Lợi ích của Nga và Mỹ trong START mớ

Một phần của tài liệu Chuyên Đề Tác động của hiệp ước start mới đến vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân (Trang 47)

HIỆP ƯỚC START MỚI VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG ĐẾN VẤN ĐỀ CHỐNG PHỔ BIẾN VŨ KHÍ HẠT NHÂN

2.1.4.Lợi ích của Nga và Mỹ trong START mớ

* Lợi ích của Mỹ

Việc ký kết và thông qua Hiệp ước START mới có thể mang lại những lợi ích đáng kể cho Mỹ. Đối với lực lượng hạt nhân của Nga, Hiệp ước START mới có thể cắt giảm đáng kể, mà cụ thể là số đầu đạn hạt nhân chiến lược đã được triển khai. Điều này có nghĩa là hàng trăm đầu đạn của Nga sẽ không còn được triển khai trên các tên lửa đạn đạo, có thể hướng vào Mỹ. Đối với Mỹ, Hiệp ước START mới vẫn giúp Mỹ duy trì lực lượng răn đe mạnh và đáng tin cậy, cũng như không ngăn cản kế hoạch triển khai chương trình tên lửa phòng thủ [18].

Hơn nữa, một hiệp ước mới thay thế Hiệp ước START I hết hạn sẽ giúp Mỹ tái khởi động lại việc thanh sát lực lượng chiến lược của Nga. Khi START I kết thúc, Mỹ cũng mất đi cơ hội kiểm tra thực địa đối với kho VKHN của Nga, trong khi đó, Hiệp ước Mát-xcơ-va 2002 lại không bao gồm những điều khoản về quản lý, thanh tra. Hiệp ước START mới có thể tái thiết lập việc thu thập thông tin về VKHN của Nga mà Hoa Kỳ không thể có được theo những cách khác. Ví dụ: vệ tinh và các công cụ tình báo khác không thể nhìn vào trong tên lửa của Nga để xem khả năng chúng mang được bao nhiêu đầu đạn hạt nhân, nhưng một hiệp ước như START với các điều khoản thanh sát thực địa mới thực hiện được. Hiệp ước có thể giúp Hoa Kỳ dự đoán được về lực lượng chiến lược của Nga, cho phép Mỹ có những quyết định tốt hơn về việc đầu tư tương ứng vào lực lượng hạt nhân và những lực lượng quân sự khác để cân bằng với Nga.

Việc ký kết và thực thi Hiệp ước START mới sẽ góp phần cải thiện hình ảnh Hoa Kỳ trong con mắt cộng đồng thế giới – một siêu cường có trách nhiệm, có tinh thần hợp tác; từ đó giúp tiếng nói của Mỹ trong việc giải quyết một số vấn đề hạt nhân có trọng lượng hơn, uy tín hơn. Bên cạnh đó, Hiệp ước START mới sẽ giúp cải thiện quan hệ với Nga, cùng giải quyết các vấn đề an ninh chung trong khu vực và trên thế giới. Ví dụ, trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran, Nga đã ủng hộ những nỗ lực của Mỹ để thông qua các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran, và Nga cũng đã hủy việc bán hệ thống máy bay phòng thủ S-300 cho Iran.

* Lợi ích của Nga

Trước tiên, có thể khẳng định: Nga có lợi ích trong một mối quan hệ đối tác ổn định và có tính xây dựng với Mỹ [85]. Tuy sức mạnh của Mỹ đã suy giảm, song không thể phủ nhận Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực Châu Á – Thái Bình dương nói riêng và toàn cầu nói chung. Nga cần Mỹ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, cụ thể là việc đàm phán để tham gia Tổ chức thương mại thế giới WTO; hay cần hợp tác với Mỹ để đạt được thỏa thuận phù hợp về hệ thống phòng thủ tên lửa giữa Nga, Mỹ, và NATO. Do đó, việc đàm phán và đi đến Hiệp ước START mới sẽ giúp cải thiện mối quan hệ giữa Mỹ và Nga vốn căng thẳng dưới thời G.Bush.

