Kinh nghiệm của Quảng Ninh

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động kinh doanh du lịch tại tỉnh phú thọ (Trang 29 - 32)

Quảng Ninh là một tỉnh ở địa đầu Đông Bắc Việt Nam, nằm giữa các kinh độ đông 106o26’ -108o31’3’’ và các vĩ độ bắc 20o40’- 21o40’, khoảng dài nhất từ đông sang tây là 195km, từ bắc xuống nam là 102km.

Phía bắc giáp Quảng Tây (Trung Quốc) với đường biên giới dài 132,8 km và tỉnh Lạng Sơn. Phía tây giáp Bắc Giang, Hải Dương, phía nam giáp Hải Phòng, Phía đông nam giáp biển Đông với 250km bờ biển.

Địa hình được chia ra thành các vùng đồi núi, vùng trung du đồng bằng và vùng biển đảo. Vùng núi miền đông gồm hai dãy núi chính là Quảng Nam Châu và Cao Xiêm có độ cao trên dưới 1400m. Miền tây là những dãy núi thuộc cánh cung Đông Triều với hai đỉnh Yên Tử và Am Váp cao trên 1000m. Vùng trung du và đồng bằng ven biển: gồm những dải đồi thấp và những cánh đồng ven các triền sông và bờ biển, trong đó đồng bằng Yên Hưng và Đông Triều là mầu mỡ nhất và là những vựa lúa chính của tỉnh. Địa hình đáy biển Quảng Ninh không bằng phẳng, độ sâu trung bình là 20m có những lạch sâu là di tích các dòng chảy cổ và có những dải đá ngầm làm nơi sinh trưởng các rạn san hô rất phong phú đa dạng. Đặc biệt vùng biển Quảng Ninh có Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới với hàng ngàn đảo đá nguyên là vùng địa hình karts bị nước bào mòn tạo nên cảnh đẹp độc đáo, kỳ vĩ độc nhất vô nhị trên thế giới. Vùng ven biển và hải đảo Quảng Ninh ngoài những bãi bồi phù sa còn có nhùng bãi cát trắng, bãi biển tuyệt đẹp như Trà cổ, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng.

Tỉnh Quang Ninh có gần 500 di tích lịch sử, văn hoá, nghệ thuật... gắn với nhiều lễ hội truyền thống, trong đó có những di tích nổi tiếng của quốc gia như chùa Yên Tử, đền Cửa Ông, di tích lịch sử Bạch Đằng, chùa Long Tiên, đình Quan Lạn... đây là những điểm thu hút khách thập phương đến với các loại hình du lịch văn hoá, tôn giáo, nhất là vào những dịp lễ hội.

Du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Ninh. Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của các ngành, các cấp trong tỉnh, ngành du lịch Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, phong phú hơn, nhiều điểm du lịch mới được đưa vào hoạt động.

Có được những kết quả tích cực nói trên về quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh du lịch, tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng thực hiện các giải pháp chủ yếu sau: Thực hiện các biện pháp, phương pháp thích hợp để nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tê - xã hội của tỉnh; tăng cường tuyên truyền, giáo dục về pháp luật du lịch nhằm giúp họ hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành; xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch tổng thể, lâu dài, hợp lý và các quy hoạch, kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn phát triển trên cơ sở coi trọng bảo vệ môi trường; đảm bảo an toàn cho du khách; có chính sách nhằm tăng cường thu hút vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành. Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhằm đưa công nghệ thông tin hiện đại vào quản lý du lịch; đặt văn phòng xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm, tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế để quảng bá du lịch của tỉnh. Thực hiện các chương trình tuyên truyền, quảng bá theo chuyên đề kết hợp những sự kiện thể thao, văn hóa, lễ hội lớn trên phạm vi toàn quốc và tham gia.

UBND tỉnh Quảng Ninh kịp thời đưa ra các quy chế, nghị quyết để tăng cường công tác quản lý về kinh doanh hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động du lịch, hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh

Vào đầu năm 2013 UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành "Quy chế tạm thời quản lý môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn" theo đó các đơn vị, tổ chức và cá nhân kinh doanh du lịch trên vịnh Hạ Long nói riêng, cũng như trên địa bàn Quảng Ninh nói chung, nếu vi phạm quy chế trên của tỉnh sẽ có thể bị tước giấy phép kinh doanh hoặc bị đình chỉ hoạt động.

Theo đó, Quảng Ninh nghiêm cấm việc bán hàng rong, chèo kéo khách, đánh giầy không đúng nơi quy định, ăn xin; cấm việc nâng giá tùy tiện và ép

khách mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ với giá cao hơn giá đã kê khai, đăng ký và niêm yết...

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận chuyển khách du lịch trên vịnh Hạ Long khi đưa khách đi tham quan phải tuân thủ đúng các hành trình, tuyến, điểm tham quan đã được ghi trong giấy phép rời cảng. Khi cho khách thuê tàu phải có hợp đồng bằng văn bản cụ thể với khách hoặc hình thức vé cước theo quy định; phải kê khai, niêm yết giá cước rõ ràng trên từng tàu du lịch; không được để phương tiện khác bám vào phương tiện của mình để mua bán hàng hóa, dịch vụ (trừ trường hợp khẩn cấp, cứu nạn).

Nếu các cá nhân, hoặc tổ chức vi phạm quy chế có thể phải chịu hình thức xử lý từ tạm dừng kinh doanh từ 5 hoặc 10 ngày đến chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ, hay bị tước giấy phép kinh doanh. Các hành vi đeo bám khách du lịch, bán hàng rong tại khu vực cấm, người ăn xin trên vịnh Hạ Long sẽ bị Ban quản lý vịnh Hạ Long xử lý, tạm giữ, cách ly phương tiện, hàng hóa, hoặc đưa người ăn xin vào các cơ sở bảo trợ xã hội.

Liên quan đến việc quản lý di sản - kỳ quan thiên nhiên này, ngày 12/12/2012, Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã ban hành "Nghị quyết về việc tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long giai đoạn 2013 - 2015, tầm nhìn đển năm 2020", trong đó quy định phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản với các mục tiêu cụ thể trên cơ sở bảo vệ vững chắc, lâu dài nguồn tài nguyên thiên nhiên của di sản...

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động kinh doanh du lịch tại tỉnh phú thọ (Trang 29 - 32)