản xuất vật chất. Do đó các ngành sản xuất là nhân tố quyết định đến sự tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển.

Các nguồn thu của các quốc gia đang phát triển phụ thuộc rất lớn vào sự tăng trưởng và phát triển của các ngành sản xuất vật chất. Do đó nó cũng ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống nhân dân các quốc gia này.

Khi các ngành sản xuất phát triển, sản xuất được nhiều hàng hoá chất lượng cao, đáp ứng được những nhu cầu trong nước và đủ tiêu chuẩn đem xuất khẩu sang các quốc gia khác. Các sản phẩm này lại mang về cho quốc gia một nguồn ngoại tệ không nhỏ. Nguồn ngoại tệ này là nguồn lực vô cùng quý giá, các quốc gia đang phát triển sử dụng nó để nâng cấp cơ sở hạ tầng vốn đã nghèo nàn lạc hậu của mình, một phần trong số đó sẽ được các chính phủ của các quốc gia đem chi tiêu vào các hoạt động phúc lợi xã hội. Qua đó người dân được hưởng nhiều hơn các dịch vụ công mà Chính phủ mang lại cho họ.

Về phía người lao động, khi các ngành sản xuất được phát triển, nguồn thu nhập của họ cũng cải thiện đáng kể, và gần hơn nữa với mức thu nhập trung bình của thế giới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của các quốc gia. Với nguồn thu nhập tăng thêm họ có điều kiện quan tâm đến sức khoẻ bản thân và gia đình, học vấn con cái... Và cũng với khoản thu nhập tăng thêm này họ có điều kiện tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao mà trong nước sản xuất được cũng như nhập khẩu từ các quốc gia khác.

1.3.1.2. Cơ cấu ngành và nội bộ ngành sản xuất

Loại cơ cấu này phản ánh số lượng và chất lượng cũng như tỉ lệ giữa các ngành và sản phẩm trong nội bộ ngành của nền kinh tế quốc dân. Nền kinh tế quốc dân là hệ thống sản xuất bao gồm những ngành lớn như công nghiệp, nông - lâm - ngư nghiệp, thương mại dịch vụ. Trong mỗi ngành lớn lại hình thành các

ngành nhỏ hơn thường gọi là các tiểu ngành. Nhỏ hơn nữa là các ngành kinh tế - kỹ thuật

a. Các hướng phát triển ngành sản xuất

Khoa học kĩ thuật đã làm thay đổi những thói quen sản xuất, tiêu dùng của thế giới loài người trong thời gian qua. Đối với đời sống dân sinh, khoa học kỹ thuật đóng vai trò ngày càng lớn. Các tiến bộ trong các lĩnh vực năng lượng, vật liệu, điện tử - tin học, công nghệ sinh học trong thời gian qua đã mang lại cho con người những bước tiến dài trong quá trình phát triển. Năng suất của các ngành tiếp tục tăng không giới hạn, chất lượng ngày càng cao, mẫu mã ngày càng đổi mới và đổi mới với tốc độ chóng mặt.

Thấy rõ được vai trò và vị trí của khoa học kĩ thuật trong quá trình phát triển kinh tế nói chung cũng như đối với sự phát triển của các ngành sản xuất nói riêng, Việt Nam phải có hướng đi riêng phù hợp với tình hình hình thực tế và trình độ phát triển của đất nước.

Đặc điểm của công nghệ Việt Nam hiện nay là có trình độ thấp so với thế giới. Chúng ta lạc hậu từ 3 - 4 thế hệ công nghệ, hay chậm hơn từ 50 - 100 năm về thời gian so với các nước công nghiệp trên thế giới. So với các nước trong khu vực ASEAN công nghệ Việt Nam cũng lạc hậu từ 20 - 30 năm. Để đổi mới công nghệ cần có vốn, đây cũng là vấn đề nan giải của Việt Nam. Nhưng chúng ta có tiềm năng về lao động, tài nguyên, vị trí địa lí của đất nước và có cơ hội tiếp thu công nghệ hiện đại của các nước đi trước.

