7. Cấu trúc của luận văn
3.2.3. Nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động của
QHCC và nhà báo
Trong bất kỳ hoạt động nghề nghiệp nào thì tính chuyên nghiệp cũng luôn được đề cao, nó giúp cho mọi công việc có thể được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả. Việc nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp của nhân viên QHCC và nhà báo cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mối quan hệ của hai nhóm đối tượng này. Nâng cao tính chuyên nghiệp ở đây chính là cách thức làm việc chuyên nghiệp nguồn tin chuyên nghiệp, là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, là đạo đức nghề nghiệp và tính trung thực với nhau…
Để nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động của nhân viên QHCC và nhà báo thì các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của hai nhóm đối tượng này cần được đặt lên hàng đầu. Đạo đức nghề nghiệp của nhân viên QHCC thể hiện ở việc cung cấp thông tin về doanh nghiệp một cách trung thực, không tìm cách tác động làm sai lệch thông tin từ phía nhà báo. Thực tế trong những năm gần đây đã xảy ra một số vụ việc nhà báo uy hiếp doanh nghiệp để “vòi” tiền, những vụ việc này gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các tờ báo cũng như những nhà báo chân chính, chính vì vậy, các nhà báo cũng luôn cần phải ghi nhớ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của mình, trung thực và chuyên nghiệp trong mối quan hệ với doanh nghiệp nói chung và các nhân viên QHCC nói riêng.
Hiện nay, các nhân viên QHCC đã chuyên nghiệp hơn trong cách thức làm việc của mình, đặc biệt là trong cách thức xây dựng và phát triển mối
quan hệ với các nhà báo. Các nhân viên QHCC thường có một danh sách các nhà báo cần liên hệ, ngoài ra họ cũng có nhiều phương thức liên hệ đa dạng và đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, qua khảo sát đối với nhân viên QHCC và nhà báo cho thấy: Các nhân viên QHCC thường mong muốn được gặp gỡ các nhà báo thường xuyên và họ thường cố gắp sắp xếp những cuộc gặp ngoài công sở, ngược lại, các nhà báo thường không muốn bị các nhân viên QHCC “làm phiền”, và họ cũng không sẵn lòng cho những cuộc hẹn ngoài công sở. Từ đó có thể thấy được các nhân viên QHCC cần nhìn nhận lại nhu cầu và mong muốn từ phía các nhà báo để có những phương thức xây dựng, phát triển mối quan hệ với họ theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Xu hướng hiện nay cũng cho thấy, các nhân viên QHCC nói riêng và doanh nghiệp nói chung nên cùng chung tay với nhà báo và cơ quan báo chí để tham gia vào các công việc mang tính xã hội, cộng đồng. Đây là những việc mà các nhân viên QHCC và doanh nghiệp nên làm, nó giúp cho hai phía có thể thắt chặt hơn mối quan hệ, tăng cường sự hợp tác đồng thời lại mang đến những ý nghĩa xã hội sâu sắc hơn thay vì những hành động đút lót, hối lộ làm sai lệch đi ý nghĩa của mối quan hệ này. Có thể thấy được xu hướng này qua những chương trình liên kết giữa các đài truyền hình và các công ty doanh nghiệp như sự chung tay của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel và Đài truyền hình Việt Nam trong chương trình “Trái tim cho em”…
Các nhân viên QHCC muốn tạo dựng được niềm tin từ phía các nhà báo thì họ cần phải trung thực, thẳng thắn trong mối quan hệ này, sự tin tưởng của nhà báo dành cho họ sẽ được bồi đắp dần dần. Khảo sát với các nhân viên QHCC về mức độ trung thực, thẳng thắn trong mối quan hệ với nhà báo được thể hiện qua bảng biểu sau:
Khi nhà báo hỏi về điểm yếu của
doanh nghiệp mình anh/chị thường: Tỷ lệ (%)
Trả lời trung thực 55.9
Cố gắng bỏ qua những điểm yếu lớn 71.4
Tìm cách trì hoãn hoặc tránh trả lời câu hỏi của nhà báo 54.7
Bảng 3.2: Tính trung thực của nhân viên QHCC trong mối quan hệ với nhà báo
Biểu đồ 3.1: Tính trung thực của nhân viên QHCC trong mối quan hệ với nhà báo
Qua bảng số liệu và biểu đồ trên cho thấy, hầu hết các nhân viên QHCC (71.4%) đều đồng ý với phương án “cố gắng bỏ qua những điểm yếu lớn” khi họ được nhà báo hỏi về điểm yếu của doanh nghiệp mình. Điều này cho thấy mức độ trung thực, thẳng thắn của các nhân viên QHCC trong mối quan hệ với nhà báo còn chưa cao. Điều này được giải thích bởi các nhân viên QHCC vẫn chưa hoàn toàn có được sự tin tưởng từ phía nhà báo đặc biệt là khả năng ảnh hưởng, kiểm soát đến tin tức về doanh nghiệp của nhà báo, chính vì vậy, họ vẫn có tâm lý e dè, sợ sệt những thông tin do mình cung cấp sẽ được nhà báo đăng tải.
