Tính tôn ti, thứ bậc

Một phần của tài liệu Phương thức xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa nhân viên quan hệ công chúng và nhà báo trong các doanh nghiệp Việt Nam (khảo sát một số trong top 500 doanh (Trang 41)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.2. Tính tôn ti, thứ bậc

Ngay từ khi QHCC được coi là lĩnh vực chuyên nghiệp, quản trị mối quan hệ với nhà báo là một trong những nhiệm vụ chính của nhân viên QHCC. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong mối quan hệ có tính tương hỗ, phụ thuộc lẫn nhau như phân tích ở trên, thì nhà báo vẫn chiếm phần kiểm soát, chủ động hơn, và nhân viên QHCC thường lép vế hơn nhà báo trong mối quan hệ nghề nghiệp của họ (Huyen, 2009). Cụ thể, các nhà báo thường có cái nhìn thiếu tích cực về nhân viên QHCC, và thường coi họ như những người có địa vị thấp kém hơn. Lý do không phải là các nhân viên QHCC làm việc thiếu chuyên nghiệp hay thiếu tính đạo đức nghề nghiệp, mà cơ bản là ví “ý đồ không mấy cao quý” của họ khi làm việc với các nhà báo (Stegall & Sanders, 1986; Aronoff, 1975; Jeffers, 1977). Dưới góc nhìn của các nhà báo, nhân viên QHCC chủ yếu muốn thông qua các nhà báo để quảng bá về doanh nghiệp, tổ chức của họ với chi phí thấp hơn quảng cáo. Mục đích của các nhân viên QHCC là vì lợi nhuận của tổ chức họ, chứ không phải vì mục đích thông tin có tính xã hội như góc độ tiếp cận của các nhà báo trong công việc của họ hàng ngày. Chính vì sự “vênh nhau” về mục đích công việc này, các nhà báo thường cho rằng các nhân viên QHCC không khách quan khi đưa thông tin, không vì lợi ích của đại chúng mà chỉ xuất phát từ lợi ích của doanh nghiệp, và do đó, sẵn sàng che giấu những thông tin không thuận lợi cho doanh nghiệp (Belz et al., 1989). Một nhà nghiên cứu còn ví von: “Nhà báo đến từ sao Hỏa, còn nhân viên QHCC đến từ sao Kim” để miêu tả về mối quan hệ giữa hai nhóm nghề nghiệp này (Huyen, 2009).

Trong khi đó, nhân viên QHCC tỏ ra tích cực, thiện chí hơn khi đánh giá về nhà báo. Hầu hết nhân viên QHCC hiểu biết về công việc của các nhà báo, và họ hoàn toàn có thể xác định được mong muốn của các nhà báo trong việc thu thập và xử lý thông tin liên quan đến doanh nghiệp. Nhân viên QHCC luôn sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ các nhà báo, dù họ thường chỉ trích xu hướng săn tin xấu, tin giật gân của giới báo chí mà bỏ qua tính hoàn chỉnh, toàn diện trong bản thân cấu trúc của thông tin (Peter Neijens et al., 2006).

Lý giải về sự mâu thuẫn, yêu ghét đan xen lẫn lộn trong mối quan hệ giữa nhân viên QHCC và nhà báo, DeLorme & Fedler (2003) đã chỉ ra rằng sự mâu thuẫn này có căn nguyên từ lâu trong lịch sử, ít nhất là từ thời chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Những điều khiến cho nhà báo có xu hướng coi thường các nhân viên QHCC là bởi ngay từ khi mới hình thành lĩnh vực QHCC, các nhân viên QHCC đã có xu hướng thực hành nghề nghiệp một cách thiếu đàng hoàng, minh bạch, đạo đức bởi họ sẵn sàng đút lót, hối lộ, mua chuộc các nhà báo để được việc của mình. Bên cạnh đó, các nhân viên QHCC cũng thể hiện rõ ý đồ vụ lợi cho cơ quan, doanh nghiệp của họ trong mối quan hệ với nhà báo nhằm tiết kiệm chi phí quảng cáo. Nhân viên QHCC cũng thường đưa những thông tin thiếu trung thực, khách quan, được soạn thảo một cách thiếu chuyên nghiệp… cho nhà báo. Một góc nhìn bổ sung từ phía nhà báo, DeLorme & Fedler (2003) cho rằng, bản thân nhà báo cũng có những “ấm ức” nghề nghiệp so với nhân viên QHCC khi họ thường xuyên phải làm việc dưới áp lực cao, điều kiện làm việc không thoải mái và lương thấp hơn nhân viên QHCC.