Nga mong muốn ký kết Hiệp ước START mới như một “văn kiện có tính ràng buộc pháp lý và có thể thực thi” để khiến cho việc cắt giảm, loại bỏ VKHN và các phương tiện vận chuyển trở thành quá trình không thể đảo ngược và có tính thẩm tra. Điều này cho phép Nga thay thế kho vũ khí chiến lược đã lỗi thời của Liên Xô trong chiến tranh lạnh trong khi vẫn có thể duy trì sự cân bằng chiến lược với Mỹ. Ngoài ra, Nga cũng lo ngại nếu không có một hiệp định kiểu như START I, các bên sẽ tiếp tục áp dụng những quy tắc tính theo Hiệp ước Mát-xcơ-va, như vậy sẽ không thực sự cắt giảm được kho vũ khí của Mỹ trong khi đối với Nga lại hiệu quả. Điều này có thể dẫn đến việc mất cân bằng hạt nhân

chiến lược với Mỹ, đi ngược lại với lợi ích của Nga. Tuy nhiên, nếu hiệp ước START I tiếp tục được gia hạn, thì Nga cũng sẽ không thể triển khai loại MIRV ICBM được hiện đại hóa – loại vũ khí đã bị cấm theo quy định trong START I. Hơn nữa, việc cắt giảm kho VKHN sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính để duy trì kho vũ khí mà vẫn đảm bảo tình trạng cân bằng chiến lược với Mỹ [48].

Mặt khác, VKHN là một trong những nhân tố để thể hiện sức mạnh của nước lớn. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga là nước kế thừa song sức mạnh và vai trò đã giảm đi nhiều do Nga phải đối mặt với những thách thức nội tại như kinh tế trì trệ, chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa khủng bố… Việc đàm phán một Hiệp ước cho quá trình cắt giảm VKHN với Mỹ là một cơ hội cho Nga khẳng định vị thế nước lớn, đặc biệt trong lĩnh vực chống phổ biến VKHN và tăng thêm lợi ích cho các lĩnh vực khác.

Tóm lại, lợi ích của Nga và Mỹ trong việc đàm phám, ký kết START mới đều có những điểm đồng. Cả Mỹ và Nga đều là thành viên của Hiệp ước Chống phổ biến NPT. Một trong ba trụ cột của Hiệp ước này là thực hiện cắt giảm kho vũ khí toàn cầu và đây là trách nhiệm của các nước có VKHN. Mỹ và Nga là hai cường quốc sở hữu kho vũ khí lớn nhất trên thế giới, nên Mỹ và Nga cần tuân thủ theo đúng những điều khoản trong NPT, cũng như phải thể hiện vai trò đi đầu của mình trong tiến trình chống phổ biến loại vũ khí này. Sự nghiêm chỉnh chấp hành các điều ước quốc tế giúp cả hai nước thể hiện vai trò nước lớn có trách nhiệm của mình trên thế giới, và nâng cao uy tín chính trị trên chính trường quốc tế. Bên cạnh đó, yếu tố kinh tế cũng chi phối quá trình cắt giảm VKHN của hai nước. Khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008, kéo theo suy thoái toàn cầu đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế của Mỹ và Nga. Trong bối cảnh đó, việc duy trì, bảo đảm an ninh cho kho vũ khí chiến lược khổng lồ cũng tiêu tốn

một khoản chi phí không nhỏ. Do đó, việc cắt giảm kho vũ khí này sẽ giúp hai bên giảm bớt được gánh nặng tài chính.

Cuối cùng, hiệp ước START mới sẽ mở đầu cho những đối thoại, hợp tác sâu rộng hơn giữa Mỹ và Nga, hay nói cách khác, hiệp ước mới giúp cải thiện quan hệ Nga – Mỹ vốn khá căng thẳng từ sau chiến tranh lạnh. Cả Mỹ và Nga đều bị thách thức bởi sự nổi lên của Trung Quốc5, đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu hay các vấn đề từ quan hệ Mỹ - Liên minh Châu Âu – Nga… Không thể phủ nhận là cả Mỹ và Nga đều cần nhau trong việc giải quyết một số vấn đề quốc tế và khu vực như chống phổ biến VKHN, chống khủng bố...

Một phần của tài liệu Chuyên Đề Tác động của hiệp ước start mới đến vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân (Trang 47)