Nhân vật Michel Djerzinski

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong Hạt cơ bản của Michel Houellebecg.PDF (Trang 26)

7. Kết cấu luận văn

1.2.1. Nhân vật Michel Djerzinski

Hạt cơ bản là “cuốn tiểu thuyết thực hiện việc biểu tượng hóa ý niệm về Hạt cơ bản với tư cách là điểm nhìn của một thế giới quan khoa học mới mẻ, rộng rãi phổ quát. Nhiệm vụ được giao cho nhân vật Michel Djerzinski” [26, tr.2]. Bởi vậy, Michel Djerzinski được Houellebecg xây dựng như một “biểu tượng” của thế giới khoa học. Từ năng lực, trực giác, cách nhìn cho đến

Nghệ thuật trần thuật trong “Hạt cơ bản” của Michel Houellebecg

cảm hứng cuộc sống của Michel đều gắn liền với khoa học và những tham số của nó, tạo nên những nét riêng biệt của nhân vật.

Ngay trong lời giới thiệu về vị trí trung tâm của Michel Djerzinski, nhà văn cũng không quên nhấn mạnh vai trò “hạt cơ bản” của nhân vật này trong xã hội: “Cuốn sách này trước hết là câu chuyện về một con người đã sống phần lớn cuộc đời mình ở Tây Âu nửa sau thế kỷ XX… Michel Djerzinski được đồng loạt nhìn nhận như một nhà sinh học hàng đầu” [15, tr.15]. Và từ đó, chân dung, cuộc sống của Michel được Houellebecg xây dựng trong Hạt cơ bản với tư cách là một nhà khoa học – một con người chỉ biết đến khoa học. Là nhà nghiên cứu sinh học của Viện nghiên cứu khoa học quốc gia CNRS, công việc chính của Michel Djerzinski là lãnh đạo nhóm nghiên cứu AND. Công việc nghiên cứu - gắn bó với Michel khi anh tốt nghiệp đại học – đã được nuôi dưỡng từ niềm say mê ngay trong những năm tháng tuổi thơ. Từ nhỏ, thời sống với bà nội, Michel chìm đắm vào một thế giới do chính cậu tạo dựng nên với tất cả những niềm yêu thích tưởng tưởng: “Cậu đắm chìm trong bộ sưu tập Hoàn Vũ (bộ sách khoa học cho thiếu nhi – người viết) của mình. Trong đó viết về kháng lực của các chết, về hình dạng của các đám mây, về điệu nhảy của những con ong” [15, tr.49], hay thích thú với những thí nghiệm nhỏ đầu tiên của mình: “Tiến trình ấp nở chúng cũng khá phức tạp: phải gạn nước trong ba ngày, đun chúng ấm lên, thả cái gói vào đó và lắc nhẹ. Những ngày tiếp theo phải giữ hợp chất đó gần một nguồn sáng và có hơi ấm…” [15, tr.55]. Michel có được đặc tính khoa học nổi trội so với những người xung quanh: “Michel ở trình độ quá cao với cả lớp. Vũ trụ của con người – cậu bắt đầu nhận ra – thật đáng thất vọng, đầy lo sợ và cay đắng. Các phương trình toán học mang lại cho cậu niềm vui thanh thản và sống động. Cậu tiến bước trong sự mù mờ, và đột nhiên cậu tìm thấy một ngã rẽ: với vài công thức, vài nhân tử hóa táo bạo, cậu đạt tới tận bậc thềm của sự thanh thản chói sáng” [15, tr.95]. Bởi vậy, ở tuổi bốn mươi, Michel đạt được những thành tựu lớn.

Nghệ thuật trần thuật trong “Hạt cơ bản” của Michel Houellebecg

“Bốn mươi tuổi anh đã là giám đốc nghiên cứu với mười lăm nhà khoa học làm việc dưới quyền;… Êkip của anh có được những kết quả tuyệt vời, người ta coi nó là một trong những êkip tốt nhất Châu Âu” [15, tr.31].

