Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Chi nhánh Công ty được xác định căn cứ vào đơn giá bán và số lượng hàng hóa bán ra hay khối lượng dịch vụ thực tế cung cấp. Đối với hoạt động thương mại doanh thu các khoản giảm trừ doanh thu như chiết khấu hàng bán được trừ thẳng vào giá bán cho khách hàng nên doanh thu bán hàng hóa được xác định theo giá bán ghi trên hóa đơn. Việc xác định doanh thu bán hàng cũng không phức tạp do không có hàng bán bị trả lại. Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ, doanh thu được xác định căn cứ vào đơn giá quy định và khối lượng dịch vụ cung cấp.
Hiện nay, tại Chi nhánh Công ty CP TMDV Vùng đất kỹ thuật số đang áp dụng tài khoản doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ theo Quyết định 48/2006/ QĐ - BTC ngày 14/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính là TK 511 “ Doanh thu bán
hàng và cung cấp dịch vụ”
Tại Chi nhánh Công ty tất cả các doanh thu bán hàng và dịch vụ phát sinh trong kỳ đều được kế toán hạch toán hết vào TK 511. Tài khoản này không được chi tiết theo doanh thu của từng loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh của Chi nhánh Công ty. Điều này khiến cho việc theo dõi, đánh giá doanh thu của từng loại mặt hàng hay từng loại dịch vụ trở lên khó khăn.
Thời điểm doanh thu được ghi nhận, kế toán ghi nhận doanh thu vào bên CÓ của TK 511 theo đúng trị giá của hàng hóa, dịch vụ chưa tính thuế GTGT ghi trên hóa đơn bán hàng và cung cấp dịch vụ và ghi nhận vào bên NỢ các TK liên quan. Phương pháp kế toán như sau:
- Đối với Hợp đồng hay đơn đặt hàng mua hàng hóa, dịch vụ thanh toán ngay áp dụng với những giao dịch có giá trị nhỏ ( < 10.000.000 đồng) kế toán nghiệp vụ như sau:
Nợ TK111,112: giá trị hàng hóa ghi trên Hợp đồng Có TK 511: Giá hàng hóa chưa có thuế GTGT Có TK 3331: Thuế GTGT phải nộp
Đối với Hợp đồng hay đơn đặt hàng mua hàng hóa, dịch vụ thanh toán đặt cọc trước và thanh toán phần còn lại sau khi nhận được hàng hóa, dịch vụ:
Một điều khoản trong Hợp đồng kinh tế hay Đơn đặt hàng của khách hàng mang tính chất bắt buộc và là bằng chứng để Hợp đồng kinh tế hay Đơn đặt hàng có hiệu lực là: trong khoảng thời gian nhất định bên mua sẽ phải đặt cọc một khoản tiền bằng số % giá trị hợp đồng (thông thường là 30%), nếu ngoài thời gian trên bên bán không nhận được khoản đặt cọc của bên mua thì Hợp đồng hay Đơn đặt hàng sẽ không còn hiệu lực và bên bán không phải chịu bất kỳ trách nhiệm gì với bên mua. Vì vậy, có thể nói Hợp đồng kinh tế, đơn đặt hàng có hiệu lực và Chi nhánh Công ty có trách nhiệm giao hàng theo đúng chủng loại, số lượng và thời gian cho bên mua kể từ ngày Chi nhánh Công ty nhận được khoản tiền đặt cọc của bên mua. Đồng nghĩa với điều đó thì doanh thu từ hoạt động kinh tế đó được ghi nhận, và số tiền bằng số % giá trị còn lại của Hợp đồng hay đơn đặt hàng được theo dõi ở Sổ chi tiết công nợ. Đối với trường hợp này, kế toán ghi:
Bút toán 1: Khi nhận được tiền đặt cọc Nợ TK 11211: Giá trị khoản đặt cọc Có TK 131: Giá trị khoản đặt cọc
Bút toán 2: Khi hàng hóa được giao cho bên mua Nợ TK 131: Giá trị hợp đồng
Có TK 511: trị giá hàng bán (giá bán chưa có thuế GTGT) Có TK 3331: thuế GTGT phải nộp
- Đối với Hợp đồng hay đơn đặt hàng mua hàng hóa, dịch vụ thanh toán sau khi nhận được hàng hóa, áp dụng đối với bạn hàng truyền thống lấy hàng thường xuyên, kế toán như sau:
Nợ TK 131: Giá trị hàng hóa, dịch vụ cung cấp
Có TK 511: Giá trị hàng hóa, dịch vụ chưa tính thuế GTGT Có TK 3331: Thuế GTGT phải nộp
Ngày 13/01/2012, theo hợp đồng kinh tế số 10012012 DGL/TKC (Phụ lục 3.1) Chi nhánh Công ty xuất hàng bán cho Công ty TNHH Thương mại TKC máy chủ IBM X3650 M3 ( 7495 D2A), giá trị trước thuế là: 68.373.000 đồng, thuế GTGT 10% là: 6.837.300 đồng. Tổng giá trị thanh toán là: 75.210.300 đồng. Hình thức thanh toán: Chuyển khoản. Công ty TNHH Thương mại TKC thanh toán tiền hàng trong vòng 3 ngày sau khi nhận được hàng hóa .
