Những hạn chế của quá trình cắt giảm VKHN

Một phần của tài liệu Chuyên Đề Tác động của hiệp ước start mới đến vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân (Trang 39)

HIỆP ƯỚC START MỚI VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG ĐẾN VẤN ĐỀ CHỐNG PHỔ BIẾN VŨ KHÍ HẠT NHÂN

2.1.2.Những hạn chế của quá trình cắt giảm VKHN

Phong trào đấu tranh cắt giảm và chống phổ biến VKHN từ trong Chiến tranh lạnh diễn ra rất mạnh mẽ, nhận được sự hưởng ứng từ cộng đồng quốc tế. Tiến trình chống phổ biến loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này cũng đã có những bước tiến đáng kể như thiết lập quy chế Không phổ biến VKHN; thành lập các khu vực phi VKHN; các hiệp ước song phương cắt giảm VKHN giữa Nga và

Mỹ… Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ chế này vẫn chưa hiệu quả và chưa thực sự đáp ứng được mong mỏi của nhân loại.

2.1.2.1. Quy chế Không phổ biến vũ khí hạt nhân

Hiệp ước Không phổ biến VKHN được ký kết ngày 1/7/1968 và có hiệu lực từ ngày 5/3/1970, là một thành tố nòng cốt của quy chế chống phổ biến VKHN toàn cầu (Xem chi tiết tại Phụ lục 1). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Hiệp ước NPT nói riêng và quy chế không phổ biến nói chung đã bộc lộ những điểm yếu: thiếu cơ chế giám sát và thi hành; tồn tại những lỗ hỏng trong pháp lý; thất bại của các nước sở hữu hạt nhân trong việc cam kết giải giáp vũ khí; những điều khoản chưa đầy đủ về kỹ thuật hạt nhân lưỡng dụng…

Các nước sở hữu VKHN theo Hiệp ước NPT phải đảm bảo nguyên liệu và kỹ thuật từ các hoạt động dân sự không bị chuyển đổi thành chương trình sản xuất vũ khí. Cơ quan IAEA chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ giám sát sự tuân thủ hiệp ước của các nước và hỗ trợ các nước khác phát triển công nghệ hạt nhân dân sự. Song IAEA không có đủ khả năng giám sát tất cả các lò phản ứng hạt nhân trên toàn thế giới. Thách thức của IAEA đang gia tăng do ngày càng nhiều quốc gia muốn xây dựng các nhà máy hạt nhân để đáp ứng nhu cầu về nhiên liệu và giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu tự nhiên. Dù quy mô của NPT và quyền hạn của IAEA tương đối rộng song vẫn tồn tại lỗ hổng pháp lý quan trọng: hiệp ước có sự tham gia của 189 quốc gia nhưng có 3 trong số 9 quốc gia hạt nhân - Ấn Độ, Israel, và Pakistan không phải là thành viên của NPT và Bắc Triều Tiên đã rút khỏi hiệp ước vào năm 2003. Ví dụ việc giải quyết trường hợp của Ấn Độ khi nước này từ chối ký hiệp ước NPT, không bị ràng buộc bởi bất kỳ cam kết nào trong NPT, trong khi vẫn nhận được sự hỗ trợ hạt nhân dân sự từ Mỹ - vốn trước đây chỉ dành cho các nước tham gia NPT và chịu thanh sát toàn diện. Điều này không chỉ làm xói mòn các hiệp định đã được các nước không sở hữu hạt nhân ký mà còn gây ảnh hưởng đến cam kết giải trừ vũ khí của các nước có VKHN [5; 78]. Bên cạnh đó, việc Mỹ - Ấn ký kết Hiệp định

hợp tác hạt nhân dân sự đã khiến nguyên tắc các nước nằm ngoài NPT không được nhận sự hỗ trợ như thành viên của NPT bị thách thức lớn.

Hơn nữa, NPT không được thiết lập để giải quyết vấn đề phổ biến VKHN của các chủ thể phi nhà nước. Sau vụ tấn công 11/9 tại Mỹ, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ban hành Nghị quyết 1540 như một công cụ pháp lý có tính ràng buộc, yêu cầu tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc tuân thủ và thực thi những biện pháp để ngăn ngừa các chủ thể phi nhà nước giành được WMD. Tuy nhiên, khá nhiều quốc gia trong Đại Hội đồng cho rằng Hội đồng Bảo an không có quyền áp đặt một nghị quyết có tính ràng buộc trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, hai thành tố quan trọng của Quy chế Không phổ biến chưa bao giờ có hiệu lực, mà phần lớn là do Mỹ và một số cường quốc hạt nhân từ chối thông qua. Đó là Hiệp ước CTBT – cấm thử hạt nhân toàn diện năm 1996 và Hiệp ước FMCT – cắt giảm các nguyên liệu phân hạch. Hiệp ước CTBT được 182 quốc gia ký kết nhưng hiệp ước này chỉ có hiệu lực khi toàn bộ 44 quốc gia sở hữu VKHN và các nhà máy hạt nhân dân sự phê chuẩn. Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Pakistan và Mỹ chưa thực hiện phê chuẩn. Bên cạnh đó, những nỗ lực để hoàn thiện văn kiện FMCT để cấm sản xuất nguyên liệu làm giàu phục vụ cho VKHN đã tạm ngừng. Mỹ bị chỉ trích vì những tiến triển chậm chạp của hai hiệp ước trên.

