Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật chung của Nhà nước liên quan đến hoạt động kinh doanh du lịch.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động kinh doanh du lịch tại tỉnh phú thọ (Trang 46)

Luật Du lịch được ban hành năm 2005 gồm 88 điều quy định về hoạt động du lịch ở Việt Nam cùng với Nghị định 92/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch, Thông tư 88/2008/TT-BVHTTDL, Thông tư 89/2008/TT-BVHTTDL hướng dẫn thi hành Nghị định 92/2007/NĐ-CP hình thành nên hệ thống văn bản pháp luật cơ bản điều chỉnh hoạt động du lịch trên thực tiễn. Từ hệ thống văn bản pháp luật này, các địa phương theo thẩm quyền của mình tiếp tục ban hành các văn bản dưới luật để triển khai áp dụng Luật Du lịch phù hợp với thực tiễn cụ thể tại từng địa phương. Tất cả họp thành một hệ thống văn bản pháp quy trực tiếp điều chỉnh các lĩnh vực hoạt động của ngành du lịch ở từng địa phương và trên phạm vi cả nước. Đồng thời nó trở thành công cụ hàng đầu để các cơ quan nhà nước tiến hành hoạt động quản lý nhà nước về du lịch có hiệu lực và hiệu quả, trong đó du lịch Phú Thọ cũng không ngoại lệ.

Bên cạnh đó, do đặc thù du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, nên có thể thấy ngoài Luật Du lịch và hệ thống các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành, còn tồn tại một hệ thống các văn bản pháp luật khác trực tiếp hoặc gián tiếp điều chỉnh các hành vi cụ thể trong lĩnh vực du lịch. Trong đó nổi lên hai đạo luật là Luật Di sản văn hóa và Luật Doanh nghiệp có tác động sâu sắc tới hoạt động du lịch trên thực tiễn. Có thể nêu lên hàng loạt các quy định pháp

luật trực tiếp tham gia điều chỉnh hoạt động du lịch như quy định về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, về quản lý nhà nước về di sản văn hóa hay các quy định pháp luật về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp ... của các đạo luật này.

Trong điều chỉnh hoạt động du lịch và tiến hành quản lý nhà nước về du lịch thì Luật Du lịch là một đạo luật chuyên ngành được sử dụng làm căn cứ pháp lý hàng đầu để giải quyết mọi vấn đề nảy sinh trong lĩnh vực du lịch. Vì vậy khi ban hành các văn bản dưới Luật về lĩnh vực du lịch không được trái với Luật Du lịch, hoặc chồng chéo lên nhau. Nó phải nằm trong một thể thống nhất từ cao xuống thấp, từ những quy định chung đến những quy định cụ thể để thuận chiều và tạo thuận lợi cho quá trình triển khai áp dụng Luật Du lịch cũng như quản lý nhà nước về du lịch ở các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp quận - huyện - thị xã, xã - phường - thị trấn,...Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phải nắm chắc các điều khoản của Luật Du lịch để làm căn cứ chính xác cho quá trình tiến hành quản lý nhà nước về du lịch như xây dựng văn bản dưới luật, hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm tại các cơ sở kinh doanh du lịch, tránh tình trạng chỉ nắm được các văn bản cụ thể mà địa phương ban hành, không nắm chắc văn bản đầu nguồn là Luật Du lịch. Không thực hiện nghiêm túc yêu cầu này, không nắm chắc Luật Du lịch thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch.

Mặt khác một số điều khoản của Luật Du lịch còn chưa thể hiện tính tương đồng nhất quán so với quy định tại các Luật khác có liên quan dẫn đến thực trạng vận dụng trong hoạt động quản lý nhà nước về du lịch gặp khó khăn và chưa đồng bộ. Ví dụ như quy định về “tài nguyên du lịch” của Luật Du lịch còn khác biệt, chưa đồng thuận với quy định của Luật Di sản văn hóa

về “di sản văn hóa” dẫn đến các quy định về thẩm quyền quản lý “di sản văn hóa” (hay “tài nguyên du lịch” theo cách gọi của Luật Du lịch) xung đột...

Cơ chế giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực du lịch còn thiếu hiệu quả. Mặc dù Luật Du lịch và Nghị định 149/2007/NĐ-CP (vừa được thay thế bằng Nghị định 16/2012/NĐ-CP) đã quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch tương đối chi tiết, đầy đủ, bao quát cơ bản các dạng hành vi vi phạm trong lĩnh vực du lịch nhưng trên thực tế, phải nói là cơ chế giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực du lịch còn rất thiếu hiệu quả.

Việc tổ chức thực hiện Luật Du lịch ở Phú Thọ hiện nay vẫn đang còn tồn tại một số vấn đề như việc không nắm chẳc các điều khoản Luật Du lịch để làm căn cứ chính xác cho quá trình tiến hành quản lý Nhà nước về du lịch, vẫn còn tồn tại hiện tượng chỉ nắm được văn bản cụ thể mà địa phương ban hành, không nắm chắc văn bản đầu nguồn là Luật Du lịch. Ngoài ra trong quá trình thực thi Luật Du lịch, việc nắm vững và áp dụng các điều khoản của Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành vào thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước về du lịch tại Phú Thọ còn nhiều chỗ chưa đúng, chưa đồng nhất. Trong đó đặc biệt là hoạt động ban hành văn bản hướng dẫn, áp dụng ở cấp huyện - thị xã. Khi ban hành các quy định mang tính pháp lý được áp dụng theo địa bàn, các cơ quan quản lý nhà nước mang quyền lực lãnh thổ thường có hướng xa rời các quy định mang tính Luật chuyên ngành, trong đó có Luật Du lịch. Thực trạng này thường gây nên khó khăn lớn cho các địa phương trong thu hút đầu tư, phát triển du lịch bền vững bởi trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, môi trường đầu tư và môi trường kinh doanh luôn đòi hỏi sự minh bạch, công bằng và nhất quán của hệ thống pháp luật trên toàn thị trường để phát triển, không chấp nhận tính cục bộ địa phương gây cản trở đến hoạt động kinh doanh, phát triển du lịch.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động kinh doanh du lịch tại tỉnh phú thọ (Trang 46)