Kế toán hạch toán nghiệp vụ kinh tế này như sau:
Nợ TK 131: 75.210.300 ( số tiền phải thu của khách hàng) Có TK 511: 68.373.000 ( giá bán chưa có thuế GTGT) Có TK 3331: 6.837.300 ( thuế GTGT phải nộp)
- Riêng đối với dịch vụ bảo hành máy chủ thương hiệu IBM, cuối quý kế toán tập hợp khối lượng dịch vụ bảo hành trong kỳ theo báo cáo của phòng bảo hành, viết hóa đơn dịch vụ xuất sang Công ty TNHH IBM Việt Nam để ghi nhận doanh thu (Phụ lục 3.5), và doanh thu này sẽ được ghi nhận vào quý sau, kế toán như sau:
Nợ TK 131: Giá trị dịch vụ thực hiện trong kỳ
Có TK 511: Giá trị dịch vụ chưa tính thuế GTGT Có TK 3331: Thuế GTGT phải nộp
Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, chính sách thanh toán tiền hàng hóa hay dịch vụ mà Chi nhánh Công ty đưa ra rất linh hoạt theo từng giao dịch cụ thể. Thông thường khách hàng được phép công nợ trong vòng 10 ngày. Tuy nhiên thì không phải khách hàng nào cũng đảm bảo được thời hạn thanh toán như trên Hợp đồng.Vì vậy việc theo dõi thanh toán với khách hàng tốn khá nhiều thời gian. Sổ chi tiết TK 131 “ Phải thu khách hàng” được lập ra để theo dõi tình hình công nợ của khách hàng.
Bảng 3.3: Tình hình công nợ quý I/2012
Chỉ tiêu Phát sinh
Nợ Có
Số dư đầu kỳ 2.242.735.841 54.816.000
Số phát sinh trong kỳ 8.244.702.519 6.608.833.990
Số dư cuối kỳ 3.873.461.970 49.673.600
( Nguồn: số liệu từ sổ chi tiết công nợ quý I/2012 của Chi nhánh Công ty CP TMDV Vùng đất kỹ thuật số)
Qua khảo sát thực tế khảo sát ở đơn vị, tác giả thấy rằng tỷ lệ khách hàng thanh toán ngay là rất thấp và tập trung chủ yếu là những đơn hàng có giá trị nhỏ, hầu hết khách hàng đều thực hiện thanh toán làm nhiều đợt và thời hạn công nợ thường kéo dài hơn so với thời gian quy định. Qua bảng số liệu trên, có thể thấy rằng trị giá tiền công nợ của khách hàng đối với Chi nhánh Công ty cuối quý I/2012 là con số rất lớn, cho thấy nguồn vốn kinh doanh của Chi nhánh Công ty đang bị các đơn vị khác chiếm dụng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh của Chi nhánh Công ty. Chính vì vậy công tác quản lý và xử lý công nợ tại Chi nhánh Công ty cần được quan tâm, chú trọng hơn.