Thúc đẩy cải thiện quan hệ Mỹ Nga

Một phần của tài liệu Chuyên Đề Tác động của hiệp ước start mới đến vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân (Trang 68)

5 Hiện tại, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc lớn nhất thế giới với 2.4 nghìn tỷ USD và năm 2010 vừa qua, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới Sự phát triển của lực lượng quân độ

2.3.1. Thúc đẩy cải thiện quan hệ Mỹ Nga

Trước thời điểm thay đổi ê-kíp lãnh đạo Obama – Medvedev (5/2008), quan hệ Mỹ - Nga đang rơi vào tình trạng khá căng thẳng. Quan hệ Mỹ - Nga trong giai đoạn 1991 – 1994 diễn ra khá tốt đẹp. Nguyên nhân chủ yếu là do định hướng “thân phương Tây” của chính quyền B. Yeltsin. Tuy nhiên kể từ năm 1995, quan hệ song phương bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều mâu thuẫn. Việc NATO mở rộng về hướng Đông khiến Nga cảm thấy không gian ảnh hưởng bị thu hẹp. Dư luận trong nước Nga cho rằng những kết quả yếu kém trên lĩnh vực kinh tế giai đoạn này là do sự can thiệp của phương Tây vào công việc nội bộ nước Nga đầu những năm 1990 [78; 28]. Đặc biệt từ sau cuộc chiến tranh Kosovo năm 1999, quan hệ Mỹ - Nga trở nên căng thẳng hơn. Chính sách đơn phương, cứng rắn của chính quyền G. Bush và chính sách không khoan nhượng của V. Putin lại càng khiến cho quan hệ giữa hai nước xấu đi, giai đoạn từ 2003 – 2008 được coi là giai đoạn tồi tệ nhất. Nga phản đối mạnh mẽ Mỹ can thiệp quân sự vào Iraq và đợt mở rộng NATO mới trong đó có 3 nước thuộc Xô viết cũ (Estonia, Latvia và Lithuania). Nga cũng mạnh mẽ phản đối việc Mỹ triển khai tên lửa phòng thủ tại Trung và Đông Âu, do lo ngại ảnh hưởng đến khả năng răn đe hạt nhân. Đỉnh điểm là cuộc chiến tranh 5 ngày Nga tiến hành tại Nam Ossetia đã thực sự đặt quan hệ Mỹ - Nga trước thử thách đổ vỡ.

Tuy nhiên khi Obama trở thành Tổng thống, mối quan hệ giữa Nga và Mỹ bắt đầu được cải thiện. Tổng thống Obama cho rằng đã đến lúc cả hai nước cần

“nhấn nút khởi động” lại mối quan hệ này. Trong đó, điểm nhấn chính của “nút khởi động” này là việc đàm phán, ký kết Hiệp ước START mới.

Việc ký kết START mới rõ ràng đã mang đến những cơ hội hợp tác mới trong mối quan hệ chiến lược Mỹ - Nga. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga S. Lavrov đã nhận xét “Hiệp ước đã mở ra một cánh cửa của những cơ hội, mang đến sự hợp tác mới và thực chất đồng thời đảm bảo bất kỳ vấn đề nào cũng được giải quyết trên tinh thần đối tác tin cậy, dựa vào thái độ tôn trọng và bầu không khí cởi mở. Hiệp ước mới cũng có thể tạo xung lực cho tất cả các sáng kiến cùng có lợi mới trong nhiều lĩnh vực. Nó không nên chỉ là “phần mềm” duy nhất cho chương trình “tái khởi động”, chúng ta sẽ còn có nhiều vấn đề cần hợp tác”.

Ngay sau khi đàm phán bắt đầu, bầu không khí trong mối quan hệ song phương được cải thiện. Lập trường của Nga và Mỹ đã gặp nhiều điểm đồng trong giải quyết một vài vấn đề còn tồn tại. Trong một văn bản năm 2009, hai bên đã đồng ý “tìm ra các phương cách hợp tác mới để tạo thuận lợi cho những nỗ lực quốc tế… tại Afghanistan, cũng như trong bối cảnh khu vực”. Điều này thể hiện sự sẵn sàng hợp tác của Nga. Mặt khác, Nga cũng đồng ý có thái độ cứng rắn hơn trong vấn đề Bắc Triều Tiên với tuyên bố về kế hoạch phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên là “có thể phá hoại sự ổn định và hòa bình của khu vực”. Thêm vào đó, Nga cùng với Mỹ thúc giục Triều Tiên “kiềm chế tập trận và theo sát những nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.

Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Obama đến Mát- xcơ-va tháng 7/2009, hai bên đã đạt được những thỏa thuận về một số vấn đề có lợi ích chung. Bên cạnh Bản thỏa thuận sơ bộ về Khuôn khổ cơ bản của Hiệp ước START, hai Tổng thống đã ký 7 văn kiện và tuyên bố, bao gồm Tuyên bố chung về vấn đề phòng thủ tên lửa – trong đó, đồng ý tiến hành đánh giá về nguy cơ tên lửa đạn đạo. Đồng thời một Uỷ ban Tổng thống song phương (Bilateral Presidential Commission) đã được thiết lập để tăng cường hợp tác Nga – Mỹ trên tất cả lĩnh vực cũng như giám sát sự phát triển của mối quan hệ. Uỷ ban này đã tạo ra một kênh thông tin mới cho cả hai Tổng thống, giúp họ hợp tác chặt chẽ hơn nữa, từ đó giúp đưa ra những quyết định chính

xác đối với các vấn đề nổi lên trong quan hệ song phương. Hai Tổng thống đã ký Thỏa thuận chuyển tiếp đường bay sang Afghanistan qua không phận Nga, cho phép 4500 chuyến bay mỗi năm để vận chuyển vũ khí và các đơn vị quân đội sang Afghanistan. Điều này cho phép đa dạng hóa đường bay của Mỹ, giảm thời gian chuyển tiếp và tiết kiệm nhiên liệu cho chính phủ Mỹ khoảng 133 triệu USD mỗi năm. Hiện tại 30% số lượng đơn vị quân đội Mỹ tại Afghanistan qua lại tuyến bay này [78; 43].

Tổng thống Medvedev và Obama cũng thông qua một Tuyên bố chung về Hợp tác Hạt nhân, trong đó thừa nhận “trách nhiệm đặc biệt đối với an ninh của VKHN” và đồng ý mở rộng mối quan hệ nhằm tăng cường mức độ an ninh của các cơ sở hạt nhân trên toàn thế giới. Mỹ cam kết sẽ cố gắng mở trung tâm trao đổi dữ liệu chung với Nga. Trung tâm này có mục đích giảm hoặc loại trừ hoàn toàn khả năng xảy ra một vụ tai nạn phóng tên lửa do nhầm lẫn. Trung tâm sẽ cho phép hai nước chia sẻ thông tin nhanh chóng và chính xác. Đồng thời, hai nước nhất trí nối lại các mối liên hệ quân sự. Vào tháng 9/2010, 5 năm sau chuyến thăm trước đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga đã đến thăm Lầu Năm Góc. Bộ trưởng Serdyukov và Bộ trưởng Robert Gates đã ký kết Bản ghi nhớ về tương lai mối quan hệ Mỹ - Nga, thay thế cho văn kiện năm 1993 và nối lại các cuộc tập trận quân sự chung, các cuộc trao đổi, giao lưu quân đội. Tháng 8/2010, Nga và Mỹ đã ký kết văn kiện đầu tiên quy định về tập trận chung chống khủng bố hàng không “Vigilant Eagle” có kế hoạch từ năm 2008.

Như vậy, có thể coi Hiệp ước START mới chính là nút tái khởi động quan hệ Mỹ - Nga vốn đóng băng và căng thẳng nhất dưới thời chính quyền G. Bush từ sau Chiến tranh lạnh đến nay. Thực tế đã chứng minh, việc đàm phán và ký kết START đã mở ra cơ hội cho hai nước đối thoại, hợp tác giải quyết những vấn đề chung trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực chống phổ biến VKHN.

Một phần của tài liệu Chuyên Đề Tác động của hiệp ước start mới đến vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân (Trang 68)