Bài học kinh nghiệm từ công ty Mía Đường

Một phần của tài liệu Đầu tư phát triển tại công ty TNHH thương mại và dịch vụ công nghiệp Nhật Minh (Trang 69)

Mía đường là một trong những ngành trọng điểm của nước ta. Đây là một ngành được đánh giá là có tiềm năng phát triển khi mà sản lượng sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng 70% nhu cầu tiêu thụ. Trong những năm qua, các công ty mía đường Việt Nam có kết quả kinh doanh khá tốt do nhu cầu thị trường và giá cả buôn bán trên thị trường không ngừng tăng. Tuy vậy, cũng không thể bỏ qua những sai lầm trong đầu tư tư của ngành này khiến cho nhiều đơn vị thua lỗ và phải chuyển đổi. Trường hợp cụ thể được nhắc đến ở đây là nhà máy mía đường Linh Cảm tại Hà Tĩnh. Sai lầm ở đây được xác định là do việc đầu tư theo phong trào, mía đường chưa có quy hoạch mà chỉ mới có tổng quan mía đường. Tổng quan này chỉ định hướng chung chứ chưa phải là quy hoạch. Muốn làm quy hoạch phải có nghiên cứu đầy đủ và cụ thể hơn và mỗi khi cần xuất hiện nhà máy ở đâu thì phải nghiên cứu quy hoạch cả vùng nguyên liệu.

Nhưng do chạy theo phong trào, khi xác định được nhu cầu tiêu thụ đường của thị trường còn ở mức dưới tiềm năng, tổng công ty mía đường đã quyết định đầu tư mà không qua quá trình nghiên cứu các điều kiện. Khi chọn Linh Cảm làm nơi thực hiện đầu tư người ta chủ quan không điều tra, không quy hoạch, không nghiên cứu điều kiện thực tế của vùng trồng nguyên liệu. Vùng Linh Cảm huyện Đức Thọ Hà Tĩnh là vùng trồng lúa rất tốt. Theo tính toán khi trồng lúa trên diện tích này bình quân thu được 35- 40 triệu đồng/ ha/ năm. Nhưng nếu trồng mía, năng suất cao nhất là 80 tấn/ha. Với giá mía 220.000 đồng/tấn thì chỉ được gần 20 triệu đồng/ha. Trồng mía thu nhập chỉ bằng 1/2-1/3 cây trồng khác nên người dân không thể tập trung trồng mía được. Lượng mía thu hoạch được ít thì nhà máy không có nguyên liệu. Nhà máy đường Linh Cảm khi đi vào sản xuất vụ đầu tiên chỉ chạy được có 15 ngày và không có nguyên liệu để tiếp tục sản xuất. Như vậy, có thể thấy, xuất phát từ việc đầu tư theo phong trào, không có quy hoạch cụ thể đã dẫn đến việc nhà máy phải ngừng sản xuất. Chi phí thiệt hại là vô cùng lớn do mất hàng tỷ đồng để xây dựng mặt bằng tại Linh Cảm nhưng lại không thể tiếp tục hoạt động. Thêm vào đó còn có chi phí chuyển nhà máy đến địa điểm khác. Từ kết cục này đã rút ra cho những chủ đầu tư một bài học kinh nghiệm quý báu về việc lựa chọn phương án để tiến hành đầu tư một cách có hiệu quả.

Một phần của tài liệu Đầu tư phát triển tại công ty TNHH thương mại và dịch vụ công nghiệp Nhật Minh (Trang 69)