Giọng điệu vô sắc

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong Hạt cơ bản của Michel Houellebecg.PDF (Trang 59)

7. Kết cấu luận văn

2.2.1. Giọng điệu vô sắc

Giọng điệu vô âm sắc là giọng điệu “chỉ cung cấp sự thật mà không kèm theo giọng điệu, không có ngữ điệu, hoặc mang ngữ điệu ước lệ. Lời văn biên bản, thông báo khô khan dường như là lời vô giọng điệu, là chất liệu sống để tạo thành tiếng nói” [1, tr. 233]. Trong Hạt cơ bản, bên cạnh câu chuyện về số phận của các nhân vật có một dung lượng lớn của tác phẩm được dành để trình đoạn trình bày về các kiến thức khoa học, trích dẫn tác phẩm, thông tin thông báo đơn thuần,... Ở đây, chúng tôi liệt kê ra một số phân đoạn có nội dung trên trong Hạt cơ bản:

“Các xã hội thú vật hoạt động gần như luôn theo một hệ thống thứ bậc dựa trên chênh lệch về sức mạnh của các cá thể. Hệ thống đó có đặc điểm là một phân cấp chặt chẽ: con đực mạnh nhất trong nhóm được gọi là animal alpha; con đứng thứ hai về sức khỏe được gọi là animal beta, và cứ như thế cho đến con kém cỏi nhất trong các phân cấp đó, được gọi là animal omega. Các vị trí trong phân cấp thường được xác định thông qua các nghi thức đối đầu; những con vật ở thứ hạng thấp tìm cách cải thiện tình hình bằng cách thách đấu những con ở thứ hạng cao hơn, vì nếu chiến thắng chúng sẽ leo lên trong hệ thống” [15, tr. 66 - 67].

“Vào thời điểm t1, một electron mang vận tốc nhất định, vận tốc ấy có thể được đo một cách gần đúng bằng một phép đo nhất định, và giá trị của vận tốc ấy vốn phụ thuộc vào phép đo này; vào thời điểm t2, electron đó sẽ có mặt ở một điểm nhất định trong một phạm vi không gian nhất định; vào thời điểm t3, nó có được một giá trị spin nhất định” [15, tr.93].

Những nội dung kiến thức khoa học, trích dẫn tác phẩm này tồn tại đan xen giữa các sự kiện, biến cố trong đời sống của nhân vật xuyên suốt tác

Nghệ thuật trần thuật trong “Hạt cơ bản” của Michel Houellebecg

phẩm. Có lúc, chúng đảm nhận vai trò bổ sung, minh họa cho những biến cố trong đời sống của các nhân vật song cũng có lúc, những đoạn văn khoa học như một dạng trữ tình ngoại đề mang theo tư tưởng của người viết. Sự tồn tại của một lượng lớn kiến thức khoa học phổ quát cũng như những lý thuyết về tư tưởng, đạo đức bên cạnh cốt truyện hư cấu đã góp phần mang lại cho Hạt cơ bản giọng điệu khoa học riêng biệt. Do tính chất của loại thông tin này là đòi hỏi độ chính xác cao với tính trung thực, khách quan lớn nên giọng điệu sử dụng để đưa ra thông tin này thường là giọng điệu vô âm sắc.

Giọng điệu vô âm sắc xuất hiện trong những đoạn phân tích khoa học thuận túy: “Linguatulia rhinaria, hay nhện giun, sống trong lỗ mũi và xoang mũi hoặc hàm chó, đôi khi ở cả người. Phôi của nó có hình ô van, có đuôi đằng sau; miệng nó có một bộ máy nhai nghiền. Hai bên (là hai mỏm cụt) có những móng vuốt dài. Con trưởng thành màu trắng, có hình ngọn dáo, dài từ 18 đến 85 milimet. Thân hình nó dẹp, trong suốt, nhiều vòng tròn phủ kín đầy kitin nhọn hoắt” [15, tr.51]. Hay khi người kể chuyện kể lại những sự kiện có tính chất đưa thông tin: “Những câu chuyện nhất quán Griffiths được trình bày năm 1984 nhằm trình bày các phép đo lượng tử trong liên quan với các trần thuật chặt chẽ. Một câu chuyện Griffiths được xây dựng từ một chuỗi các phép đo bất kì xảy ra ở các thời điểm khác nhau” [15, tr. 93]. Chúng ta nhận thấy rằng không có các cung bậc cảm xúc trong những nội dung được đưa ra, mặc dù những đoạn văn này đang tồn tại trong một cuốn tiểu thuyết. Tính chất phản ánh, cung cấp thông tin đơn thuần với những kiến thức khoa học của những đoạn văn trên khiến cho nó chỉ trở thành một trường ngữ nghĩa với chức năng cung cấp thông tin đơn thuần: “Trên bình diện chuyển biến của phong tục mà nói, năm 1970 được đánh dấu bởi sự lan rộng nhanh chóng việc tiêu thụ đồ dùng liên quan đến tình dục, dẫu vẫn còn những can thiệp của một chế độ kiểm duyệt cảnh giác cao độ. Vở hài kịch Tóc với mục đích phổ thông hóa việc sử dụng tự do tình dục cho công chúng rộng rãi những năm sáu

Nghệ thuật trần thuật trong “Hạt cơ bản” của Michel Houellebecg

mươi, thành công vang dội” [15, tr. 70]. Giọng điệu vô âm sắc của những lý thuyết khoa học khi tồn tại song song trong cùng một tác phẩm với câu chuyện hư cấu khiến cho tác phẩm trở nên chân thực hơn, đáng tin hơn. Sự gắn kết của thông tin khoa khọc bên cạnh cốt truyện tưởng tượng đồng thời tạo nên một kết cấu tự sự vô cùng độc đáo cho Hạt cơ bản với sự sóng đôi của hai yếu tố thực và hư.