Nếu như đặc tính khoa học trong Michel vô cùng nổi trội thì cảm quan tình dục của anh lại vô cùng ít ỏi, thậm chí là gần như không có. Houellebecg xây dựng Michel là một nhân vật – con người khoa học thuần túy. Và cũng giống như đặc tính khoa học, sự mất cảm giác với tình dục đã hình thành trong Michel ngay từ những năm tháng tuổi thơ. Năm lớp tám, Michel học cùng trường với Annabelle. Cả hai nhanh chóng để ý đến nhau và “ngày càng thường xuyên hơn, tất cả các thứ Năm và Chủ nhật họ ở bên nhau” [15, tr.70]. Michel, Annabelle “thường đi xe đạp, leo lên bờ biển Voulangis, rồi đi bộ qua những cánh đồng và khu rừng, cho đến một ngọn đồi nơi có thể nhìn được toàn bộ thung lũng sông Morin Lớn” và “họ bước đi trong đám cỏ, tìm cách hiểu nhau” [15, tr.73]. Tuy nhiên, mối quan hệ của Michel và Annabelle không thể vượt quá những khoảnh khắc “đứng ôm nhau vài giây, trong một trạng thái tê liệt đầy hạnh phúc” [15, tr.84]. Mặc dù Annabelle tin tưởng rằng sẽ đến lúc Michel muốn hôn mình “muốn vuốt ve cái cơ thể mà nàng đang cảm thấy sự biến đổi” [15, tr.84] nhưng Michel “không có khả năng hôn Annabelle”. Sự bất thường của Michel được lý giải bằng những phân tích khoa học: “sự thiếu tiếp xúc với mẹ thời thơ ấu sẽ gây ra những xáo trộn cực kì nghiêm trọng về hành vi tình dục ở chuột cống đực, đặc biệt là sự ức chế trong hành vi cưa cẩm. Cuộc đời Michel sẽ phụ thuộc vào đó (và trong một mức độ rộng, nó quá phụ thuộc vào đó), cậu không có khả năng hôn Annabelle” [15, tr. 84]. Ức chế cảm xúc mà đặc biệt là sự lãnh cảm trong tình dục của Michel ngày càng trở nên “đậm đặc” hơn theo thời gian. “Một khối băng giá đã xâm chiếm lấy anh; thật sự, anh không còn có thể yêu được nữa” [15, tr. 326] và “bite của anh chỉ dùng để đi tiểu, không hơn” [15, tr. 34].

Nghệ thuật trần thuật trong “Hạt cơ bản” của Michel Houellebecg

Là con người khoa học, trí tuệ nhưng Michel Djerzinski không được tạo dựng như một nhân vật kiểu mẫu với khát khao thay đổi xã hội. Michel Djerzinski thực hiện các nghiên cứu khoa học để hiểu và nắm bắt thế giới. Đồng thời, đó cũng là cách mà Michel lí giải những vấn đề trong cuộc sống cá nhân và những người xung quanh. Nhân vật “hạt cơ bản” Michel luôn nhìn nhận cuộc sống, con người xung quanh với những tham số khoa học. Trong quan sát của Michel, Bruno “là cá nhân, về xác thịt nhưng các loại ý thức và các ham muốn thuộc về tổng thể thế hệ anh” [15, tr. 243]. Michel phân tích vẻ đẹp của Annabelle bằng những hooc môn và các bộ phận cơ thể: “Từ tuổi mười ba, dưới sự ảnh hưởng của các hooc môn progesterone và oestradiol tiết ra từ buồng trứng, các mô mỡ nổi phồng lên ở người thiếu nữ ở khoảng ngực và mông. Những bộ phận này, trong trường hợp tốt nhất, có được một dáng vẻ đầy đặn, hài hòa và tròn trịa; nhìn ngắm chúng tạo cho người đàn ông một ham muốn mãnh liệt… Annabelle có một cơ thể rất đẹp” [15, tr. 81 - 82]. Ngay cả bản thân mình, Michel cũng tiến hành “mổ xẻ” một cách khoa học: “Anh đã bước vào độ tuổi bốn mươi: liệu anh có là nạn nhân của khủng hoảng tuổi bốn mươi? Hiện tại điều kiện sống của những con người bốn mươi tuổi rất lý tưởng, họ đang sung mãn về thể chất. Những dấu hiệu đầu tiên – cả về vẻ bề ngoài lẫn phản ứng của các cơ quan hoạt động nhiều – cho thấy họ bước qua một bậc thềm nào đó, bắt đầu bước vào chặng đường đi đến cái chết thường chỉ bắt đầu rõ rệt ở tuổi bốn nhăm, thậm chí năm mươi” [15, tr. 34]. Có thể thấy rằng, con người, dưới cái nhìn của Michel không hiện lên với dáng vẻ bề ngoài đơn thuần mà được soi xét từ góc độ sinh học phân tử. Chính từ cái nhìn khoa học, Michel đã có trực giác về một hướng đi – một cuộc chuyển biến siêu hình học thứ ba – làm thay đổi toàn bộ thế giới. Dù không phải là người trực tiếp kiến tạo cuộc chuyển biến siêu hình học thức ba nhưng chính những nghiên cứu của Michel là sự gợi ý lớn để thế giới “hậu

