Cơ quan giám sát thị trường bảo hiểm phi nhân thọ

Một phần của tài liệu Giám sát thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam (Trang 28)

Để giám sát thị trường bảo hiểm phi nhân thọ có nhiều hệ thống tham gia giám sát. Thứ nhất là giám sát của cơ quan giám sát nhà nước đối với thị trường; thứ hai là hệ thống tự giám sát của lãnh đạo và ban quản trị doanh nghiệp được qui định bắt buộc trong các văn bản pháp luật, đây là hệ thống quản lý rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm; thứ ba là giám sát của các tổ chức độc lập như kiểm toán độc lập, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng,… Trong phạm vi của luận án chỉđề cập đến hoạt động giám sát của cơ quan giám sát nhà nước đối với thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.

Cơ quan giám sát thị trường là tổ chức được giao các chức năng thực hiện giám sát các hoạt động của thị trường nhằm đảm bảo cho thị trường ổn định và phát triển theo đúng mục tiêu đã định. Để hoạt động giám sát đạt được hiệu quả thì cơ quan giám sát phải được trao quyền. Theo nguyên tắc giám sát bảo hiểm số 2 “Cơ quan

giám sát” của IAIS, nêu rõ: “cơ quan giám sát có đủ quyền hạn, cơ sở pháp lý và nguồn lực tài chính để thực hiện chức năng và quyền hạn của mình, có nguồn nhân sự chất lượng cao” [34].

Nhằm tăng cường tính độc lập và thống nhất của cơ quan giám sát, cần có quy

định pháp lý xác định cơ quan nào chịu trách nhiệm giám sát các DNBH; cần có quy

định rõ ràng về việc bổ nhiệm, bãi nhiệm người đứng đầu cơ quan giám sát. Cơ quan giám sát có quyền phân bổ các nguồn lực theo mục tiêu và rủi ro; Cơ quan giám sát phải hoạt động độc lập với ảnh hưởng thương mại, nhân tố chính trị bên ngoài trong việc thực hiện các chức năng và quyền hạn của mình. Muốn vậy, cơ quan giám sát phải có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện nhiệm vụ của mình. Quy định pháp lý cho phép cơ quan giám sát đủ quyền lực để ban hành và thực hiện các quy định giám sát. Tính

độc lập sẽ giúp cho hoạt động giám sát đáng tin cậy và hiệu quả. Đểđáp ứng được yêu cầu giám sát thị trường cơ quan giám sát phải có đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, bằng cách thường xuyên đào tạo cán bộ hoặc có thể thuê chuyên gia bên ngoài nếu cần thiết. Cán bộ của cơ quan giám sát phải được luật pháp bảo vệ.

Điều quan trọng là xác định mối quan hệ giữa cơ quan giám sát và các cơ quan liên quan bao gồm quy trình chia sẻ thông tin, tham gia ý kiến và phối hợp trong hoạt

động giám sát của các bộ, ngành liên quan. Việc trao đổi thông tin một cách có hiệu quả và kịp thời giữa các cơ quan giám sát, không chỉ giữa cơ quan quản lý bảo hiểm với nhau mà còn giữa các cơ quan giám sát bảo hiểm với khu vực dịch vụ tài chính trong trường hợp DNBH đa quốc gia, các tập đoàn bảo hiểm hay các tập đoàn tài chính. Việc chia sẻ thông tin nên được thực hiện chính xác, nhanh chóng và thuận tiện trong bối cảnh các vấn đề giám sát quan trọng cần được chú trọng. Các cơ quan giám sát cần chia sẻ thông tin nhiều hơn về các vấn đề có liên quan đến trục lợi bảo hiểm, nạn rửa tiền và đấu tranh chống khủng bố về tài chính. Cơ quan giám sát cần duy trì bí mật thông tin nhận được từ các cơ quan giám sát khác.

Bảo hiểm là một ngành dịch vụ đặc biệt, là một thị trường nhỏ trong thị trường dịch vụ tài chính bao gồm ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Tùy thuộc vào mức

độ phát triển của thị trường tài chính ở từng nước mà 3 lĩnh vực này sẽ có mức độ gắn kết khác nhau. Nó ảnh hưởng tới mô hình giám sát cụ thể của từng lĩnh vực, do đó khi xem xét mô hình giám sát của thị trường bảo hiểm nên xem xét nó trong mô hình giám sát của thị trường tài chính để thấy được mối quan hệ cũng như sự tác động qua lại ảnh

hưởng đến hiệu quả giám sát của từng mô hình. Trên thế giới hiện nay đang tồn tại các mô hình cơ quan giám sát thị trường bảo hiểm chủ yếu sau (Phụ lục 1: Các mô hình cơ

quan giám sát thị trường tài chính):

- Mô hình giám sát theo định chế (Institutional) - Mô hình giám sát theo chức năng (Functional) - Mô hình giám sát lưỡng đỉnh (Twin peak)

- Mô hình giám sát hợp nhất: Gồm hợp nhất hoàn toàn (full integration) và hợp nhất một phần (partial integration).

Tùy theo tình hình phát triển của thị trường tài chính cũng như ý chí chủ quan của các cơ quan giám sát mà mỗi nước sẽ lựa chọn mô hình phù hợp cho mình. Mỗi mô hình đều có những ưu, nhược điểm khác nhau. Trong mỗi mô hình, tùy theo đặc điểm cấu trúc của thị trường tài chính từng quốc gia, cũng như các vấn đề về văn hóa, lịch sử, chính trị và mức độ phát triển của thị trường tài chính của từng nước, mà các cơ

quan giám sát thị trường sẽ trực thuộc các cấp có thẩm quyền khác nhau. Cơ quan giám sát thị trường bảo hiểm có thể là Phòng Quản lý giám sát bảo hiểm, Vụ Quản lý giám sát bảo hiểm, hoặc Cục Quản lý giám sát bảo hiểm hay Ủy ban Giám sát dịch vụ tài chính trực thuộc Bộ Tài chính hoặc trực thuộc Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước.

Đối với những nước thị trường bảo hiểm chưa phát triển, nhận thức của công chúng về bảo hiểm còn thấp, hệ thống khuôn khổ pháp lý còn đang trong quá trình hoàn thiện thì cơ quan giám sát bảo hiểm thường chỉ là một phòng nằm trong một Vụ

quản lý về thị trường tài chính hoặc một Vụ trực thuộc Bộ Tài chính hoặc Ngân hàng và thường áp dụng theo mô hình giám sát định chế (ví dụ như Lào).

Đối với các nước có thị trường bảo hiểm phát triển, ngành bảo hiểm có vai trò quan trọng tác động đến cơ cấu của nền kinh tế, nhận thức của người dân về bảo hiểm

ở mức độ cao thì cơ quan giám sát bảo hiểm thường là một cơ quan giám sát độc lập

được tổ chức dưới dạng Ủy ban giám sát (ví dụ như Mỹ, Pháp, Ý,..)

Đối với các nước có nhiều tập đoàn tài chính đa ngành, khuôn khổ pháp lý được thiết lập đầy đủ cho từng lĩnh vực dịch vụ tài chính, với mô hình giám sát tài chính hợp nhất thì bộ phận giám sát thị trường bảo hiểm sẽ là một bộ phận độc lập nằm trong Cơ

quan Giám sát Tài chính hợp nhất (ví dụ như Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc).

Nhưng cho dù với mô hình nào thì cơ quan giám sát bảo hiểm cần đạt được những yêu cầu đã đề ra trong nguyên tắc số 1 của IAIS.

Một phần của tài liệu Giám sát thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam (Trang 28)