Đoạn ngưng và sự giảm tốc của nhịp kể

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong tám triều vua lý (Trang 55)

6. Kết cấu của luận văn

2.3.1.2. Đoạn ngưng và sự giảm tốc của nhịp kể

Đoạn ngưng hay còn gọi là quãng lặng trong truyện kể, là “độ chùng” của văn bản. Trong câu chuyện chứa đựng nhiều tình tiết, sự kiện lại nhường chỗ cho lời văn trần thuật để miêu tả cảnh thiên nhiên hoặc tâm trạng nhân vật. Dung lượng của văn bản chứa đựng ít sự kiện, chủ yếu là không gian của cảnh vật và thế giới nội tâm nhân vật. Vì vậy, nó làm chậm dòng chảy của truyện kể. Ở dạng thức trần thuật này, thời gian trôi đi rất chậm, người trần thuật đôi khi lang thang cùng nhân vật trong thế giới cảnh vật hoặc thế giới nội tâm. Câu chuyện bị hãm lại, ít có sự diễn tiến sự kiện. Có hai dạng trần thuật khác nhau trong Tám Triều vua Lý: đoạn ngưng trần thuật gắn liền với phối cảnh không gian nghệ thuật và đoạn ngưng trần thuật gắn với sự miêu tả thế giới nội tâm nhân vật.

Trong Bộ tiểu thuyết, chúng ta bắt gặp rất nhiều đoạn miêu tả thiên nhiên, cảnh vật, khi ấy dường như mạch vận động thời gian của truyện là không có. Với chức năng bao quát, tổ chức các sự kiện trong tiểu thuyết lịch sử, người kể chuyện trong Tám triều

vua Lý gần như bao quát toàn bộ cảnh vật, thiên nhiên, cảnh sinh hoạt nơi phố xá và cả

trong hoàng cung, cảnh vật nơi các chùa chiền cũng được người kể chuyện khắc họa và miêu tả rất tỉ mỉ, chi tiết. Đó là những đoạn miêu tả hồ Dâm Đàm, vùng đất Đại La, miêu tả kinh thành Thăng Long, những cung điện, đền đài… trong Thiền sư dựng nước. Trong Con ngựa nhà Phật, lần theo bước chân của nhân vật Mai Mạnh Minh, người đọc khám phá nhiều điều thú vị về vẻ đẹp của non sông đất nước từ miền biên ải xa xôi đến những vùng hải đảo tươi đẹp, những hải cảng tấp nập tàu thuyền,… Đó còn là những đoạn miêu tả những chiến trường đẫm máu trong những cuộc chiến chinh phạt

Chiêm Thành của vua tôi nhà Lý hay cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược của nhân dân Đại Việt. Đặc biệt, những đoạn miêu tả cảnh trang nghiêm, tĩnh mịch của chùa chiền như cảnh chùa Tiêu Sơn, chùa Lục Tổ, chùa Tam Sơn, chùa Yên Tử,… tạo nên những quãng lặng rất lớn trong nhịp độ kể chuyện. Chúng làm cho thời gian câu chuyện dừng lại một cách đáng kể. Với sự xuất hiện khá nhiều những đoạn ngưng miêu tả cảnh vật thiên nhiên, cảnh phố xá, cảnh sinh hoạt các làng quê, cảnh sinh hoạt trong chốn hoàng cung, cảnh trang trí trong các cung điện, đền chùa,… nhà văn đã tái hiện lại bối cảnh xã hội, phong tục văn hóa, kiến trúc thời đại nhà Lý, xây dựng bằng những bức tranh vô cùng sinh động, cụ thể đầy màu sắc và âm thanh.

Đoạn ngưng còn thể hiện ở những dòng tâm trạng, dòng độc thoại nội tâm khi nhân vật bộc lộ tiếng nói bên trong, những ý nghĩ thầm kín, là tiếng tranh đấu của con tim. Độc thoại nội tâm xuất hiện khá nhiều trong Bộ tiểu thuyết. Đó là những dòng tâm tư miên man, những đoạn đấu tranh nội tâm rất phức tạp của Lý Thái tổ, Lý Thái tông, Lý Thánh tông, Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành, Ỷ Lan và của rất nhiều những nhân vật khác. Ngoài ra, trong Bộ tiểu thuyết, người kể chuyện đã nhiều lần dừng lại để miêu tả tỉ mỉ chân dung nhân vật. Chẳng hạn, chân dung của Lý Phật Mã, Lê Phụng Hiểu, Lý Nhân Nghĩa, Ngô An Ngữ,… trong Thiền sư dựng nước; chân dung Lý Thường Kiệt, Mai hoàng hậu, công chúa Bình Dương trong Con ngựa nhà Phật; chân dung Lê Văn Thịnh, Lê Thị Khiết, vua Lý Thánh tông trong Bình Bắc dẹp Nam… Điều này đã tạo nên độ ngưng và giảm tốc cho nhịp kể. Trong Bộ tiểu thuyết cũng xuất hiện khá nhiều những đoạn bình luận, nhận xét, đánh giá về các vấn đề của lịch sử và nhân vật lịch sử. Đây cũng là những quãng ngưng cần thiết để người đọc có thêm những thông tin, cơ sở để suy ngẫm về các nhân vật cũng như về các sự kiện liên quan đến câu chuyện.

Tóm lại, việc miêu tả thiên nhiên, cảnh vật và bộc lộ những dòng tâm tư của nhân vật bằng độc thoại nội tâm đã khiến cho câu chuyện có những đoạn ngưng nghỉ cần thiết. Sự ngưng nghỉ làm cho câu chuyện chùng lại, các sự kiện dường như bị đứt quãng, không trôi chảy, để cho dòng tâm trạng của nhân vật hiện hữu, chiếm lĩnh, gây cảm giác hồi hộp thích thú cho người đọc. Nhịp điệu câu chuyện như vận động chậm lại hoặc không vận động, thời gian văn bản lớn hơn thời gian truyện, gây cho ta cảm giác chờ đợi, một sự ứ đọng, bức bối nhưng cũng đầy hấp dẫn và lôi cuốn.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong tám triều vua lý (Trang 55)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(97 trang)
w