Nghệ thuật trần thuật trong “Hạt cơ bản” của Michel Houellebecg

nhân loại” - nơi mà “khoa học và nghệ thuật vẫn luôn tồn tại… nhưng sự theo đuổi chân lý và cái đẹp, bớt bị thúc đẩy bởi tính phù phiếm cá nhân, trên thực tế đã mang một tính chất ít cấp bách hơn” ra đời [15, tr. 427]. Cũng khi đó, Michel hoàn thành vai trò là biểu tượng hóa ý niệm “hạt cơ bản” của mình.

Nhân vật Michel Djerzinski được xem là sự phát triển của nhân vật “Tôi” trong tiểu thuyết trước đó của Houellebecg: Mở rộng phạm vi đấu tranh. Ở tiểu thuyết này, Houellebecg đã xây dựng nhân vật Tôi mang những đặc điểm tương đồng với nhân vật Michel, đặc biệt là sự lãnh cảm gần như tuyệt đối với nhu cầu tình dục và niềm vui trong cuộc sống: “Tôi có cảm giác nó coi tôi như một biểu tượng thích đáng của sự cạn kiệt sức sống ấy. Không tình dục, không tham vọng và thú tiêu khiển, cũng gần như không luôn” [16, tr.42]. Hay cách nhìn con người, cuộc sống thông qua những tham chiếu khoa học hay dự đoán về một thế giới mới sẽ được thiết lập: “Dưới mắt chúng ta, thế giới đang đồng phục hóa; phương tiện viễn thông tiến bộ; trang thiết bị gia đình phong phú. Mối quan hệ con người ngày càng trở nên không thể, điều này giảm bớt số lượng giai thoại tạo nên cuộc sống. Cứ như thế, từng bước một, thần chết xuất hiện, trong vòng ánh sáng rực rỡ. Thiên niên kỷ thứ ba báo hiệu rồi đấy” [16, tr.23]. Ở Michel Djerzinski, những đặc tính này được Houellebecg cực đoan hơn. Bởi lúc này, mục đích của Hạt cơ bản không còn dừng lại ở việc “mở rộng phạm vi đấu tranh” nữa mà đã bước sang phạm vi cải tạo, thay đổi toàn bộ thế giới. Và cuộc chuyển biến siêu hình học thứ ba, do Michel Djerzinski gợi mở sẽ thực hiện nhiệm vụ đó. Điều đó lí giải việc không phải ngẫu nhiên mà Michel Houellebecg để cho nhân vật “hạt cơ bản” Michel Djerzinski mang tên của mình. Houellebecg dường như cũng muốn tạo ra một sự chuyển biến trong thế giới văn học và ông gửi gắm nó trong hình tượng nhân vật Michel Djerzinski.

Nghệ thuật trần thuật trong “Hạt cơ bản” của Michel Houellebecg

Có thể thấy rằng, nhân vật Michel Djerzinski đã được Houellebecg xây dựng với những đặc điểm tính cách – số phận mang nhiều tính biểu tượng. Với đặc tính khoa học nổi bật của một nhân vật “hạt cơ bản”, nhìn nhận con người xã hội cũng như chính bản thân mình qua những tham số khoa học, Michel vừa trở thành chứng nhân lịch sử đồng thời mang dáng dấp của nhân vật hành động, làm thay đổi thế giới dù anh không ý thức điều này.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong Hạt cơ bản của Michel Houellebecg.PDF (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)