Tính phụ thuộc lẫn nhau

Một phần của tài liệu Phương thức xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa nhân viên quan hệ công chúng và nhà báo trong các doanh nghiệp Việt Nam (khảo sát một số trong top 500 doanh (Trang 39)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.1.Tính phụ thuộc lẫn nhau

Trong thời đại bùng nổ thông tin, mỗi ngày, các nhà báo cần có một lượng thông tin khổng lồ để đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Những thông tin đó lấy từ đâu ra? Bên cạnh các nguồn tin khác nhau, một trong những nguồn cung cấp thông tin chuyên nghiệp, quan trọng nhất của

nhà báo chính là các nhân viên QHCC. Một nghiên cứu trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước đã chỉ ra rằng có đến hơn 70% tin tức của hãng thông tấn xã Đức phát đi là lấy từ các thông cáo báo chí do các nhân viên QHCC gửi đến, và có gần 90% các tin tức đó chỉ bị chỉnh sửa đôi chút so với bản thông cáo báo chí gửi từ doanh nghiệp [43]. Như vậy, trong mối quan hệ với nhà báo, nhân viên QHCC là những nguồn tin phong phú, dồi dào, và đáng tin cậy.

Ngược lại, với các nhân viên QHCC, các nhà báo là những “nhịp cầu” để chuyển thông tin của doanh nghiệp, tổ chức họ đến với các nhóm công chúng mục tiêu khác nhau. “Công chúng nhìn chúng ta như thế nào là tất cả những việc chúng ta cần phải làm. Điều đó lại phụ thuộc rất nhiều vào việc báo chí nói về chúng ta như thế nào”. J.M.Kaul, một nhà nghiên cứu QHCC đã nói như vậy trong cuốn “QHCC ở Ấn Độ” [38]. Do vậy, trong mọi hoàn cảnh, nhóm công chúng mục tiêu số một của các nhân viên QHCC luôn là các nhà báo. Nhân viên QHCC cần sự hợp tác của nhà báo, bởi chính các nhà báo, thông qua các kênh thông tin của họ, khiến cho công chúng của doanh nghiệp, tổ chức tăng cường sự hiểu biết đúng đắn và có thái độ, hành vi có lợi cho tổ chức.

Tuy nhiên, mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau nói trên cũng có sự biến đổi cùng với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Nếu trước đây, doanh nghiệp dường như chỉ có báo chí là kênh thông tin đại chúng duy nhất chuyển thông điệp của doanh nghiệp đến đại chúng, thì hiện nay, doanh nghiệp đã có nhiều biện pháp tự tiếp cận các nhóm công chúng của mình thông qua các mạng xã hội, hoặc website của doanh nghiệp. Các tổ chức, doanh nghiệp ngày càng có thể giao tiếp trực tiếp hơn với các công chúng của mình một cách nhanh nhất, nhiều nhất, chủ động nhất mà không còn hoàn toàn phụ thuộc vào giới nhà báo nữa. Ngược lại, các nhà báo, thông qua các kênh truyền thông internet của doanh nghiệp, cũng dễ dàng nắm bắt được nhiều thông tin một cách đa chiều, phong phú, đáng tin cậy để phục vụ công việc chuyên môn của họ. Vì thế, nhân viên QHCC và nhà báo ngày càng có mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng nghề nghiệp của nhau hơn.

Một phần của tài liệu Phương thức xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa nhân viên quan hệ công chúng và nhà báo trong các doanh nghiệp Việt Nam (khảo sát một số trong top 500 doanh (Trang 39)