Như vậy, mối quan hệ giữa nhân viên QHCC và nhà báo đã có từ lâu trong lịch sử nghề QHCC. Mối quan hệ này mang đậm tính tương hỗ, phụ thuộc lẫn nhau, gắn bó với nhau dù ẩn sâu trong nó vẫn tồn tại những vấn đề mâu thuẫn. Tuy nhiên, có lẽ chính sự đối lập của việc vừa cần nhau, vừa kiểm soát, dè chừng lẫn nhau đó mà hai nhóm nghề nghiệp này luôn gắn bó với nhau. Để tăng cường hiệu quả trong mối quan hệ của họ, cả hai nhóm cần nâng cao tính chuyên nghiệp hơn trong hoạt động nghề nghiệp của mình và tận dụng tối đa sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật nhằm đạt tới sự bình đẳng ngày một cao hơn.

Tiểu kết chương 1 và câu hỏi nghiên cứu

Mối quan hệ giữa nhà báo và nhân viên QHCC là một trong những mối quan hệ được nghiên cứu nhiều nhất trong hệ thống lý luận về QHCC. Sở dĩ mối quan hệ này được quan tâm đặc biệt đến vậy là do những ảnh hưởng của nó đến hoạt động truyền thông của doanh nghiệp nói riêng và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của mỗi doanh nghiệp nói chung. Qua nhiều năm với nhiều công trình nghiên cứu của các học giả khác nhau trên thế giới đã hệ thống lại được các vấn đề lý luận cũng như thực tiễn liên quan đến mối quan hệ giữa nhân viên QHCC và nhà báo. Dựa trên hệ thống lý thuyết này mà mối quan hệ giữa nhân viên QHCC trong các doanh nghiệp và nhà báo đã được nghiên cứu và ứng dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, với sự phát triển của ngành QHCC cũng như sự lớn mạnh của các doanh nghiệp, hoạt động truyền thông tại doanh nghiệp đã được quan tâm, đầu tư nhiều hơn kéo theo sự ra đời của các phòng, ban, bộ phận QHCC trong các doanh nghiệp. Dựa trên hệ thống lý thuyết QHCC trên thế giới để nghiên cứu mối quan hệ giữa nhân viên QHCC trong các doanh nghiệp và nhà báo tại Việt Nam nhằm thấy được thực trạng của mối quan hệ này, các phương thức được nhân viên QHCC và doanh nghiệp sử dụng để xây dựng và duy trì, phát triển quan hệ với nhà báo là những nội dung sẽ được làm rõ trong chương tiếp theo của luận văn. Theo đó, thông qua khảo sát thực tế, chương 2 và chương 3 của luận văn sẽ giải quyết các câu hỏi nghiên cứu (CHNC) sau:

CHNC 1: Thực trạng mối quan hệ giữa nhân viên QHCC trong các doanh nghiệp và nhà báo ở Việt Nam hiện nay ra sao?

CHNC 2: Những phương thức nào được các nhân viên QHCC thường xuyên sử dụng để xây dựng và phát triển mối quan hệ với các nhà báo?

CHNC 3: Những giải pháp nào có thể góp phần tăng cường mối quan hệ giữa nhân viên QHCC trong doanh nghiệp và nhà báo Việt Nam?

Chương 2

HIỆN TRẠNG MỐI QUAN HỆ VÀ CÁCH THỨC XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN MỐI QUAN HỆ GIỮA NHÂN VIÊN QHCC TRONG

CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM VÀ NHÀ BÁO

Những công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa nhân viên QHCC và nhà báo của các nhà nghiên cứu về truyền thông trên thế giới đã mang đến một cách nhìn hệ thống, chuẩn xác và có cơ sở hơn về mối quan hệ này. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra được bản chất, đặc điểm cũng như những tiêu chí để đánh giá về việc xây dựng mối quan hệ giữa nhân viên QHCC trong các doanh nghiệp và nhà báo. Đây là hệ thống lý thuyết nền tảng quan trọng cho những người nghiên cứu và thực hành về QHCC. Dựa trên những kết quả nghiên cứu của các học giả đi trước, trong chương này, tác giả nghiên cứu về thực trạng quan hệ nhân viên QHCC trong các doanh nghiệp và nhà báo tại Việt Nam, những phương thức xây dựng, duy trì và phát triển mối quan hệ giữa họ. Nội dung của chương này bao gồm: Thuyết minh về quá trình thiết kế nghiên cứu; báo cáo trình bày và phân tích các kết quả khảo sát thực tế về các nội dung liên quan đến hiện trạng của vấn đề nghiên cứu.

Một phần của tài liệu Phương thức xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa nhân viên quan hệ công chúng và nhà báo trong các doanh nghiệp Việt Nam (khảo sát một số trong top 500 doanh (Trang 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)