Lịch sử thế giới đã chứng kiến sự rút ngắn quá trình công nghiệp hoá qua các thời kỳ khác nhau. Nếu nước Anh cần 120 năm, Tây Âu và Mỹ cần 80 năm, Nhật Bản cần 60 năm và các nước NICs châu á Hàn Quốc, Đài Loan, Singapor cần trên dưới 30 năm. Lợi thế của các nước đi sau được thể hiện trên nhiều mặt: về mặt công nghệ các nước đi sau không phải tập trung nhiều vốn và công sức vào phát minh, quan trọng hơn là biết cách lựa chọn, tiếp thu, thích nghi và làm chủ các công nghệ sẵn có. Những nước này có thể rút ngắn thời gian và mức độ mạo hiểm khi sử dụng công nghệ mới. Về mặt kinh tế, những nước này có thể lựa chọn công nghệ tiêu tốn ít năng lượng và nguyên liệu. Về môi trường có thể rút kinh nghiệm bài học của những nước đi trước, có thể lựa chọn những công nghệ phù hợp với điều kiện sinh thái của đất nước mình.

Tuy nhiên lịch sử cũng ghi nhận rằng, cùng trong những môi trường như nhau không phải tất cả các nước đi đầu về công nghiệp đều đưa đất nước phát triển, rút hẹp khoảng cách công nghệ và kinh tế với các nước đi trước.

Phương hướng cơ bản phát triển công nghệ Việt Nam được xác định như sau: Đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ trong các ngành sản xuất, các ngành nghề truyền thống và dịch vụ có thể tận dụng lợi thế về lao động và tài nguyên. Đi thẳng vào công nghệ hiện đại đối với các ngành, các lĩnh vực sản xuất then chốt có tác động sâu rộng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sản xuất và có khả năng phát huy trong tương lai như các ngành điện tử - tin học, công nghệ sinh học, vật liệu mới.

Chuyển dịch cơ cấu theo hướng phát triển ngành dịch vụ, công nghiệp chế biến... Với đặc điểm của Việt Nam hiện nay là hơn 70% dân số sinh sống ở nông thôn và sản xuất nông nghiệp. Trình độ sản xuất còn lạc hậu, tuy trong thời gian qua đã có những tiến bộ do khoa học công nghệ mang lại nhưng năng suất tính theo đầu người vẫn thấp do tỉ lệ người ở khu vực nông thôn quá cao mà lượng đất nông nghiệp có hạn. Do đó chuyển lao động từ ngành có giá trị kinh tế thấp là nông nghiệp sang các ngành có giá trị kinh tế cao là dịch vụ, thương mại, công nghiệp, công nghiệp chế biến...

Tuy lao động trong công nghiệp có hạn chế là trình độ văn hoá và chuyên môn thấp nhưng có lợi thế là giá nhân công rẻ, chịu khó cần cù và ít đòi hỏi. Đây là một lợi thế lớn thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào đầu tư phát triển. Việc phát triển dịch vụ, thương mại, công nghiệp... đã góp phần không nhỏ vào việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, là một nguồn thu hút luồng di dân từ nông thôn, hình thành nên các khu công nghiệp, khu chế xuất... và các đô thị cùng với các hoạt động dịch vụ kèm theo.

Vì đặc điểm của lao động sản xuất nông nghiệp là thất nghiệp tương đối nên giải quyết thất nghiệp tại chỗ bằng việc phát triển tiểu thủ công nghiệp cũng là một hướng đi đúng đắn. Việc phát triển tiểu thủ công nghiệp đã khẳng định được vị trí và vai trò của mình trong thời gian qua. Với lợi thế, giá trị hàng hoá tiểu thủ công nghiệp cao, có giá trị xuất khẩu cao, giải quyết triệt để được tình trạng thất nghiệp tương đối ở khu vực nông thôn, đem lại cho người lao động nguồn thu nhập cao và ổn định hơn hẳn so với việc chỉ sản xuất nông nghiệp. Và hơn hết nó còn tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương.

Một trong những ngành đem lại giá trị xuất khẩu cao, có sức phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua và giành được sự quan tâm của nhà nước đó là ngành thuỷ sản. Những sản phẩm từ ngành thuỷ sản có giá trị cao trong xuất khẩu, đem lại nguồn thu lớn cho người lao động, cho các doanh nghiệp và cho ngân sách nhà nước. Tuy thời gian gần đây gặp một số trở ngại mang lại do những khó khăn trong việc tiếp cận thị trường ngoài nước. Song ngành thuỷ sản vẫn còn nhiều lợi thế và nếu có những điều chỉnh thích hợp từ phía các doanh nghiệp, từ phía nhà nước thì ngành thuỷ sản sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới của đất nước.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và xác định cơ cấu kinh tế vùng đồng bằng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011- 2015 và tầm nhìn 2020 (Trang 32)