Những vấn đề còn hạn chế

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: tHỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG HOA KỲ (Trang 60)

8 Tổng hợp từ: Sách Xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam các năm từ 2002 đến 2011, Nhóm tác giả: Vụ Thống kê Thương mại dịch vụ Tổng cục Thống kê, NXB Thống kê

2.4.2. Những vấn đề còn hạn chế

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong giai đoạn vừa qua vẫn còn những hạn chế nhất định, phát triển chưa bền vững.

Thứ nhất là, nhìn chung, một số mặt hàng chủ lực còn trong tình trạng sản xuất nhỏ và manh mún, liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu còn yếu nên hết sức khó khăn để thâm nhập thị trường Hoa Kỳ, một thị trường đòi hỏi khối lượng quy mô lớn và giá cả cạnh tranh. Kỹ thuật chế biến sử dụng ở nhiều lĩnh vực xuất khẩu đã lỗi thời, chậm được đổi mới do khả năng tài chính eo hẹp của các doanh nghiệp. Cho tới nay, Việt Nam vẫn chưa hình thành được hệ thống các ngành công nghiệp phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Dệt may và giày dép phụ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu gần hết trị giá xuất khẩu. Sự lệ thuộc vào nguyên phụ liệu nước ngoài không những làm cho tiền lãi thực sự không bao nhiêu, mà còn khiến sản phẩm Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường Hoa Kỳ.

Thứ hai là, giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu còn thấp do chủ yếu dựa vào khai thác các yếu tố về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động rẻ. Chính sách phát triển xuất khẩu trong thời gian qua quá chú trọng đến chỉ tiêu về số lượng, chưa thật sự quan tâm đến chất lượng và hiệu quả xuất khẩu. Chúng ta chưa khai thác một cách hiệu quả lợi thế cạnh tranh xuất khẩu dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý… để tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, có khả năng tham gia vào khâu tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tính đến hết năm 2009, tỷ trọng hàng xuất khẩu công nghệ cao của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, tỷ lệ này của Trung Quốc là 35%, Thái Lan là 40%, Malaysia là 60%. Điều đáng nói là tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam ít thay đổi trong 10 năm gần đây. Nhìn vào cơ cấu giá trị trong mỗi đơn vị hàng hoá xuất khẩu có thể thấy có nhiều mặt hàng nếu Việt Nam càng xuất khẩu được nhiều thì càng thiệt thòi bởi chủ yếu những mặt hàng này được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô và sơ chế. Sau nhiều năm chật vật, tỷ trọng hàng Việt Nam xuất khẩu đã qua chế biến, cho dù còn thô sơ, cũng mới chỉ dừng lại ở mức gần 40% tổng lượng hàng xuất khẩu.

Thứ ba là, việc mở rộng xuất khẩu đang có nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường. Tăng trưởng xuất khẩu của nước ta hiện nay chủ yếu dựa vào việc khuyến khích khai thác các nguồn lợi tự nhiên và sử dụng ngày càng nhiều các yếu tố đầu vào làm gia tăng áp lực gây ô nhiễm.

Thứ tư là, nhiều vấn đề xã hội nảy sinh từ hoạt động xuất khẩu mà chúng ta chưa có cơ chế, chính sách để giải quyết hiệu quả. Chia sẻ lợi ích từ xuất khẩu chưa thật bình đẳng, đặc biệt là lợi ích thu được từ các nhóm hàng xuất khẩu có nguồn gốc thiên nhiên. Khoảng cách giàu nghèo trong quá trình tự do hóa thương mại đang có chiều hướng gia tăng. Cơ hội về thu nhập và việc làm dựa vào xuất khẩu chưa thật sự bền vững đối với nhóm xã hội dễ bị tổn thương là người có thu nhập thấp, khu vực nông nghiệp. Xung đột chủ thợ có xu hướng gia tăng…

Thứ năm là, khả năng chủ động nắm bắt những cơ hội thuận lợi để thâm nhập và khai thác thị trường Hoa Kỳ của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do đại bộ phận các doanh nghiệp xuất khẩu có quy mô nhỏ, yếu về năng lực, kém về kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh thương mại quốc tế. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam khi bán hàng cho đối tác Hoa Kỳ ít quan tâm đến các vấn đề pháp lý liên quan, vì vậy, thường gặp nhiều rủi ro về mặt pháp lý trong giao dịch thương mại với doanh nghiệp nước ngoài. Một vướng mắc khác mà doanh nghiệp hay gặp là thủ tục hải quan khi xuất hàng vào thị trường Hoa Kỳ. Phần lớn những trục trặc về thủ tục này rơi vào trường hợp doanh nghiệp chưa biết cách điền vào tờ khai, khai không đúng số lượng, chi tiết về hàng hóa trong bảng kê…

Thứ sáu là, công tác của mạng lưới đại diện thương mại ở Hoa Kỳ còn nhiều yếu kém, chưa thực sự hỗ trợ tốt cho hoạt động xuất khẩu. Các chương trình xúc tiến thương mại còn nhỏ lẽ, rời rạc và hiệu quả chưa cao. Trình độ của đội ngũ tác nghiệp còn hạn chế, chưa giàu kinh nghiệm. Nguồn lực dành cho hoạt động xúc tiến thương mại dù được ưu tiên, tăng cường, nhưng vẫn còn thiếu hụt so với yêu cầu.

CHƯƠNG 3:

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: tHỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG HOA KỲ (Trang 60)