Một trong những vấn đề đang thách thức Quy chế chống phổ biến đó là việc thiếu các cơ chế quản lý và thực thi hiệu quả của IAEA. Tài chính, nguồn nhân lực, khả năng thu thập tin tức của IAEA vẫn chưa đáp ứng được thực tế để có thể ngăn chặn, răn đe hoặc trừng phạt những hành động vi phạm NPT. Trong năm 2010, ngân sách dành cho các cuộc thanh sát của IAEA xấp xỉ 164 triệu USD [66]. Thậm chí, IAEA không thể tiếp cận các cơ sở hạt nhân để thực hiện quy định như những cơ sở của Iran, Bắc Triều Tiên; hoặc nguyên liệu hạt nhân vẫn tìm đến được thị trường đen từ các cơ sở mà IAEA giám sát, ví dụ như ở Pakistan.

2.1.2.2. Một số Hiệp ước song phương Mỹ - Nga

* Hiệp ước ABM

Được ký kết vào năm 1972, hiệp ước giữa Mỹ và Nga nhằm hạn chế hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, ngăn cấm việc phát triển, thử nghiệm hoặc triển khai các hệ thống này hoặc lập một căn cứ để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ hai nước. Hiệp ước ABM được coi là nền tảng cho việc duy trì cân bằng chiến lược hạt nhân giữa Mỹ và Nga. Tuy nhiên, Hiệp ước ABM lại là trung tâm của các cuộc tranh cãi, cân nhắc trong các đời Tổng thống Regan, George H.W.Bush và Clinton, khi họ phải xử lý tình thế khó khăn là vừa muốn bảo vệ nước Mỹ khỏi một cuộc tấn công tên lửa đạn đạo song lại vướng phải những quy định trong ABM. Tuy nhiên, Tổng thống George W. Bush đã giải quyết vấn đề này bằng cách rút khỏi hiệp ước ABM năm 2002.

* Hiệp ước START I

Sau hơn 15 năm thực hiện, Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược START I sẽ hết hiệu lực vào năm 2009, đồng nghĩa với việc cơ chế pháp lý ràng buộc giữa Mỹ - Nga trong vấn đề cắt giảm, hạn chế lực lượng hạt nhân có nguy cơ suy yếu bởi đây là hiệp định cơ bản trong mối quan hệ chiến lược hạt nhân giữa hai quốc gia này. Ở Hiệp ước START quy định rất rõ số lượng cắt giảm, các loại vũ khí sẽ bị dỡ bỏ, các cơ chế kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhằm đảm bảo tính hiệu quả của Hiệp ước. Hơn nữa, Hiệp ước cho phép hai bên xây dựng lòng tin, giảm bớt nguy cơ đối kháng hạt nhân, thậm chí là chạy đua vũ trang. Vì vậy, việc Hiệp ước START I hết hạn vào năm 2009 buộc hai Mỹ và Nga phải cân nhắc và nghĩ tới một hiệp ước pháp lý mới hoặc những cơ chế kiểm soát mới.

* Hiệp ước Mát-xcơ-va

Đây là Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (hay còn gọi là hiệp ước SORT) được ký kết vào năm 2002. Hiệp ước đã giúp cắt giảm mạnh số lượng VKHN của Mỹ và Nga, tuy nhiên, SORT bị chỉ trích vì thiếu các cơ chế kiểm tra, thanh sát số đầu đạn hạt nhân có bị dỡ bỏ theo Hiệp ước hay được lưu

lại trong kho. Đồng thời, Hiệp ước cũng không có những biện pháp tăng tính minh bạch trong việc tính số đầu đạn, từ đó dẫn đến việc hai bên khó quản lý kho VKHN của nhau và gây khó khăn trong việc định ra số lượng hạn chế loại vũ khí này ở những bản hiệp ước cắt giảm tiếp theo [42].

Ngoài ra, Hiệp ước START II không được thực hiện và Hiệp ước START III không được đàm phán. Rõ ràng, khung pháp lý cho tiến trình cắt giảm VKHN giữa Mỹ - Nga cần được bổ sung và củng cố khi START I sắp hết hạn; còn Hiệp ước Mát-xcơ-va lại bộc lộ nhiều điểm yếu, đặc biệt trong yếu tố quan trọng nhất là cơ chế thanh tra để đảm bảo hai bên tuân thủ lộ trình cắt giảm của Hiệp ước.

Một phần của tài liệu Chuyên Đề Tác động của hiệp ước start mới đến vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân (Trang 39)