1 Tập trung mở cửa kinh tế để thúc đẩy xuất khẩu

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: tHỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG HOA KỲ (Trang 39)

Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp để mở cửa nền kinh tế bao gồm: Trung Quốc ưu tiên phát triển các đặc khu kinh tế. Ngay từ những năm 1979, Trung Quốc đã thành lập các đặc khu xuất khẩu, nhưng ngay sau đó đã đổi thành đặc khu kinh tế vì các đặc khu xuất khẩu bị hạn chế ở khả năng chế biến và xuất khẩu. Sau đó, các đặc khu kinh tế được phát triển thành các khu trung tâm thương mại lớn, có các cơ sở gia công xuất khẩu tiên tiến, những khu sinh hoạt có chất lượng cao với đầy đủ tiện nghi phục vụ, những trung tâm thông tin quốc tế lớn. Việc xây dựng các trung tâm thương mại lớn được thực hiện bằng bước thứ nhất, chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo cán bộ quản lý và công nhân lành nghề và bước thứ hai, huy động vốn đầu tư, tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh theo điều kiện của từng đặc khu. Xây dựng các loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư khác nhau: vốn trong nước, vốn nước ngoài hay vốn liên doanh.

Trung Quốc còn ưu tiên tập trung mở cửa các thành phố ven biển. Trung Quốc tiến hành mở cửa 14 thành phố vùng duyên hải, thành lập tại đây các khu công nghiệp kỹ thuật cao, thực thi chính sách khuyến khích các loại hình gia công xuất khẩu để tận dụng nguồn lao động dồi dào, đồng thời áp dụng các biện pháp để nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu ngành nghề vùng ven biển. Các thành phố ven biển là các khu vực mở cửa về kinh tế - kỹ thuật, trở thành những cầu cảng lớn giúp Trung Quốc hướng ra thị trường Thái Bình Dương, Tây Âu và Bắc Hoa Kỳ. Các thành phố này được hưởng các quy chế ưu tiên như tại các đặc khu kinh tế trong hoạt động xuất khẩu nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.

Chính phủ Trung Quốc tiến hành đổi mới bộ máy tổ chức ngoại thương cho ngày càng gọn nhẹ, giảm bớt sự rườm rà trong thủ tục hành chính, giúp cho hoạt động xuất khẩu thuận lợi. Để giúp các xí nghiệp ngoại thương thoát khỏi tình trạng lệ thuộc và thiếu năng động, Trung Quốc đã từng bước tách chức năng của chính quyền khỏi họat động của xí nghiệp. Nhờ đó các xí nghiệp ngoại thương đã có được quyền hạn thực sự, chủ động hơn trong hoạt động của mình …

Bên cạnh việc đưa quyền tự chủ kinh doanh xuống các địa phương, Trung Quốc còn thực hiện chế độ trách nhiệm khoán ngoại thương. Hình thức khoán được thực hiện theo phương thức: Tổng công ty ngoại thương Trung ương giao khoán xuất nhập khẩu trực tiếp cho các địa phương. Các địa phương chịu trách nhiệm về mặt xuất khẩu, thu ngoại tệ xuất khẩu và giao nộp ngoại tệ lên trên, bảo đảm đầy đủ chỉ tiêu với nhà nước. Sau khi đã nhận khoán, các địa phương giao chỉ tiêu khoán xuống các doanh nghiệp và cơ sở hoạt động ngoại thương trong tỉnh, thành phố hay huyện. Chế độ khoán này được xây dựng dựa trên cơ sở điều chỉnh hối suất, xoá bỏ chế độ bù lỗ xuất khẩu đối với các xí nghiệp ngoại thương.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: tHỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG HOA KỲ (Trang 39)