Bình luận

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong tám triều vua lý (Trang 71)

6. Kết cấu của luận văn

3.1.3. Bình luận

Giống như lời kể và lời tả, lời bình luận là một dạng phát ngôn của người kể chuyện. Nếu lời kể và lời tả vẫn giữ được phần nào tính khách quan thì lời bình luận là lời phát biểu trực tiếp của người kể chuyện. Thông qua lời bình luận người đọc có thể đoán định được quan điểm, thái độ của nhà văn đối với các nhân vật lịch sử và các sự kiện lịch sử đã diễn ra trong quá khứ. Nói cách khác, thông qua những nhận xét, bình luận, người kể chuyện dễ dàng bộc lộ cách nghĩ riêng, mang đậm cá tính của người sáng tạo. Đôi khi, chúng được nâng lên thành triết lí mang cá tính sáng tạo của nhà văn. Đồng thời, lời bình luận còn có khả năng tăng cường sự sáng rõ hay gây nhiễu chủ đề một cách chủ ý của người kể chuyện. Người kể chuyện trong Bộ tiểu thuyết với tư cách người mang quan điểm, tư tưởng, thái độ của nhà văn đã dùng những lời bình luận để trực tiếp bày tỏ thái độ về lịch sử.

Lời bình luận thể hiện thái độ cảm thông, đồng tình của người kể chuyện với các sự kiện và những vĩ nhân lịch sử. Bằng những lời bình luận, người kể chuyện trong

những vị vua đầu tiên của triều Lý. Hình ảnh và nhân cách của họ vẫn sống mãi cùng non sông, gấm vóc Đại Việt và là ngọn đuốc dẫn đường soi sáng trong tâm hồn người dân đất Việt. Sự ra đi của Lý Công Uẩn đã để lại niềm thương tiếc khôn nguôi cho hậu thế: “Người dân Thăng Long đưa tiễn ngài đông đến như thế, và nước mắt chảy nhiều đến như thế, là vì người ta muốn níu ghì lại, muốn giữ lại chứ không muốn chôn đi cái thiện…” bởi lẽ, “Đã lâu lắm, nước Nam mới có được một đức vua anh minh đến thế, nhân từ đến thế, thương dân đến thế” [36; tr.42–43]. Lý Thái tông với cái tên trìu mến – Lý Phật Mã – Con ngựa nhà Phật, suốt một đời hoằng dương Phật pháp, đã hoàn thành sứ mệnh ở trần gian để đi vào cõi Niết Bàn: “Thế là “Con ngựa nhà Phật” suốt một đời tải đạo, suốt một đời hành hóa, nay đã về cõi Phật” [37; tr.915]. Lý Thánh tông “đi xa mà vẫn đem theo nỗi lo mất mùa, nỗi lo dân đói” [38; tr.923] và sự ra đi đột ngột của Người là một mất mát vô cùng lớn lao của người dân Đại Việt: “Vua ta là bậc anh minh, nhân ái và cao thượng. Người nối được đức nghiệp của các tiên đế, có chí mở mang bờ cõi, làm cho dân được yên thịnh, nước được phú cường, phía Bắc nhà Tống phải nể trọng, phía nam thì Chiêm Thành phải quy phục; tiếc quá bậc minh quân ý chí cương dũng, sức lực đang tráng kiện thế mà nửa đường đứt đoạn” [39; tr.14]. Ngoài ra, bằng những lời bình, người kể chuyện trong Bộ tiểu thuyết còn hết lời ngợi ca tài năng và nhân cách ngời sáng của anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Khi còn là một thiếu niên, Lý Thường Kiệt đã hiển lộ là người có nhân cách cao, người có ý chí và khả dĩ đảm đương được những trọng trách quốc gia: “Khen thay một thiếu niên mới lớn mà lâm trận lại không rối trí, mặt không hề biến sắc. Và khi mọi việc đã thành tựu tốt đẹp, ai cũng tỏ lòng khen ngơi, Ngô Tuấn vẫn khiêm nhường cảm tạ, chứ không tỏ vẻ ngông ngạo hơn đời” [37; tr.484]. Khi đã trở thành một bậc tướng, tài năng và nhân cách của ông càng tỏa sáng: “Ông là một đấng trượng phu, một bậc chính nhân quân tử, một bậc nhân tướng văn võ song toàn” [38; tr.890]. Tài năng của ông khó ai sánh kịp và có lẽ từ cổ chí kim chưa có một anh hùng dân tộc nào ở độ tuổi bát tuần còn cầm quân đánh giặc như Lý Thường Kiệt: “Tám mươi sáu tuổi vẫn còn ra trận, đuổi giặc nhàn nhã như cho tay vào túi lấy đồ vật” và “vũ uy của ông làm khiếp đảm cả người Tống lẫn người Chiêm” vì thế “trong triều đến người dân trong cả nước thẩy đều tỏ lòng ngưỡng mộ ông” [39; tr.724]. Đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp của Thái sư Lý Đạo Thành, người kể chuyện không tiếc lời ca ngợi: “Ông bản tính ôn hòa chỉn chu lại là người có học vấn tinh thuần…” [38; tr.738], “ông đúng là bậc chân nho, lo trước cái lo cho thiên hạ và

