Sự hòa phối các kiểu trần thuật trong diễn ngôn của người kể chuyện

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong tám triều vua lý (Trang 74)

6. Kết cấu của luận văn

3.1.4. Sự hòa phối các kiểu trần thuật trong diễn ngôn của người kể chuyện

Những cách phân chia trên chỉ mang tính tương đối nhằm khảo sát rõ hơn một số dạng ngôn ngữ trần thuật trong lời người kể chuyện. Lời người kể chuyện thường có sự đan xen của các dạng phát ngôn trên, nhằm đạt đến cái cuối cùng là kể lại câu chuyện sao cho hiệu quả nhất.

Lời kể có thể lẫn với lời tả và lời bình luận khi lời người kể chuyện, lời nhân vật, lời tác giả hòa làm một để cùng đánh giá một sự kiện, một nhân vật hoặc một vấn đề lịch sử

nào đó. Dưới đây là một đoạn văn ngắn cho thấy có sự kết hợp các kiểu lời phát ngôn trong lời người kể chuyện: “Lý Thường Kiệt tức giận vung gươm chém rụng đầu người vừa tra hỏi (1). Quân lính coi đó như là hiệu lệnh của chủ tướng, nên họ hung hãn lùng sục giết bất cứ một người Tống nào mà họ tìm được (2). Không khí tàn sát cực kỳ tàn bạo (3). Những đầu người rớt như sung rụng, những thây người đổ ngổn ngang như những thân cây chuối bị bão quật, máu đỏ chảy tràn mặt đất (4)” [39; tr.258]. Đoạn văn trên có sự kết hợp cùng lúc lời kể, lời tả và lời bình luận của người kể chuyện: câu (1) và (2) là câu kể mang tính khách quan của người kể chuyện dị sự ngôi thứ ba về chiến thắng của quân Đại Việt trong công cuộc đánh Tống năm 1075; trong câu (3) cụm từ “cực kỳ tàn bạo” là dấu hiệu của lời bình luận trong diễn ngôn của người kể chuyện. Qua đó, người kể chuyện bộc lộ trực tiếp thái độ không đồng tình về những hành vi tàn ác của quân Đại Việt trong việc sát hại ngàn nghìn người Tống vô tội; câu (4) là câu có sự kết hợp hài hòa giữa lời kể và lời tả nhằm làm tăng tính chất khốc liệt của chiến tranh, đồng thời, câu văn còn mang lại những giá trị tạo hình và biểu cảm sâu sắc.

Đôi khi, sự hòa trộn giữa lời kể và lời tả tạo nên những hiệu quả đặc biệt trong diễn ngôn của người kể chuyện. Chẳng hạn, diễn ngôn của người kể chuyện về vùng đất Đại La hùng vĩ, tươi đẹp: “Nhà vua kinh ngạc, bởi chưa một lần nào qua vùng Đại La này mà ngài không thấy khí hồ bốc lên; ngay cả vào ngày hè nắng nóng hoặc mùa thu mát dịu cũng vậy thôi (1). Tân quân đảo mắt nhìn dòng sông chảy dài từ thượng lưu xuống hạ lưu, có dáng cong cong như hình một lưỡi kiếm, che chắn nửa phía bắc của Đại La trải rộng (2). Xanh xa tít tắp về phía trời tây kia, dãy núi Tản Viên bọc lấy phần còn lại như một bức tường thành vĩ đại, tạo cho Đại La một thế đứng uy nghi, lẫm liệt (3). Và hồ Dâm Đàm, chính là nơi kết tụ tú khí của thế núi, mạch sông của miền đất thiêng liêng này (4)” [36; tr.83–84]. Trong ví dụ trên, thuần túy là người kể chuyện muốn thuật lại thời điểm Lý Công Uẩn đi qua vùng đất Đại La kèm theo những lời tả về cảnh sắc của nó. Câu (1) thuần túy là câu kể. Câu (3), (4) thuần túy là câu tả. Nhưng câu (2) lại là câu có sự kết hợp hài hòa giữa lời kể và lời tả, và cụm từ “đảo mắt nhìn” là cụm từ chỉ hành động của nhân vật, là dấu hiệu để nhận ra lời kể của người kể chuyện; đồng thời, những từ “dài, cong cong, rộng” là những tính từ chỉ tính chất của sự vật, là dấu hiệu của lời tả trong diễn ngôn của người kể chuyện. Sự kết hợp giữa lời kể và lời tả trong đoạn văn trên mang lại cho người đọc những trang văn trữ tình và thơ

mộng. Nó giúp chúng ta xóa đi cảm giác nặng nề, mệt mỏi trong không khí ngột ngạt của thời đại để đến vùng đất tươi đẹp, trù phú của non sông đất Việt.

Như vậy, sự hòa trộn nhiều kiểu trần thuật trong diễn ngôn của người kể chuyện, làm cho các nhân vật và sự kiện lịch sử được nhìn từ nhiều góc độ đa chiều. Đồng thời, sự kết hợp hài hòa và linh hoạt các dạng lời nói trên của người kể chuyện là minh chứng cho tài năng nghệ thuật và cá tính sáng tạo của nhà văn trong việc tổ chức diễn ngôn trần thuật.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong tám triều vua lý (Trang 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(97 trang)
w