Những khó khăn

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: tHỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG HOA KỲ (Trang 70)

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM SANG HOA KỲ TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

3.2.2.2. Những khó khăn

Bên cạnh những cơ hội lớn thì những thách thức khi tiếp cận thị trường Hoa Kỳ cũng không phải là nhỏ và ít.

Trở ngại lớn nhất của chúng ta khi xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ chính là gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của các mặt hàng Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đã vượt Canada trở thành nước xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ. Năm 2010, Trung Quốc xuất khẩu vào Hoa kỳ đạt 364,9 tỷ USD13 giá trị hàng hóa, chiếm xấp xỉ 18,86% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ (1.934,5 tỷ USD)14. Đối với các mặt hàng mà Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ như dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện tử, đồ chơi...thì Trung Quốc cũng đều chiếm thị phần rất lớn tại Hoa Kỳ.

Thứ hai, chúng ta là người đến sau, nên có nhiều thiệt thòi hơn. Việt Nam bị cấm vận buôn bán với Hoa Kỳ cho đến năm 1994 và mãi đến tháng 12/2001 khi Hiệp định thương mại song phương giữa hai nước có hiệu lực thì quan hệ thương mại giữa ta và Hoa Kỳ mới thực sự được bình thường hóa và hàng của các doanh nghiệp Việt Nam khi đó mới được hưởng thuế nhập khẩu tối huệ quốc (mức thuế bình thường áp dụng với hầu hết các nước khác của Hoa Kỳ). Chúng ta bắt đầu xuất khẩu sang Hoa Kỳ khi mà các đối thủ cạnh tranh đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường này. Do đó, không dễ để thuyết phục được các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ đang nhập từ các bạn hàng quen thuộc của họ ở các nước khác chuyển sang nhập khẩu hàng của Việt Nam. Nếu muốn họ mua hàng, buộc hàng của chúng ta phải rẻ hơn hoặc tốt hơn hoặc độc đáo hơn hoặc phải có cái gì đó hấp dẫn hơn là các bạn hàng quen thuộc của họ.

Thứ ba, còn phải kể đến những rào cản trong pháp luật và các kỹ thuật đối với thương mại. Hoa Kỳ được biết tới là quốc gia có hệ thống luật pháp phức tạp và nhiều rào cản kỹ thuật đối với thương mại. Liên tiếp trong những năm gần đây, các 13 http://www.uschina.org/statistics/tradetable.html

doanh nghiệp Việt Nam thường gặp khó khăn về tiêu chuẩn lao động và môi trường khi xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ cùng các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ giá; hàng rào kỹ thuật và an toàn thực phẩm ... Cụ thể, cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ gặp khó khăn với quy định về nhập khẩu phải truy xuất nguồn gốc theo đạo luật Lacey; dệt may có thể bị liên đới cùng từ các vụ kiện chống lại Trung Quốc ... Đặc biệt, theo quy định mới trong chính sách kiểm soát các mặt hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ, mỗi nhãn hiệu xuất hiện trên thị trường nước này cần đảm bảo tuân thủ các quy định quốc tế về nguyên vật liệu và cả quy trình sản xuất. Điều này đòi hỏi các nhà máy tại Việt Nam phải vượt qua sự thẩm định của cơ quan chức năng để đạt được chứng nhận. Bắt đầu từ 1/1/2011, Hoa Kỳ chính thức áp dụng các luật mới về tiêu chuẩn an toàn sản phẩm và các chất bị hạn chế đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu được coi là thế mạnh của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ, như sản phẩm giày da, may mặc, đồ gỗ, các mặt hàng tôm, cá ...

Thứ tư, tuy đã có MFN nhưng chưa có ưu đãi GSP. Đây là chương trình hỗ trợ mà một số nước phát triển dành cho các nước đang phát triển bằng việc miễn giảm thuế nhập khẩu sản phẩm từ các nước này. Hiện tại Hoa Kỳ đang dành cho hơn 130 nước và vùng lãnh thổ quy chế GSP với khoảng 3.600 dòng thuế. Việt Nam hiện đang xuất khẩu vào Hoa Kỳ các sản phẩm thuộc khoảng 1.000 dòng thuế trong số này. Mặc dù Việt Nam đã yêu cầu việc được hưởng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) từ Hoa Kỳ từ năm 2008, nhưng cho đến nay, Mỹ vẫn chưa chấp thuận đưa Việt Nam vào danh sách các nước được hưởng GSP. Việc này gây khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam khi cạnh tranh về giá cả trên thị trường Mỹ.

Ngoài ra, khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt còn gặp phải khó khăn về chi phí và những đòi hỏi về tiêu chuẩn năng lực của một doanh nghiệp. Thị trường xa, chi phí vận tải và giao dịch cao dẫn đến các mặt hàng cồng kềnh trị giá thấp rất khó cạnh tranh. Thị trường đầy cạnh tranh và nhiều rảo cản như vậy nhưng năng lực đáp ứng của các doanh nghiệp Việt Nam lại rất hạn chế. Quy mô các doanh nghiệp của Việt Nam nhỏ, phần đông còn dừng ở gia công thuần túy, chưa làm OEM được trong khi các doanh nghiệp Mỹ thường không đặt gia công mà đặt mua hàng hoặc đặt sản xuất theo thiết kế, mẫu mã và tiêu chuẩn kỹ thuật của họ.

Hơn nữa, Việt Nam đã và đang gặp phải rất nhiều vấn đề trong những quy định của luật lệ thương mại Mỹ mà điển hình là luật chống bán phá giá. Gần đây nhất, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đang tiến hành các bước thắt chặt hơn pháp luật về phòng vệ thương mại với một loạt đề xuất thay đổi liên quan đến việc đối xử với các nền kinh tế phi thị trường trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp theo hướng bất lợi hơn cho các bị đơn. Cũng giống như Trung Quốc, Việt Nam vẫn bị Mỹ coi là nền kinh tế phi thị trường. Bên cạnh đó, một số giới chức và doanh nghiệp Mỹ lo ngại hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam có nguy cơ tiềm tàng gây bất lợi cho các ngành sản xuất nội địa Mỹ bởi các nhà xuất khẩu Trung Quốc có xu hướng chuyển đầu tư đặt nhà máy sản xuất hàng hóa ở Việt Nam để trốn thuế chống bán phá giá, sau đó xuất khẩu vào Mỹ. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ rất khó tránh khỏi “vạ lây”.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: tHỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG HOA KỲ (Trang 70)