- Phân công đầu mối quản lý và trách nhiệm cụ thể của các bộ, uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trong công tác quản lý và phát triển dược liệu.
- Nhà nước có chính sách hỗ trợ rõ ràng về quỹ đất, thuế, nguồn vốn nhằm giúp các doanh nghiệp, nông dân hình thành và phát triển các vùng nuôi trồng dược liệu theo nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt nuôi trồng” GAP-WHO đối với các dược liệu trong quy hoạch.
- Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu trong nước, tập trung vào các dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển thị trường.
- Tập trung sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý về dược liệu, thuốc từ dược liệu, xây dựng quy chế đăng ký lưu hành sản phẩm đặc thù đối với dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu phù hợp với thực tiễn và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy thị trường tiêu dùng thuốc Đông dược.
- Xây dựng chính sách sử dụng nguồn vốn ngân sách, bảo hiểm y tế tại các tuyến điều trị theo định hướng tăng dần tỷ trọng các thuốc Đông y, thuốc từ dược liệu sản xuất trong nước.
- Rà soát danh mục các cây, con, khoáng vật làm thuốc để ban hành danh mục cấm khai thác, hạn chế khai thác vì mục đích thương mại hoặc quy định tạm thời không xuất khẩu dược liệu để bảo vệ nguồn tài nguyên dược liệu trong nước. - Để thực hiện tốt công tác quản lý trên, cần thiết phải tăng cường vai trò quản lý nhà nước của Bộ Y tế , muốn vậy, phải kiện toàn bộ máy quản lý từ TW đến địa phương đủ điều kiện và năng lực để thực thi nhiệm vụ quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến dược liệu.