Hồ-Cương
Ông tổ bốn đời của Thái-Phó nhà Hán là Hồ-Quảng. Làm người thanh cao, có khí-tiết, gặp lúc Vương-Mãng soán ngôi, treo mão ở cửa phủ mà đi, lưu lạc ở Giao-Chỉ, ẩn mình làm hàng thịt. Đến ngày Vương-Mãng thất bại, mới trở về xứ sở.
Lương-Tủng
Tự là Kính-Thúc, đời vua Minh-Đế năm Vĩnh-Bình thứ 4 (61), bị kết án liên-lụy vì việc của người anh là Lương-Tùng. Nguyên trước đó, Lương-Tùng vì có sự oán hận, làm thư phỉ báng triều-đình, Tủng cùng cả gia quyến và em là Cung đều phải dời qua Cửu-Chân, trải khắp Giang, Hồ, Nguyên, Tương, cảm thương Tử-Tư và Khuất-Nguyên1, không tội mà phải trầm mình, làm bài phú điệu-tao. Sau được vua xuống chiếu cho về cố-quận. Tủng thường lên nơi cao trông xa mà than thở rằng: "trượng-phu ở đời, sống phải được phong hầu, chết được lập miếu tế tự, nếu chẳng thế, thà nhàn-cư để dưỡng chí, thơ rượu cho vui vầy, chớ chuốc lấy công việc châu quân làm chi, cho nhọc người vô-ích". Sau luôn luôn có chỉ triệu của nhà vua, nhưng nhất định không đến.
Viên-Trung
Tự là Chính-Phủ. Cuối đời Diên-Hy (158-166), vua Hoàn-đế, thiên-hạ loạn, bèn bỏ quan, đi du- lịch ở quận Cối-Kê. Tôn-Sách đánh phá Cối-Kê, Trung lại vượt bể lưu vong qua Giao-Chỉ.
Hoàn-Diệp
Tự là Văn-Lâm. Trong khoảng niên-hiệu Sơ-Bình (190-193), thiên hạ loạn, lánh ở đất Cối-Lê, sau vượt bể ký ngụ tại Giao-Chỉ. Người Việt cảm-hóa theo khí-tiết của ông, đến nỗi xóm làng chẳng có việc tranh tụng. Sau vì kẻ hung ác vu cáo, bị chết ở ngục Hợp-Phố.
Đổng-Phụng
Tự là Quân-Dị, người đất Hầu-Quan. Sĩ-Nhiếp ở Giao-Chỉ, có lúc mắc bệnh chết 3 ngày, Phụng cho ngậm một hoàn thuốc, giây lát nhan-sắc lần lần bình-phục, nửa ngày sống dậy. Việc nầy thấy chép trong "Tiên-truyện".
Hứa-Tĩnh
Tự là Văn-Hưu. Người quận Nhữ-Nam, đậu Hiếu-Lâm, làm Thượng-thư-Lang, giữ việc tuyển-cử; tránh loạn Đổng-Trác, qua nương nhờ Thái-Thú Cối-Kê là Vương-Lãng. Đến lúc Tôn-Sách qua Giang- Đông, Tĩnh chạy qua Giao-Chỉ lánh nạn, được Sĩ-Nhiếp tiếp đãi rất hậu, cùng với Viên-Huy người Trấn- Quốc đồng ngụ ở Giao-Chỉ. Huy gửi thư cho Tuân-Quắc nói rằng: "Hứa-văn-Hưu là bậc anh tài vỹ-sĩ, từ ngày lưu lạc đến nơi rừng núi xa xuôi, vẫn được các nhân-sĩ đi theo; mỗi lần có việc nguy cấp, thường trước lo cho người, sau mới đến mình, cùng người họ nội ngoại chín đời, chung chịu đói rét". Người quận