Chính sách phi thuế quan

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: tHỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG HOA KỲ (Trang 29)

Hạn ngạch nhập khẩu

Hạn ngạch được áp đặt bởi Chính phủ nhằm kiểm soát số lượng hàng hóa thâm nhập vào Hoa Kỳ, bảo vệ quyền lợi của một số thành phần sản xuất nào đó, và được phản ánh qua các đạo luật của Quốc hội Hoa Kỳ. Con số hạn ngạch được cho phép nhập khẩu thông thường là kết quả thương thảo giữa hai quốc gia. Nếu chưa có sự thỏa thuận, Hoa Kỳ có thể đơn phương tuyên bố một con số hạn ngạch nào đó và tự áp dụng.

Có hai loại hạn ngạch: Hạn ngạch tuyệt đối (absolute quota)Hạn ngạch thuế quan (tariff-rate quota). Hạn ngạch tuyệt đối là loại tính trên số lượng cho phép nhập hàng năm. Nếu số lượng nhập đã vượt chỉ tiêu thì hàng nhập phải tái xuất ra khỏi Hoa Kỳ hoặc đưa vào kho Hải Quan chờ tái xuất hoặc đợi hạn ngạch mới. Hạn ngạch thuế quan cho phép một lượng nhất định hàng hóa nào đó trong một thời gian nào đó được nhập khẩu với mức thuế thấp (ưu đãi). Phần vượt quá chỉ tiêu có thể được nhập nhưng phải chịu mức thuế suất cao hơn đối với số hàng trong hạn ngạch.

Cho đến cuối năm 2006, hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ vẫn phải chịu hạn ngạch thuế quan, gây nhiều bất lợi cho tình hình xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Tuy nhiên, tuân thủ cam kết của WTO và các thỏa thuận song phương, hàng dệt may của các doanh nghiệpViệt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ sau 1/1/2007 sẽ được dỡ bỏ hạn ngạch, tạo điều kiện thuận lợi cho phía Việt nam tăng cường xuất khẩu mặt hàng chủ lực sang Hoa Kỳ.

Việc Hoa Kỳ bãi bỏ hạn ngạch không đồng nghĩa với việc dỡ bỏ hoàn toàn những bất lợi cho các doanh nghiệpViệt Nam. Bởi mặc dù bãi bỏ hạn ngạch nhưng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu 5 nhóm hàng của Việt Nam (gồm áo, quần, đồ lót, quần áo bơi và áo len) nếu thấy có dấu hiệu Chính phủ trợ cấp cho các doanh nghiệp thì Hoa Kỳ sẽ lập tức tái áp dụng quy chế hạn ngạch.

Hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật và cấp phép nhập khẩu

Hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật của Hoa Kỳ được đánh giá là phức tạp nhất trong các hàng rào kỹ thuật trên thế giới. Với mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng, Hoa Kỳ chỉ cho phép những hàng hoá đáp ứng được các tiêu chuẩn của hàng rào kỹ thuật do các cơ quan quản lý chuyên ngành đặt ra mới được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ, bao gồm những tiêu chuẩn sinh, hoá, lý và tuỳ thuộc vào chủng loại hàng. Các rào cản kỹ thuật trong thương mại được sử dụng trong hầu hết các ngành công nghiệp, và đặc biệt là đối với các sản phẩm nông nghiệp chế biến. Các quy định về môi trường đối với sản phẩm nông nghiệp trở nên phức tạp hơn, mặc dù đã có những sáng kiến để làm giảm bớt các quy định khắc khe. Đối với mỗi loại mặt hàng lại có quy chế nhập khẩu riêng biệt. Tính đến nay, một số lượng đáng kể các sản

phẩm thủy sản của Việt Nam đã bị trả lại ngay từ khi làm thủ tục nhập khẩu tại các cảng của nước này do không phù hợp với các quy định của Hoa Kỳ về yếu tố môi trường, an toàn thực phẩm…Điều này đã gây ra nhiều thiệt hại cho các nhà sản xuất và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Năm 2002, Hoa Kỳ ban hành Đạo luật chống khủng bố sinh học. Luật này tạo điều kiện cho Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phản ứng nhanh chóng trước các nguy cơ khủng bố và ra các báo hiệu khẩn cấp liên quan đến việc cung cấp thực phẩm. Đạo luật này quy định rằng FDA và Cơ quan Hải quan Biên mậu (CBP) của Hoa Kỳ có thể cấm nhập khẩu các thực phẩm không đăng ký theo quy định và các sản phẩm không có đủ những thông tin cần thiết. Đạo luật bắt đầu có hiệu lực từ 12/8/2004 và được áp dụng rộng rãi. Đạo luật này có nhiều quy định được xem như những rào cản thương mại đối với những hàng hoá hiện đang và sẽ được nhập khẩu vào Hoa Kỳ.

Quy định về nhãn mác, thương hiệu, bản quyền của hàng hoá.

Luật về nhãn hiệu hàng hoá ở Hoa Kỳ tồn tại nhiều quy định do các cơ quan chức năng khác nhau ban hành nhằm bảo vệ lợi ích các chủ sở hữu về nhãn hiệu, tên thương mại, tác quyền và sáng chế. Đạo luật về nhãn hiệu năm 1946 cấm nhập khẩu những sản phẩm làm nhái theo những thương hiệu đã được đăng ký tại Hoa Kỳ, hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn. Đạo luật thuế quan năm 1930 cho phép các cơ quan hải quan của Hoa Kỳ cấm nhập các sản phẩm từ nước ngoài mang nhãn hiệu đã được các tổ chức, công dân Hoa Kỳ đăng ký tại Hoa Kỳ. Các quy định của Hoa Kỳ cũng cho phép tác giả và chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hoá nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu tại cơ quan có thẩm quyền và nộp phí đăng ký theo quy định. Hoa Kỳ có hai đạo luật quy định về chức năng cơ bản của hệ thống đăng ký quốc gia và phạm vi ban hành các quy phạm pháp luật liên quan. Đạo luật về các thủ tục hành chính ban hành nhằm thiết lập một hệ thống đồng bộ các quy định cho các cơ quan quản lý hành chính, còn Đạo luật đăng ký toàn liên bang ban hành để bổ sung những yêu cầu quan trọng áp dụng cho hệ thống đăng ký liên bang.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: tHỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG HOA KỲ (Trang 29)