Khi cung cấp thông tin cho nhà báo, các nhân viên QHCC cần cung cấp thông tin thời sự, hấp dẫn và đúng lúc. Nếu một thông tin không có tính thời sự, không gây được sự chú ý của công chúng thì chẳng có cách gì thay đổi được chất lượng của thông tin đó. Vì vậy, nhân viên QHCC không nên gây áp lực lên các nhà báo nếu họ không sử dụng bài viết của mình.
Ông Huỳnh Dũng Nhân, Tổng Biên tập tạp chí Nghề Báo TP.HCM cho rằng: “Phải có sự tôn trọng, biết lắng nghe và hợp tác với nhau thì mối quan hệ này mới hiệu quả”. Theo ông Nhân, không phải lúc nào báo chí cũng “chĩa mũi dùi” vào doanh nghiệp một cách dò xét, bới móc mà luôn nhìn rất thiện cảm. Chỉ khi nào doanh nghiệp coi và sử dụng báo chí như một công cụ để tiếp tay cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc vì lợi nhuận thuần tuý mà tìm cách làm ăn thiếu trung thực thì báo chí mới phản ứng gay gắt để bảo vệ bạn đọc. “Đó là trách nhiệm của người làm báo,” ông Nhân nói. Ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vincom cũng cho biết: “Theo quan điểm của chúng tôi, mối quan hệ báo chí và doanh nghiệp trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực trở thành mối quan hệ hai chiều với sự tôn trọng, minh bạch, khách quan và được đặt trên nền tảng lợi ích cộng đồng, xã hội.
Trên thực tế, mối quan hệ giữa nhân viên QHCC và nhà báo không chỉ mang đến lợi ích cho doanh nghiệp và nhân viên QHCC mà nó còn mang đến những lợi ích cho chính các nhà báo và cơ quan báo chí. Vì vậy, không chỉ có các nhân viên QHCC cần thiết lập mối quan hệ với nhà báo mà chính các nhà báo cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ này, họ cần có thái độ cởi mở và hợp tác hơn khi nhận được cuộc gọi từ phía nhân viên QHCC hoặc chính nhà báo cũng có thể là người chủ động liên hệ với nhân viên QHCC để xây dựng quan hệ.
Tóm lại, việc xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa nhân viên QHCC và nhà báo có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của doanh nghiệp và cả các cơ quan báo chí. Nhân viên QHCC làm việc tại doanh
nghiệp đều có những phương thức để xây dựng mối quan hệ với các nhà báo, những phương thức này bước đầu đã mang đến hiệu quả cho việc xây dựng và phát triển mối quan hệ với các nhà báo. Tuy nhiên, để xây dựng và phát triển một cách hiệu quả mối quan hệ với các nhà báo thì nhân viên QHCC cần có những phương thức cụ thể hơn, quan tâm đến những chi tiết nhỏ trong mối quan hệ này. Một mối quan hệ thân thiết chỉ có thể được xây dựng khi nó có sự chân thành, trung thực xuất phát từ cả hai phía. Điều này đỏi hỏi cả phía nhân viên QHCC và nhà báo cần có sự chân thành, thẳng thắn và thực sự mong muốn xây dựng lên một mối quan hệ tốt đẹp, cởi mở giữa họ. Ngoài ra, để xây dựng và phát triển thành công mối quan hệ này còn cần có sự hậu thuẫn từ phía lãnh đạo công ty và cơ quan báo chí. Khi hội tụ đủ các yếu tố, mối quan hệ giữa nhân viên QHCC trong các doanh nghiệp Việt Nam và nhà báo sẽ có đầy đủ các điều kiện để phát triển tốt đẹp hơn, mang đến nhiều lợi ích cho cả phía doanh nghiệp, cơ quan báo chí cũng như những thuận lợi cho công việc của nhân viên QHCC và nhà báo.