cũng là người liêm khiết và thương dân vào bậc nhất…” [39; tr.341]; khi chết đi ông đã để lại cho dân tộc “một hành vi cao thượng của một nhân cách cao thượng”, với những người có mặt trong ngày đưa tiễn thì “ông vẫn là một bậc tể tướng trí nhân ngời sáng, với họ ông là một bậc đại nho nêu gương tiết tháo của người quân tử cho tới cả khi nhắm mắt, tắt thở”, dân chúng kinh thành thì “òa khóc nức nở như cố níu giữ lại một con người chân chính, một bậc đại nhân đại trí tiêu biểu cho cái thiện. Dân chúng không muốn và hoàn toàn không muốn liệm chôn cái thiện, bởi đó là chỗ bấu víu của cuộc đời họ” [39; tr.624]. Đánh giá về nhân cách của Lý Đạo Thành, người kể chuyện đã nêu lên quan điểm mang tính triết lý sâu sắc: “Thì ra các bậc đại nhân, đại trí tự bản thân họ và sự nghiệp của họ đã là một vinh quang bất diệt, không cần phải phết phủ lên đó bất cứ một lớp sơn nào” [39; tr.623].

Đồng thời, lời bình luận còn mang sắc thái mỉa mai, đả kích, phê phán các nhân vật lịch sử như: Lê Long Đĩnh, Ỷ Lan, Đỗ Anh Vũ, Lê thái hậu, Lý Cao Tông…Qua những lời bình luận thẳng thắn và trực tiếp của người kể chuyện, bản chất bạo chúa, hoang dâm vô độ của Lê Long Đĩnh hiện lên thật đầy đủ và sinh động. Căm phẫn trước hành động tàn bạo của Ỷ Lan, người kể chuyện đã lên án, công kích mạnh mẽ hành vi của bà một cách chua cay: “Ỷ Lan không chỉ đoạt quyền thính chính của Dương thái hậu mà bà còn tự biến việc thính chính sang nhiếp chính” [39; tr.91], “…người nhiếp chính có hành vi tàn ác và bất hiếu. Tàn ác vì cùng một lúc giết chết bảy mươi ba sinh mạng…; bất hiếu là bỏ mặc mẹ chồng tức bà Mai thái thái chết khô, chết đói trong cung Diên Phúc” [39; tr.113]. Trước cái chết tàn khốc của bọn Vũ Cát Đái dưới sự trả thù của Đỗ Anh Vũ, người kể chuyện đã buông tiếng cười mỉa mai, phê phán mạnh mẽ: “những kẻ ham ăn của đút không lo đến tính mạng sống để đến nỗi bây giờ tất cả đều bị chết về tay Anh Vũ… Chỉ biết bọn Vũ Cát Đái tối mắt lại vì vàng nên mắc cạn” [39; tr.841]. Việc Lê thái hậu, một bậc mẫu nghi thiên hạ lại công khai thông dâm với gian thần là một hành động đồi bại và không thể chấp nhận: “Quả thật đây là dấu hiệu đồi bại của một vương triều đang trên đà suy thoái” [39; tr.842]. Cái chết của họ khiến dân trong nước hả hê, mừng rỡ, kẻ sĩ trong nước mỉa mai chua chát: “Kẻ che chở cho đứa bạo hành làm các điều thương luân bại lý cuối cùng đã chết” [39; tr.848].