Giọng điệu vô âm sắc không chỉ tồn tại một cách riêng biệt trong những phân đoạn viết về khoa học mà còn tồn tại ngay ở trong những phân đoạn nói về các sự việc diễn ra với nhân vật: “Mười chín giờ ba mươi, bữa tiệc kết thúc hẳn. Djerzinski đi cắt ngang bãi để xe cùng với một đồng nghiệp nữ tóc đen dài, da rất trắng, bộ ngực đồ sộ. Cô nhiều tuổi hơn anh một chút. Gần như chắc chắn, cô sẽ thay anh đứng đầu tổ nghiên cứu” [15, tr. 24]. Trong hoàn cảnh này, ngôn ngữ và cử chỉ của Michel và người cộng sự sẽ tiếp quản vị trí công việc chỉ là một lớp vỏ ngụy trang bên ngoài có tính chất “đối phó” với nhau. Giữa hai người tuyệt nhiên không hề có ý muốn tính giao tiếp hay kết nối nhằm nắm bắt, thấu hiểu tâm trạng của người còn lại. Đây có thể xem là một dạng thức trần thuật bằng con mắt của máy ảnh với việc phản chiếu các sự kiện từ bên ngoài, mang tính hành vi và không có giá trị cảm xúc. Giọng điệu vô âm sắc lúc này không còn có tính chất trung thực nhằm đảm bảo một cách chính xác, khách quan các thông tin khoa học. Giờ đây, giọng điệu đó trở thành phương tiện phản ánh nét rạn nứt đáng sợ trong đời sống giao tiếp hiện đại của những con người đang ngày càng một giãn cách nhau xa hơn. Rõ ràng, giữa Michel Djerzinski và những người đồng nghiệp không hề có mối liên hệ tình cảm. Bữa tiệc chia tay Michel Djerzinski diễn ra trong uể oải, chán nản của những người cùng làm. Ai cũng tìm lí do để rời bỏ bữa tiệc sớm một cách vội vã. Không một ai muốn bắt đầu câu chuyện và nói với Michel Djerzinski lời chia tay. Quan hệ giữa con người với con người trong xã hội như sự cộng sinh với lí do công việc.

Nghệ thuật trần thuật trong “Hạt cơ bản” của Michel Houellebecg

Giọng điệu vô âm sắc còn được sử dụng trong cả việc tái hiện những mối quan hệ huyết thống, tình cảm giữa các nhân vật mà đặc biệt trong mối quan hệ giữa Bruno Clement và bố mình, Serge Clement. Trong kì nghỉ giữa chung giữa hai người, Bruno và bố mình dường như là hai thế giới dù cùng sống trong một căn nhà. Bruno và Serge không nói với nhau lời nào dù cả hai giáp mặt nhau, cùng ngồi bàn ăn chung. Sự phân rã trong mối quan hệ giữa Bruno và bố như một vực thẳm chia đôi thế giới nội tâm giữa hai con người: “Những dịp cuối tuần khi Bruno đến ông không tiếp các tình nhân của mình. Ông mua các món ăn làm sẵn ngoài hiệu rồi hai bố con ăn với nhau; sau đó họ xem vô tuyến. Ông không biết chơi một trò bài bạc nào hết. Đôi khi Bruno thức dậy trong đêm, mò mẫn đi ra tủ lạnh. Cậu đổ ngũ cốc vào một cái bát, cho thêm sữa và kem; rồi cậu phủ lên một lớp đường dày. Rồi ăn. Cậu ăn nhiều bát, cho đến khi quặn cả ruột lên. Bụng cậu nặng trịch. Cậu cảm thấy khoan khoái” [15, tr. 70]. Sợi dây máu mủ liên kết giữa Bruno và bố không đủ lôi kéo giữa họ một cuộc nói chuyện, một sự gắn kết. Thời gian và cuộc sống chung đều bàng bạc trôi qua trong sự hững hờ của cả hai nhân vật. Có thể, ở một góc khuất nào đó, trong tâm trí của Bruno cũng như bố anh, cả hai đều muốn chia sẻ ý nghĩ của mình. Song điều đó chỉ dừng lại ở ý nghĩ mà không thoát được khỏi rào cản ngăn cách để mọi thứ dừng lại, hững hờ. Lúc này, giọng điệu vô âm sắc được sử dụng để tô đậm thế giới khép kín, đầy khủng hoảng về tâm trạng của nhân vật. Cấu trúc câu ngắn, các từ ngữ biểu thị sắc thái được triệt tiêu, giọng điệu bị tẩy trắng của những câu văn tương đồng với tâm trạng đang bị bẻ vụn của mỗi nhân vật.

Rõ ràng, giọng điệu vô âm sắc vốn là giọng điệu chính của những công trình nghiên cứu khoa học đã được Michel Houellebecg biến đổi và sử dụng trong tiểu thuyết của mình. Giọng điệu vô âm sắc đã thể hiện được một cách rõ nét nhất trạng thái tâm lý của nhân vật, đặc biệt trong bối cảnh xã hội với sự phân rã cực đại mà Michel Houellebecg đã tạo dựng trong tác phẩm của

Nghệ thuật trần thuật trong “Hạt cơ bản” của Michel Houellebecg

mình. Đồng thời, giọng điệu này cũng tô đậm đặc tính riêng biệt của nhân vật trong Hạt cơ bản là: được xây dựng với những tham số khoa học với tính chất “hạt cơ bản”.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong Hạt cơ bản của Michel Houellebecg.PDF (Trang 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)