Thu BHXH có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động cũng như tồn tại của cả hệ thống BHXH. Nó là khâu đầu tiên có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ hoạt động của hệ thống BHXH ở Việt Nam, Đây cũng là một trong những công tác trọng tâm của hoạt động BHXH. Vì vậy, nếu thực hiện tốt công tác thu thì BHXH mới có thể phát huy tối đa vai trò to lớn của mình. Ta đi phân tích các vai trò chủ yếu:
Thứ nhất, Vai trò tạo lập và cân đối Quỹ BHXH:
Công tác thu BHXH có vai trò chủ chốt trong việc tạo lập và cân đối Quỹ BHXH. Thu BHXH được triển khai sẽ tạo ra một quỹ tài chính. Quỹ này được tạo ra nhằm đảm bảo khả năng tài chính và chi trả các chế độ BHXH, mục tiêu lâu dài là tạo lập một quỹ tài chính độc lập với ngân sách Nhà nước, sẽ giúp giảm chi từ ngân sách Nhà nước trong việc chi trả các chế độ BHXH. Thu đủ số lượng và thu đúng thời gian quy định sẽ tạo ra một khoản tiền tạm thời nhàn rỗi tương đối lớn mà chưa được sử dụng tới (đặc biệt là Quỹ hưu trí tử tuất là các quỹ dài hạn), khoản tiền này sẽ được dùng để đầu tư sinh lời như : Dùng mua trái phiếu Chính phủ, mua tín phiếu kho bạc, mua công trái, đầu tư vào các công trình trọng điểm quốc gia được Chính phủ đồng ý song các chương trình dự án đầu tư phải đảm bảo yếu tố an toàn bảo tồn quỹ…
Như vậy thu BHXH có vai trò rất lớn trong việc tạo lập và cân đối Quỹ. Nó mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia và nhất là bảo toàn được giá trị của Quỹ trước tình trạng lạm phát, giá cả ngày càng gia tăng. Vì vậy nếu thu không đủ số lượng, không đúng thời gian quy định sẽ dẫn đến tình trạng thu không đủ chi dẫn đến tình trạng thâm hụt Quỹ, hoạt động BHXH bị gián đoạn và ảnh hưởng đến nguồn ngân sách của Nhà nước.
Thứ hai, Vai trò trong việc đảm bảo quyền lợi của người tham gia:
Thu BHXH là bảo vệ quyền lợi của NLĐ trong các đơn vị tham gia BHXH, đây là quyền lợi chính đáng và hợp pháp của NLĐ. Nhưng vì các đơn vị SDLĐ phải
đóng 2/3 BHXH, còn NLĐ chỉ phải đóng 1/3 nên nhiều đơn vị không đóng BHXH cho NLĐ, điều này đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Do đó, nếu tăng cường công tác quản lý thu, phát hiện các trường hợp trốn đóng, nợ đọng BHXH. Từ đó sẽ có các biện pháp buộc các đơn vị phải nộp BHXH đầy đủ cho NLĐ nhằm đảm bảo được quyền lợi cho người tham gia.
Mặt khác khi Quỹ BHXH được cân đối cũng có nghĩa là Quỹ luôn luôn có đủ các nguồn lực để chi trả trợ cấp cho các chế độ BHXH. Những người tham gia BHXH khi gặp rủi ro, khi hết tuổi lao động, khi nghỉ thai sản… được BHXH trợ cấp kịp thời sẽ góp phần ổn định cuộc sống cho họ và gia đình họ. Ngoài ra, đối với các rủi ro như dịch bệnh lớn mặc dù người SDLĐ không phải là người trực tiếp được hưởng nhưng họ lại là người được lợi nhiều nhất vì không phải bỏ ra những khoản chi phí lớn cho NLĐ, từ đó sẽ tránh được những nợ nần dẫn đến việc phải phá sản…
Thứ ba, Vai trò trong việc ổn định và phát triển kinh tế xã hội:
Nếu xét theo tầm vĩ mô khi số thu lớn hơn số chi thì Quỹ BHXH được Chính phủ cho phép thực hiện các biện pháp đầu tư tăng trưởng nhằm mục đích cung ứng tiền tạm thời nhàn rỗi trên thị trường tài chính để đầu tư phát triển kinh tế xã hội nhằm mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cho đất nước.
. Qua đó, cũng tạo điều kiện cho đơn vị phát triển, đời sống NLĐ cũng được ổn định hơn. Nhằm góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội của quốc gia.