Trong Bộ tiểu thuyết, lời bình luận của người kể chuyện còn mang những triết lý, suy nghiệm về những vấn đề lớn lao của nhân sinh, thế cuộc. Sức mạnh của “chất men quyền lực” được người kể chuyện nâng lên thành những triết lý sâu sắc: “Thế mới biết

ở đời không có loại bẫy nào dụ được con người vào tròng một cách đầy hứng khởi và tận lực dấn thân như cái bẫy quyền lực” [39; tr.48], “Phải chăng cuộc sống vương giả và những quyền uy tự thân nó đã làm hư hỏng một con người” [39; tr.79], “Đúng là ở đời không có chất men nào làm cho con người ta hư hỏng và sa đọa nhanh như chất men quyền lực” [39; tr.111] và “Lạ thay là quyền lực, các việc dù nhỏ, dù lớn đến đâu nhưng được nói qua miệng nhà vua, dù nhà vua là một cậu bé sáu tuổi…sẽ lập tức được thi hành, dù nó trái đạo lý, nó trái lương tâm và cực kỳ tàn bạo…” [39; tr.811]. Ngoài ra, rải rác trong tác phẩm, chúng ta cũng bắt gặp rất nhiều những câu bình luận trực tiếp của người kể chuyện mang tính chất triết luận sâu sắc. Chẳng hạn, triết lý về bản chất cuộc đời trong nhân sinh quan của nhà Phật: “Cuộc đời lắt léo làm sao. Sướng khổ đấy, buồn vui đấy. Phật bảo đời là bể khổ, nước mắt con người còn nhiều hơn nước mắt đại dương. Vậy sao trời đất lại cứ sinh ra con người mãi để làm gì” [38; tr.326]; hay triết lý về vần xoay cuộc đời: “mọi chuyện rồi cũng qua thôi, vì thời gian là người thầy thuốc vĩ đại làm cho ai nấy đều dịu bớt nỗi đau và dần quên cả nỗi giận, buồn” và “ở đời chuyện gì cũng có thể xảy ra, và người đời cũng dễ quên cả điều thiện lẫn điều ác” [39; tr.696]; và sự nhầm lẫn của người đời quả là tai hại: “người đời nhầm lẫn lấy địa vị thay cho tài năng và nhân cách đích thực” [38; tr.579].

Nhìn chung, sự xuất hiện đúng lúc của những lời bình luận của người kể chuyện đã mang lại những hiệu quả tích cực trong diễn ngôn trần thuật của người kể chuyện. Những lời bình luận trong Bộ tiểu thuyết đã góp phần thể hiện trực tiếp thái độ, tư tưởng và quan điểm mới mẻ, sâu sắc của nhà văn về các vấn đề trong lịch sử. Lời bình luận của người kể chuyện còn cung cấp cho người đọc những hiểu biết về những con người trong quá khứ đã sống và đi vào sử sách. Từ đó, gợi mở thêm cho người đọc cách suy nghĩ, đánh giá mới mẻ, từ đó thấu hiểu sâu sắc hơn về một thời đại oai hùng trong lịch sử dân tộc.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong tám triều vua lý (Trang 71)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(97 trang)
w